Điều gì xảy ra khi người Anh chọn rời EU?
Để đổi lấy sự tự quyết nhiều hơn trong mọi lĩnh vực, Anh sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong 2 năm tới khi tiến trình rời bỏ khối EU có hiệu lực kể từ ngày hôm nay.
Anh sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi rời bỏ EU.
Kết quả bỏ phiếu ngày 24.6 cho thấy 52% người dân Anh đồng ý rời bỏ EU (hay còn gọi là Brexit). Quyết định của Anh rời bỏ mối quan hệ thân thuộc với EU là bước tiến hoàn toàn mới trong lịch sử nước Anh hiện đại. Đây được xem như một sự kiện quan trọng và có tầm ảnh hưởng chẳng kém gì hai cuộc Thế chiến của thế kỉ XX.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là điều gì sẽ xảy đến với nước Anh sau khi quốc gia này rời bỏ EU?
Thủ tướng Anh David Cameron đã nói rằng nếu quyết định rời bỏ EU được thông qua, ông sẽ khởi động ngay Điều khoản 50, một phần của Hiệp ước Lisbon với quy trình được thực hiện trong 2 năm khi một quốc gia muốn rời bỏ Liên minh châu Âu.
Anh đã nhất trí rời bỏ EU, thị trường đồng nhất 500 triệu dân, GDP chiếm 22% tổng lượng toàn cầu.
Để được thông qua quyết định rời EU, Anh phải được ít nhất 20 quốc gia (đại diện cho 65% dân số châu Âu) đồng ý. 27 quốc gia đều có quyền phủ quyết ngang nhau, đồng nghĩa một nghị sĩ ở Bỉ cũng có thể làm quy trình phức tạp này bị gián đoạn. Tuy nhiên, khi Điều khoản 50 được khởi động, luật pháp EU vẫn điều chỉnh lên các quan hệ buôn bán của Anh. Dù vậy, London không được phép tham gia vào các phiên họp nội bộ của khối.
Một hệ quả ngoài mong muốn là hiệu ứng domino khi Anh rời châu Âu. EU thiếu Anh sẽ kém hấp dẫn và khiến những quốc gia Bắc Âu giàu có như Đan Mạch, Hà Lan muốn rời bỏ khối.
Bỏ phiếu ở Hà Lan sẽ diễn ra vào tháng 3.2017, ở Pháp là tháng 4 và Đức là mùa thu. Nếu Anh chứng minh được sự thành công khi rời EU, khối này sẽ tan rã trong “một nốt nhạc”.
Nếu sau 2 năm, một thỏa thuận chung không được thừa nhận, Anh sẽ tự động áp dụng luật của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng nghĩa Anh đối mặt thuế với mọi mặt hàng bán vào EU.
Để hoàn tất 2 năm đầy căng thẳng, Bộ Tài chính Anh sẽ phải thuê hàng trăm luật sư, chuyên gia cho các lĩnh vực như sức khỏe, tài chính, dịch vụ công để giải quyết “di sản” để lại sau khi rút khỏi EU. Bộ Thương mại sẽ phải thuê hàng trăm người thương thuyết mới nhằm tái lập các thỏa thuận thương mại toàn cầu khi hệ thống cũ biến mất.
Nước Anh bị chia rẽ sâu sắc vì sự kiện "Brexit".
Khi rời khỏi EU, Anh sẽ rút lui khỏi một thị trường tiêu thụ đồng nhất, chấm dứt việc tự do đi lại của người dân và mọi hàng rào thuế sẽ dựng lên với hàng hóa xuất xứ Anh quốc. EU hiện có 500 triệu dân, GDP năm 2015 là 16,2 nghìn tỉ USD, chiếm 22% tổng lượng GDP toàn cầu.
Điểm tệ hại lớn nhất trong kinh doanh với các công ty đặt trụ sở ở Anh chính là mất đi “tấm hộ chiếu EU”. Giờ đây, muốn làm ăn với khối 27 quốc gia EU sẽ cần sự xác thực, chứng minh với rất nhiều thủ tục rối rắm.
Về mặt thương mại, Anh sẽ phải tự quyết có tham gia vào hiệp định thương mại tự do với EU hay sẽ khởi động một hiệp ước của riêng mình. Ngoài ra, các vòng đàm phán căng thẳng với Ai-len, khối Thịnh vượng chung, NATO… sẽ đang chờ chính phủ Anh trước mắt.
Sự thành công của những cuộc đối thoại giữa nước Anh và EU hậu Brexit sẽ được quyết định bởi chính đường lối của những chính trị gia Anh.