Điều gì xảy ra nếu Ấn Độ buộc phải chiến tranh với TQ?
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng khi chính quyền Bắc Kinh kêu gọi New Delhi rút quân khỏi cao nguyên Doklam.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc.
Xung đột giữa hai quốc gia tại khu vực tranh chấp mà Ấn Độ gọi là Doklam còn Trung Quốc gọi là Động Lãng, bắt đầu từ tháng 6 sau khi các công nhân Trung Quốc xây dựng đường cao tốc qua đây.
New Delhi cho rằng cao nguyên Doklam thuộc về Bhutan và việc Trung Quốc xây dựng đường giao thông tại khu vực này đã vi phạm thỏa thuận năm 2012. Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc quân đội Ấn Độ đã vượt qua biên giới tại vùng Sikkim vào giữa tháng 6 vừa qua để ngăn cản quân đội Trung Quốc xây dựng đường.
Trang tin Sputnik của Nga đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phân tích an ninh Ấn độ Nitin Gokhale về mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
“Nếu Trung Quốc tiếp cận lãnh thổ của Bhutan qua cao nguyên Doklam/Động Lãng bằng tuyến đường họ đang cố gắng xây dựng, thì quân đội Trung Quốc dễ dàng tiếp cận hành lang hẹp của Ấn Độ. Hành lang này có vai trò chiến lược vì nó kết nổi trung tâm Ấn Độ với 7 bang phía đông bắc”, ông Gokhale nói.
Ông Gokhale nói thêm rằng Bhutan đã đề nghị quân đội Ấn độ đồn trú tại cao nguyên Doklam/Động Lãng bởi vì “Bhutan một mình không có đủ sức mạnh để đối phó với sức ép từ Trung Quốc”.
Theo chuyên gia Gokhale, Bắc Kinh cho tới nay có những phản ứng khiêu khích trước vấn đề này và cảnh báo Ấn Độ về các hậu quả thảm khốc.
“Ngay cả các nhà ngoại giao Bắc Kinh ở Delhi cũng đưa ra cảnh báo, nhưng Ấn Độ hiện tại vẫn nhấn mạnh rằng vấn đề của hai quốc gia cần được giải quyết qua đàm phán ngoại giao”, ông Gokhale nói.
Khi được hỏi liệu căng thẳng hiện nay có phát triển thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện, ông Gokhale nói rằng xung đột không phải là không thể tránh được, vì thực ra Trung-Ấn đã căng thẳng về vấn đề về biên giới từ hàng chục năm qua.
“Không ai muốn xung đột hay chiến tranh, nhưng tôi nghĩ trong trường hợp bắt buộc, Ấn Độ có đủ khả năng để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc. Ấn Độ không phải là đối thủ dễ chịu về mặt quân sự”, ông Gokhale nói và thêm rằng trong 10-15 năm qua, sức mạnh quân sự của Ấn Độ đã tăng nhiều.
"Tôi nghĩ rằng những cuộc đụng độ ở biên giới sẽ tiếp tục xảy ra cho đến khi được giải quyết với những đường ranh giới phù hợp mà cả hai bên có thể đồng ý", Gokhale kết luận.
Quan hệ Mỹ-Ấn Độ ngày càng xích lại gần hơn trong hàng thập kỷ qua, nhưng cách Washington phản ứng trước căng thẳng biên...