Điều gì khiến viên cảnh sát Thổ bắn chết đại sứ Nga?
Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ là miền đất lành với các đại sứ khi từ năm 1973 đến 1994 có 4 vị bị ám sát.
Hung thủ đứng sau đại sứ Karlov và chuẩn bị bắn ông.
Vị thế địa chính trị càng tăng thì cái giá phải trả càng đắt, điều này đúng với mọi quốc gia chứ không riêng gì Nga hay Mỹ. Tối ngày 20.12, đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đã bị một kẻ bắn chết tại phòng tranh ở thủ đô Ankara. Khi tham gia vào cuộc chiến ở Syria, Nga “chính thức” trở thành mục tiêu bị các đối tượng khủng bố dòm ngó.
Năm 2012, đại sứ Mỹ Chris Stevens ở Libya đã bị đám đông giết chết ở thành phố Benzhazi. Thời điểm đó, Nga nói rằng sự can thiệp của đồng minh NATO vào Libya đã đẩy Mỹ vào thế đối đầu lực lượng nổi dậy.
Sau vụ ám sát ông Andrei, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimlin chia sẻ trên Twitter: “Nga đang phải trả giá vì sự can thiệp quân sự ở Syria và Ukraine”.
Ông Karlov nằm bất động trên sàn sau khi bị trúng 8 phát đạn.
Nếu chỉ xét ở những nội dung đằng sau các nhận xét vô cảm, có thể nhận ra nhiều điều rất có cơ sở. Đại sứ là đại diện cho quốc gia và tượng trưng cho chính sách ngoại giao của đất nước mình. Những kẻ tấn công sẽ nhằm vào đại sứ để gửi đi thông điệp phản đối chính sách của quốc gia đó.
Từ năm 1968 đến 1979, có 5 đại sứ Mỹ đã bị giết khi làm nhiệm vụ, trong đó 3 người thiệt mạng ở Trung Đông, 1 ở đảo Síp và 1 ở Guatemala. Những quốc gia này đều từng có người cáo buộc Mỹ can thiệp quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một miền đất dữ với các đại sứ, trong đó từ năm 1973 đến 1994 có tổng cộng 4 vị đã bị ám sát.
Hung thủ đã thực hiện hành vi được lên kế hoạch từ trước.
Dù tình hình chính trị rất phức tạp nhưng Nga hầu như không có cán bộ cấp cao nào bị ám sát trong thế kỷ 20. Một trong những lí do là Nga rất quan tâm tới sự an toàn của các quan chức ngoại giao. Moscow biến tất cả các đại sứ quán trở thành pháo đài và có người canh gác cẩn mật. Lí do khác được phương Tây nhận định là bởi Nga đứng cùng phe với lực lượng nổi dậy ở nước đó nên đại sứ tránh bị ám sát.
Sau vụ ám sát đại sứ Andrei Karlov, Nga rơi vào tình cảnh chưa từng có trong lịch sử. Viên cảnh sát bắn chết đại sứ Nga là một người ủng hộ quân nổi dậy ở Syria và lực lượng này mới bị quân chính phủ do Nga hậu thuẫn đánh bại ở thành trì Aleppo. Sau khi bắn chết vị đại sứ, tay súng hét lớn bằng tiếng Thổ: “Đừng quên Aleppo. Đừng quên Syria. Bất kì kẻ nào tham gia vào chiến trường này sẽ phải trả giá”.
Người tham dự triển lãm tranh sợ hãi ngồi nép một góc khi hung thủ cầm súng dọa nạt.
Nhiều người sẽ nghĩ rằng Nga can thiệp vào Syria là nhằm đối trọng với Mỹ đang ủng hộ lực lượng nổi dậy tại đây. Tuy nhiên với tổ chức khủng bố IS, Nga đơn giản chỉ là nước tham chiến gây hại cho chúng. Cái chết của vị đại sứ Nga có thể được cho là bởi chính sách chống khủng bố mạnh tay của Putin hay hành động phá hoại của những kẻ phản đối Tổng thống Tayyip Erdogan. Số khác cho rằng ông Andrei Karlov đã quá thiếu cảnh giác trước mối an nguy của bản thân. Dù vậy, đây chưa phải là kết luận quan trọng nhất.
Sự can thiệp quyền lực của phương Tây và Nga ở Trung Đông thời gian qua đẩy các nhà ngoại giao vào mối nguy bị ám sát như thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Cuộc chiến đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa và dĩ nhiên, người dân sẽ có những mối thù không thể quên với các lực lượng khiến họ phải li tán. Bất kì bên nào tham chiến đều sẽ trở thành mục tiêu, dù ý định ban đầu là tốt đẹp tới đâu.