Điều gì trong sự kiện tôn giáo 16.000 người khiến Covid-19 lây đột biến ở Malaysia?
Sự kiện diễn ra tại nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia từ ngày 27.2 đến 1.3 với 16.000 người tham gia đang trở thành ổ dịch mới ở khu vực Đông Nam Á.
Các tín đồ ngủ trong những chiếc lều nhồi nhét đông người bên ngoài thánh đường có mái vòm bằng vàng này, rồi thức dậy trước bình minh và quỳ trên các tấm thảm cầu nguyện được trải dọc ở tòa trung tâm. Trong lúc đó, virus Corona âm thầm lây lan giữa các vị khách mà không ai hay biết, theo Reuters.
Đó là một phần của sự kiện tập trung số đông người Hồi giáo tại nhà thờ Sri Petaling từ ngày 27.2-1.3. Nhà thờ này đang trở thành ổ dịch với hàng trăm ca nhiễm ghi nhận ở Malaysia trong khi các nước láng giềng cũng ghi nhận ca nhiễm mới là người trở về từ sự kiện.
Hôm 17.3, một người đàn ông tham gia sự kiện đã tử vong, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba xác nhận. Điều đáng lo ngại là sự kiện quy mô lớn này có tới 16.000 tín đồ tham dự, bao gồm 1.500 người nước ngoài.
Một người đàn ông bước ra từ nhà thờ Sri Petaling ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Ước tính hai phần ba số ca nhiễm ở Malaysia cho đến nay có nguồn gốc từ nhà thờ, ông Adham nói. Hiện chưa rõ ai là người đem virus đến nhà thờ này đầu tiên.
Phóng viên Reuters đã có cuộc phỏng vấn với 6 người tham dự sự kiện cầu nguyện tại nhà thờ. Cách họ kể lại câu chuyện hé lộ phần nào lý do dịch bệnh lây lan mạnh.
Nhà thờ hiện đã đóng cửa, nhiều tín đồ tuyên bố tự cách ly ở bên trong, theo Reuters.
“Tôi bất ngờ là sự kiện vẫn được diễn ra”, Surachet Wae-asae, một người Thái Lan tham dự sự kiện nói. Wae-asae sau khi trở về đã xét nghiệm Covid-19 và cho kết quả âm tính. “Các tín đồ ở Malaysia có đức tin rất lớn”.
Tại sự kiện chật cứng người này, các tín đồ phải sử dụng xe buýt để đi tới các địa điểm khác ngủ vì có quá đông người tập trung bên ngoài nhà thờ. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm tín đồ cầu nguyện khi ngồi sát nhau trong nhà thờ. Một số người còn chụp ảnh selfie khi chia nhau đồ ăn.
Ước tính các tín đồ nước ngoài đến tham dự sự kiện từ hàng chục quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Canada và Ấn Độ. Hiện không rõ chính xác có bao nhiêu tín đồ là người sống ở Malaysia.
Các tín đồ ngồi chen chúc nhau trong một sự kiện tổ chức ở nhà thờ.
"Chúng tôi ngồi sát nhau", một người đàn ông Campuchia, 30 tuổi, kể lại. Người này dương tính với Covid-19 và đang được điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Battambang của Campuchia. "Ở thánh lễ, chúng tôi nắm tay cùng nhiều người nước ngoài. Khi tôi gặp mọi người, tôi cũng nắm tay họ và chúng tôi nghĩ đó là điều bình thường. Tôi không biết mình đã bị lây bệnh từ ai".
Theo lời kể của các tín đồ, không một nhà tổ chức sự kiện nào nhắc đến việc rửa tay thường xuyên hay cảnh báo về dịch Covid-19. Tuy vậy, hầu hết tín đồ tham dự đều rửa tay thường xuyên vì đây là một phần trong nghi lễ Hồi giáo.
Một tín đồ khác từ Campuchia nói rằng các tín đồ từ nhiều nước ăn chung đĩa với nhau. Hiện mới chỉ có một nửa số người Malaysia tham dự sự kiện chủ động đi xét nghiệm, dấy lên mối lo ngại rằng số ca nhiễm từ nhà thờ còn lớn hơn nhiều, Bộ Y tế Malaysia cho biết.
Brunei đã xác nhận 50 ca nhiễm liên quan đến sự kiện ở nhà thờ Malaysia, Singapore thông báo 5 ca nhiễm, Campuchia là 13 và Thái lan là 2 ca có liên quan. Việt Nam, Philppines và Indonesia đều có công dân tham dự sự kiện trên.
Sự kiện diễn ra trong 4 ngày ước tính có tới 16.000 người tham dự
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu với hơn 187.000 người nhiễm bệnh và hơn 7.800 người tử vong. Đây là sự kiện tôn giáo thứ hai trở thành ổ dịch Covid-19, sau buổi lễ tại nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, Hàn Quốc.
Trả lời về việc tại sao lại bất cẩn khi dịch bệnh lây lan trên toàn cầu, một người tên Khuzaifah Kamazlan, 34 tuổi, sống ở Kuala Lumpur, nói: “Lúc đó tôi không mấy lo lắng vì nghĩ dịch bệnh được kiểm soát ở Malaysia”.
Sau khi trở về, Khuzaifah đã đi xét nghiệm và có kết quả âm tính. Khuzaifah nói rằng một số tín đồ nhất quyết không đi xét nghiệm, cho rằng thánh Allah sẽ bảo vệ mình.
Karim, 44 tuổi, một người Malaysia dương tính với Covid-19 sau khi tham dự sự kiện, nói: “Tôi cảm thấy thất vọng vì mọi người đổ lỗi dịch bệnh lây lan là do chúng tôi. Điều đó có phần thiếu công bằng vì chính phủ không hề cấm chùng tôi tụ tập”, Karim nói. “Giờ tôi lo lắng vì mình đã dương tính. Xin hãy cầu nguyện cho tôi”.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Có một làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở các nước Đông Nam Á trong vài ngày qua, khác với quan điểm cho rằng thời tiết ấm...