Lính Mỹ rút khỏi Afghanistan: Điều gì xảy ra với người chưa kịp sơ tán?
Cuộc sơ tán đầy hỗn loạn và rủi ro ở sân bay quốc tế Kabul gây ra làn sóng chỉ trích lớn và khiến ông Biden rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi nhậm chức.
Binh sĩ Mỹ ở sân bay quốc tế Kabul, Afghanistan, hôm 20/8. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/8 quyết định không kéo dài thêm thời gian binh sĩ Mỹ hiện diện ở Afghanistan sau hạn chót 31/8 sau khi cân nhắc rủi ro với các cố vấn an ninh quốc gia.
Hồi tháng 4, ông Biden đã công bố kế hoạch rút 2.500 binh sĩ Mỹ vẫn còn ở Afghanistan sau 20 năm chiến tranh. Hơn 3 tháng sau, Tổng thống Mỹ buộc phải cử thêm hàng nghìn binh sĩ tới quốc gia Nam Á để hỗ trợ nỗ lực sơ tán, sau khi chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan do Washington hậu thuẫn sụp đổ nhanh chóng trước Taliban.
Cuộc sơ tán hỗn loạn đẩy ông Biden vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi lên nhậm chức.
Điều gì xảy ra sau khi binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan?
Các quan chức Mỹ cho biết, việc rút quân được phép muộn nhất là vào ngày 27/8 để có thể hoàn thành đúng hạn chót 31/8 mà ông Biden đưa ra. Các binh sĩ Mỹ tại sân bay Kabul bao gồm lực lượng lính thủy đánh bộ và lính dù.
Khi binh sĩ Mỹ đóng gói trang thiết bị và rút quân, tốc độ di tản của Mỹ và đồng minh - hiện là 20.000 người/ngày - chắc chắn sẽ chậm lại rõ rệt.
Bao nhiêu người có thể được sơ tán sau hạn chót 31/8?
Một lính thủy đánh bộ Mỹ hỗ trợ quá trình sơ tán tại sân bay quốc tế Kabul hôm 22/8. Ảnh: Reuters
Kể từ ngày 14/8, hơn 70.000 người, bao gồm công dân Mỹ, nhân viên NATO và người Afghanistan, đã được sơ tán khỏi thủ đô Kabul, theo lời của Tổng thống Mỹ hôm 24/8.
Ông Biden còn cho biết, Washington sẽ sơ tán mọi công dân Mỹ muốn rời Afghanistan. Các quan chức Mỹ cho hay, họ sẽ sơ tán nhiều nhất có thể các công dân Afghanistan đang gặp rủi ro với Taliban.
John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết, Lầu Năm Góc tin rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng đưa toàn bộ công dân nước này rời khỏi Afghanistan trước hạn chót 31/8. Các quan chức mỹ cho biết, tính tới hiện tại, 4.000 công dân Mỹ đã được sơ tán khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, họ không biết có bao nhiêu công dân Mỹ khác còn hiện diện ở quốc gia Nam Á, vì không phải ai cũng tới đăng ký tại đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan.
Lầu Năm Góc cũng cam kết sơ tán khoảng 500 binh sĩ Afghanistan - những người đang giúp bảo vệ sân bay quốc tế Kabul.
Bất chấp tốc độ sơ tán hiện tại với sự tham gia của hàng chục máy bay vận tải quân sự Mỹ và các nước khác, hàng nghìn người Afghanistan sẽ không thể rời khỏi đất nước trước hạn chót mà ông Biden đưa ra với binh sĩ Mỹ.
Chuyện gì xảy ra với người chưa kịp sơ tán?
Hiệp hội các đồng minh thời chiến - một nhóm tái định cư cho người tị nạn, ước tính có 250.000 người Afghanistan - bao gồm thông dịch viên, tài xế và các nhân viên từng hỗ trợ Mỹ - cần được sơ tán, nhưng chỉ có 62.000 người trong số này được đưa đi kể từ tháng 7.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, mục tiêu của Washington là giúp những người Afghanistan đang gặp rủi ro với Taliban rời đi ngay cả sau khi binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan. Mỹ sẽ gây áp lực với Taliban để đảm bảo thực hiện mục tiêu này.
"Việc sơ tán sẽ không dừng lại ngay cả khi các binh sĩ Mỹ đã rút khỏi Afghanistan. Đó là cam kết của chúng tôi với những công dân Afghanistan đang gặp rủi ro với Taliban", Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tuyên bố hôm 23/8. "Chúng tôi sẽ làm việc với Taliban về chuyện này".
Chính phủ do Taliban thành lập có được công nhận?
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà chính quyền ông Biden và các đồng minh phải đối mặt là liệu có công nhận chính phủ mà Taliban thành lập hay không.
Nếu xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy lớn, bao gồm cả việc Taliban có được tiếp cận nguồn viện trợ nước ngoài giống như chính phủ Afghanistan trước đây hay không.
Một thỏa thuận năm 2020 được ký dưới thời chính quyền ông Trump nêu rõ, Taliban "không được Mỹ công nhận là một nhà nước".
Theo Reuters, giám đốc CIA William Burns được cho là đã bí mật tới gặp thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar ở Kabul hôm 23/8.
Các quan chức Mỹ nói rằng, Taliban chống lại các tổ chức cực đoan như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Các nhà ngoại giao và chỉ huy Mỹ đã tiếp xúc thường xuyên với các quan chức của Taliban trong suốt quá trình sơ tán.
Khủng hoảng nhân đạo
Mỹ, các nước đồng minh và Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ phải quyết định làm thế nào để đối phó với một "thảm họa nhân đạo" đang rình rập
LHQ cho biết, hơn 18 triệu người - tương đương một nửa dân số Afghanistan - đang cần viện trợ. Hơn một nửa số trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính do đợt hạn hán thứ hai trong 4 năm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chỉ có đủ nguồn cung cho người dân Afghanistan trong một tuần sau khi các chuyến hàng viện trợ bị chặn lại ở sân bay quốc tế Kabul. WHO lo ngại điều này sẽ làm nghiêm trọng tình hình dịch Covid-19 ở quốc gia này.
Taliban đã cam kết với LHQ rằng sẽ thực hiện các nỗ lực nhân đạo.
Nguồn: [Link nguồn]
Một trong những người giàu kinh nghiệm ngoại giao nhất trong chính quyền Mỹ được cho là mới có cuộc gặp bí mật với...