Điều gì sẽ xảy ra nếu hai ứng viên tổng thống Mỹ giành số phiếu bằng nhau?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Với việc hai ứng viên tổng thống Mỹ tranh giành 538 phiếu đại cử tri, một kịch bản hoà là điều hoàn toàn có thể xảy ra, giống như cuộc bầu cử năm 1800 giữa Thomas Jefferson và Aaron Burr.

Điều đặc biệt trong luật bầu cử tổng thống Mỹ là các cử tri không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ - gọi là lá phiếu phổ thông - chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang của mình. Tùy thuộc vào số nghị sĩ của từng bang trong quốc hội, mà mỗi bang sẽ có một số lượng nhất định đại cử tri.

Ở hầu hết các bang, ứng viên nào được số phiếu phổ thông cao hơn thì cũng nhận được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó, theo nguyên tắc “người thắng lấy tất cả”.

Số lượng đại cử tri của mỗi bang thay đổi qua từng kỳ bầu cử, nhưng tổng số đại cử tri toàn quốc luôn cố định là 538 người. Bất kỳ ứng viên nào giành quá bán phiếu đại cử tri, tức ít nhất 270 phiếu, sẽ đắc cử tổng thống.

Số phiếu đại cử tri tương ứng của từng bang. (Đồ hoạ: The Hill)

Số phiếu đại cử tri tương ứng của từng bang. (Đồ hoạ: The Hill)

Theo CNN, kịch bản hoà - dù xác suất rất nhỏ - vẫn có thể xảy ra nếu ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris giành chiến thắng ở các bang Wisconsin, Michigan, Arizona, Nevada, và giành thêm một phiếu đại cử tri ở bang Nebraska, nhưng lại thua ở Pennsylvania và Georgia. Khi đó, bà Harris và ông Trump đều sẽ nắm giữ 269 phiếu đại cử tri.

Ngoài CNN, trang web 270-to-win cũng vạch ra một số kịch bản hoà.

Không giống các tiểu bang khác, Maine (có bốn phiếu đại cử tri) và Nebraska (năm phiếu đại cử tri) sẽ trao hai phiếu đại cử tri cho người giành chiến thắng trên toàn tiểu bang. Số phiếu đại cử tri còn lại sẽ được phân bổ cho người thắng phiếu bầu phổ thông trong từng khu vực bầu cử quốc hội của bang. Những lá phiếu đại cử tri riêng lẻ ở Maine và Nebraska sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong các kịch bản hòa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu số phiếu đại cử tri bằng nhau?

Kịch bản hoà của năm 1800 sẽ lặp lại nếu hai ứng viên đều giành 269 phiếu đại cử tri, hoặc đảng thứ ba/ứng viên độc lập giành được phiếu đại cử tri khiến hai ứng viên Dân chủ - Cộng hoà không nhận đủ 270 phiếu đại cử tri tối thiểu.

Theo Tu chính án thứ 12, được ban hành sau cuộc bầu cử gây chia rẽ năm 1800, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, thì Hạ viện mới - tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1/2025 - sẽ chọn tổng thống. Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống.

Các thành viên Hạ viện chỉ có thể chọn một trong số ba ứng viên giành nhiều phiếu đại cử tri nhất cho vị trí tổng thống. Còn các thượng nghị sĩ có thể chọn một trong số hai người có số phiếu cao nhất cho chức phó tổng thống.

Thay vì bỏ phiếu với tư cách cá nhân, mỗi tiểu bang tại Hạ viện sẽ có một phiếu bầu. Ứng viên nào giành 26 phiếu của các tiểu bang sẽ trở thành tổng thống.

Nếu các phái đoàn tiểu bang tại Hạ viện không bầu được tổng thống vào Ngày nhậm chức (20/1), thì phó tổng thống mới do Thượng viện lựa chọn sẽ trở thành tổng thống tạm thời.

Nếu Thượng viện không chọn được phó tổng thống trước ngày 20/1, thì Tu chính án thứ 20 sẽ tạm thời có hiệu lực. Người kế nhiệm tiềm năng xếp sau phó tổng thống là Chủ tịch Hạ viện, hiện là Mike Johnson (đảng Cộng hoà). Tuy nhiên, vị trí này có thể thuộc về một đảng viên Dân chủ, nếu đảng Dân chủ giành được đa số phiếu tại Hạ viện vào tháng 11 này.

Sơ đồ các kịch bản bầu cử Mỹ. (Đồ hoạ: Thanh Hằng - Minh Hạnh)

Sơ đồ các kịch bản bầu cử Mỹ. (Đồ hoạ: Thanh Hằng - Minh Hạnh)

Nguồn: [Link nguồn]

Bầu cử tổng thống Mỹ luôn đầy bất ngờ, nhưng công nghệ và sự hài hước năm 2024 đã mang lại một lớp giải trí mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh - CNN ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN