Điều gì xảy ra khi sư tử tấn công trâu rừng nặng 1 tấn?
Trâu rừng được ví với “khối sắt cả tấn” vì chúng nặng gấp 4 lần sư tử và ra đòn không hề khoan nhượng.
Cuộc chiến giữa các loài mãnh thú hay giữa chúng và con mồi luôn cuốn hút con người vì tính dữ dội, quyết liệt và những khoảnh khắc mong manh giữa sống và chết. Loạt bài sau đây điểm lại những cuộc chiến kinh hoàng với sự góp mặt của hổ, sư tử, cá sấu cho tới các loài động vật tưởng như hiền lành như trâu rừng, hà mã... |
Cuộc chiến sinh tồn
Chiều dần buông ở thảo nguyên châu Phi, khi bầy trâu rừng chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày gặm cỏ miệt mài thì con sư tử cái mới bắt đầu cuộc đi săn của mình. Khi thấy một con trâu rừng đi chậm hơn ở phía sau, ngay lập tức nó lao lên và tấn công không khoan nhượng. Con sư tử đơn độc dùng sức mạnh của mình kéo sập con trâu xuống đất. Có lẽ nó nghĩ rằng mình sắp có một bữa tối ngon lành.
Tổng hợp cảnh trâu rừng đại chiến sư tử
Tuy nhiên, một con trâu đực khác đã nhìn thấy cảnh này và nó quyết không tha thứ cho con sư tử liều lĩnh. Clip được đăng tải trên Youtube ghi cảnh con trâu đực lao xồng xộc về phía con sư tử cái đang ngoạm chặt con trâu tội nghiệp.
Bằng một cú hất sừng chính xác và uy lực, con sư tử cái bị hất tung lên cao như một quả bóng rồi rơi sấp mặt xuống đất. Chưa dừng lại ở đó, con sư tử cái còn bị trâu đực giẫm đạp và húc tới tấp vào mặt. Con sư tử cái quá hoảng sợ và bỏ trốn khỏi hiện trường. Bữa ăn tưởng đã đến miệng ngày hôm đó bị thay bằng trận đòn không thể hung bạo hơn từ con trâu cả tấn.
“Khối sắt nghìn cân”
Trâu rừng có thể nặng tới 1 tấn.
Trái ngược với người anh em trâu châu Á của mình, trâu rừng châu Phi có tính khí rất khó đoán. Mỗi năm, ít nhất 200 người dân ở châu Phi bị chúng húc chết vì dám cả gan tiến gần bầy trâu. Thể lực của trâu rừng được đánh giá là vô song khi chúng có thể cao từ 1,7 tới 3,4 mét và nặng trên 1 tấn. Chân chúng tuy ngắn nhưng rất khỏe, đỡ một trọng lượng lớn hơn nhiều trâu nhà.
Trâu rừng châu Phi nặng nhất có thể lên tới trên 1 tấn, cặp sừng có thể nặng tới cả trăm kilogram và dài 1 mét. Chính nhờ trọng lượng gấp 4 lần sư tử, trâu rừng cực kì nguy hiểm khi tung ra những cú húc như búa bổ. Nhiều người ví trâu rừng với “khối sắt nghìn cân” vì chúng đen trũi và rất lực lưỡng.
Trâu rừng "tả xung hữu đột" giữa bầy thú dữ.
Trâu rừng thường sống thành đàn 5-7 con và khi vào mùa sinh sản, trâu đực sẽ tách bầy. Đây là thời điểm trâu rừng dễ bị sư tử tấn công nhất vì con đực chỉ đi một mình. Tuy nhiên, do biết rằng cuộc chiến với sư tử hoặc linh cẩu sẽ là một mất-một còn nên trâu đực lúc này cực kì hung dữ. Khi “truy sát” sư tử, trâu rừng có thể đạt tốc độ 56 km/giờ, nhanh hơn mọi vận động viên chạy nước rút xuất sắc nhất hiện nay.
Trâu rừng sống thành bầy và thường có chiến thuật riêng để bảo vệ những con già yếu hoặc con non. Khi gặp các loài mãnh thú như sư tử hoặc linh cẩu, chúng sẽ tập trung thành vòng tròn, sừng chĩa ra ngoài. Nếu đi thành đàn kiếm ăn, trâu đực sẽ được phân công “chặn đầu chặn đuôi”. Điều này giúp đảm bảo an toàn tối đa nếu bị sư tử tấn công từ hai phía.
Khi một con trâu bị sư tử bắt khỏi đàn, trong nhiều trường hợp, cả đàn trâu sẽ quay lại và chủ động tấn công sư tử để cứu con gặp nạn.
Bản lĩnh bá chủ
Cú tấn công từ phía sau đặc trưng của sư tử cái.
Dù nhiều lần bị trâu rừng ép và húc chết, sư tử vẫn là loài mãnh thú bá chủ ở châu Phi. Sư tử đực có thể nặng tới 250 kg với tốc độ chạy tối đa 80 km/giờ trong cự li ngắn. Dù vậy, sư tử đực khá “lười” đi săn và chủ yếu dựa vào con cái.
Sư tử bị trâu rừng húc thủng ngực.
Sư tử cái nhỏ hơn, thường đi săn theo bầy dưới 10 con và có chiến thuật riêng. Chúng thường lựa chọn những con trâu bị thương trong đàn hoặc đi riêng lẻ nhằm tấn công cho dễ. Sư tử có hai vũ khí quan trọng là hàm răng sắc như dao cạo và móng vuốt sắc bén. Thông thường, sư tử sẽ nhảy lên phần sau của trâu rừng, dùng móng vuốt bám chặt rồi cắn chặt.
Khi trâu có dấu hiệu quỵ ngã, nhiều con khác sẽ nhảy lên, kéo sập trâu rừng xuống đất. Lúc này, một con sư tử sẽ cắn cú kết liễu vào cổ, khiến trâu rừng chết ngay tại chỗ. Sau đó, bầy sư tử sẽ “liên hoan” chiến lợi phẩm. Một con sư tử có thể ăn hết 30 kg thịt một lần. Nếu không ăn hết, chúng sẽ bỏ lại xác trâu cho linh cẩu hoặc kền kền “xử lý” nốt.
___________
Hổ luôn được xem là Chúa sơn lâm, bá chủ rừng xanh. Mọi chuyện sẽ thế nào nếu hổ đánh nhau với gấu đen? Đón đọc kì tiếp theo xuất bản ngày 17.11.
Hai loài mãnh thú với uy lực khủng khiếp nhất hành tinh sẽ thế nào khi đối đầu trong một cuộc chiến một mất một còn?