Điều gì xảy ra nếu tổng thống, thủ tướng các quốc gia lớn nhiễm Covid-19?
Các chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu đã chỉ ra những tình huống có thể xảy đến nếu một nguyên thủ như Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Anh Vladimir Johnson, hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau dương tính với Covid-19.
Hiện tại, không ít quan chức cấp cao ở một số quốc gia đã dương tính với Covid-19, và một phần trong số họ có tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới.
Ngày 13.3, phu nhân Thủ tướng Canada Justin Trudeau - bà Sophia Gregoire Trudeau, bị kết luận là dương tính với Covid-19. Ông Justin Trudeau hiện đang tự cách ly và sức khỏe vẫn ổn định.
Trước đó, ngày 10.3, Thứ trưởng y tế Anh – bà Nadine Dears, cũng dương tính với Covid-19. Bà Nadine Dears đã tiếp xúc gần với nhiều nghị sĩ và cả Thủ tướng Anh, ông Johnson.
Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump, cũng đã gặp và có tiếp xúc với một quan chức Brazil bị nhiễm Covid-19.
Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump, từng tiếp xúc với người dương tính Covid-19 (ảnh: CNN)
Tình huống này đặt ra mối lo ngại đáng kể khi một nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn dương tính với loại virus đã được WHO tuyên bố là đại dịch.
Về mặt chính trị, các chuyên gia phân tích cho rằng, mỗi quốc gia luôn có kế hoạch dự phòng riêng khi người đứng đầu chính phủ mắc bệnh và không thể điều hành đất nước.
“Trong một đất nước với tình hình xã hội ổn định, nếu nguyên thủ một quốc gia nhiễm bệnh hay thậm chí là tạm không đủ sức khỏe điều hành, thì các mệnh lệnh chính trị vẫn sẽ được đưa ra. Sẽ có những mô hình chuyển giao quyền lực rõ ràng để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo”, bà Ann Keller, phó giáo sư chính trị và chính sách y tế tại Đại học California (Mỹ), cho biết.
Phu nhân Thủ tướng Canada Justin Trudeau - bà Sophia Gregoire Trudeau, dương tính với Coivd-19 (ảnh: CNN)
“Chẳng hạn như ở Mỹ, nếu ông Trump gặp vấn đề thì Phó Tổng thống Mike Pence sẽ là người tiếp quản lãnh đạo, đứng sau đó là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Còn tại Canada, nếu ông Justin Trudeau không thể tiếp tục điều hành thì người đảm nhận trách nhiệm sẽ là Phó Thủ tướng Chrystia Freeland”, bà Ann Keller nói thêm.
“Không có gì lạ nếu các nhà lãnh đạo thế giới bị nhiễm virus”, bà Sue Horton, giáo sư kinh tế y tế tại Đại học Waterloo (Mỹ), cho hay.
Năm 1955, cựu Tổng thống Mỹ - ông Dwight Eisenhower, đã bị một cơn đau tim nặng khi đang đương chức và phải nhập viện trong thời gian dài. Cựu Tổng thống Pháp – ông Francois Mitterrand, đã chiến đấu với bệnh ung thư tuyến tiền liệt cho đến khi làm hết nhiệm kỳ.
“Vấn đề duy nhất khi một nguyên thủ quốc gia bị nhiễm bệnh, đó là việc họ không thể lãnh đạo đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn”, bà Keller nói.
Điều tồi tệ nhất xảy ra khi một nguyên thủ nhiễm bệnh, đó là đối với kinh tế - xã hội toàn cầu, các chuyên gia nhận định.
Đại học Quốc gia Úc dự báo, tổn thất tài chính toàn cầu sẽ ở mức 2,4 nghìn tỷ USD nếu Covid-19 kết thúc ở mức độ ít nghiêm trọng. Trong thường hợp xấu nhất, Covid-19 có thể khiến thế giới mất 9 nghìn tỷ USD.
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại các nước ngoài Trung Quốc (ảnh: SCMP)
“Thị trường rất nhạy cảm với sự bất ổn. Nếu nguyên thủ một nước lớn nhiễm bệnh và không thể làm việc, điều đó sẽ tạo ra càng nhiều bất ổn hơn”, bà Keller cho biết.
Đồng quan điểm với bà Keller, bà Horton cũng cho rằng, tình trạng sức khỏe của một lãnh đạo thế giới ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế và thị trường, nhưng lưu ý rằng những ảnh hưởng đó sẽ không tồn tại quá lâu.
Các chuyên gia nói rằng một phản ứng xã hội đối với bệnh của một nhà lãnh đạo thế giới có thể khác nhau.
“Tin tức về một nguyên thủ bị nhiễm Covid-19 có thể làm suy yếu tinh thần của công chúng. Nó biểu hiện mức độ nghiêm trọng của đại dịch này đối với cộng đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, nếu nguyên thủ nhiễm bệnh và hồi phục, điều này lại khiến công chúng bớt lo lắng hơn về những điều có thể xảy ra”, bà Ann Keller cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Italia có những đặc điểm đặc thù khiến cho Covid-19 lan rộng và ảnh hưởng nặng nề tại quốc gia này với 15.113 ca nhiễm...
Nguồn: [Link nguồn]