Điều gì khiến những Blackpink, BTS làm nên điều "không tưởng"?
“Làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) đã tạo biến những điều những điều tưởng chừng không thể thành có thể.
Khán giả phương Tây đánh giá cao những sao nam có vẻ ngoài thanh tú. (Ảnh: Nhóm BTS tại Lễ trao giải Grammy lần thứ 64).
Tháng 12/2022, Manga Barcelona - một trong những lễ hội lớn nhất của văn hóa Nhật Bản ở châu Âu, đã phải chuyển đến địa điểm lớn hơn để đáp ứng lượng khách tham dự lên tới hơn 150.000 người. Trong lễ hội kéo dài 4 ngày này, nhiều người hóa trang thành các nhân vật manga (truyện tranh) hoặc anime (phim hoạt hình) yêu thích của họ.
Dù lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật Bản nhưng lễ hội có sự đan xen từ các xu hướng châu Á khác, đáng chú ý là K-pop. Vào ngày cuối cùng, rất nhiều người đã bước vào sân khấu lớn của cuộc thi nhảy K-pop mang tên “K-pop Assault: Wow, Dancetastic Baby 2022”.
Làm thế nào mà hàng trăm ngàn người châu Âu bị mê hoặc bởi nền văn hóa cách họ 10.000 km và đối lập (theo nghĩa đen) Đông - Tây?
Đó là do sự phát triển phi thường của văn hóa Hàn Quốc, từ âm nhạc, phim ảnh, truyền hình đến ẩm thực, thời trang, mỹ phẩm..., tạo nên một hiện tượng mà người Trung Quốc gọi là “Hallyu” (Hàn lưu), nghĩa là “Làn sóng Hàn Quốc”.
Hallyu được cho là xuất hiện khi một số bộ phim được phát hành vào năm 1999. Đầu tiên là "Chiến Dịch Shiri" (Swiri), bộ phim cực kỳ thành công tại khắp Đông Nam Á, đã đưa Hallyu đến với công chúng. Tiếp theo, bộ phim “Trái tim mùa thu” vào năm 2000 đã duy trì sự phấn khích do “Swiri” tạo ra. Kế đó là "Cô nàng ngổ ngáo" (My Sassy girl) năm 2001 và “Bản tình ca mùa đông” năm 2004. Tất cả đều trở nên rất nổi tiếng ở Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc và Việt Nam.
Hiệu ứng Hallyu vô cùng to lớn. Năm 1965, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chưa bằng Ghana nhưng ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, trong đó có đóng góp không nhỏ của Hallyu. Năm 2019, Hallyu ước tính mang lại 12,3 tỷ USD cho kinh tế Hàn Quốc.
Ban nhạc Blackpink trong chuyến lưu diễn ở Hà Nội
Các nhóm nhạc K-pop như BTS và Blackpink đã đưa âm nhạc Hàn Quốc vào thị trường phương Tây, giành được các giải thưởng của Mỹ và đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc. Trong khi đó, các bộ phim truyền hình như "Trò chơi con mực" (Squid Game) và "Hạ cánh nơi anh" (Crash Landing on You) cũng được thế giới đón nhận nồng nhiệt.
Hallyu đã biến những điều trước đây được cho là không bình thường trở nên phổ biến. Làn sóng này không còn giới hạn ở K-pop và K-drama mà gần đây lan sang cả lĩnh vực làm đẹp, được gọi là K-beauty.
Trong nhiều thập kỷ, mỹ phẩm, đồ trang điểm, chăm sóc da… được coi là dành cho nữ giới. Tuy nhiên với việc áp dụng các tiêu chuẩn của K-beauty, một sự chuyển đổi lớn đã xảy ra, khi ngành công nghiệp làm đẹp ngày càng thu hút khách hàng nam giới.
Ngày nay, việc nam giới sơn móng tay hay áp dụng chế độ chăm sóc da phức tạp ngày càng trở nên bình thường, ngay cả trong xã hội phương Tây. Khán giả phương Tây cũng đánh giá cao những sao nam có vẻ ngoài thanh tú thay vì nam tính truyền thống.
Cùng với Hallyu, làn sóng học tiếng Hàn hiện cũng đang phát triển như vũ bão. Năm ngoái, tiếng Hàn được xếp hạng thứ 7 về ngôn ngữ được học nhiều nhất trên ứng dụng Duolingo. Trong bản cập nhật năm 2021, từ điển tiếng Anh Oxford đã bổ sung 26 từ có nguồn gốc từ tiếng Hàn. Tiếng Hàn là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 13 trên toàn cầu.
Bảng song ngữ Hàn - Anh tại một trường học ở Los Angeles (Mỹ).
Theo các nhà quan sát, tiếng Hàn ngày càng phổ biến là nhờ Hallyu đã lan rộng khắp thế giới. Ngôn ngữ này có thể là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo của Hàn Quốc.
Sự phát triển vượt bậc của Hallyu được cho là từ bốn yếu tố chính:
Thứ nhất, đó là sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất mở đường cho Hallyu là quyết định của Chính phủ Hàn Quốc vào đầu những năm 1990 về việc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài. Người Hàn từ đó được khám phá thế giới, tiếp cận với nền giáo dục phương Tây. Nhờ đó họ có những quan điểm mới về kinh doanh, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc…
Hàn Quốc cũng thay đổi cách quản lý về điện ảnh và nghệ thuật vào năm 1996, mở ra con đường giúp nghệ sĩ tự do khám phá, thể hiện các ý tưởng mới và táo bạo hơn.
Ở Hàn Quốc, một bộ phận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung vào nhạc pop, thời trang, giải trí, truyện tranh, phim hoạt hình,… Văn phòng nội dung văn hóa được đầu tư ngân sách lên tới 5,5 tỷ USD với mục đích phát triển ngành xuất khẩu công nghiệp văn hóa.
Cùng với các loại quỹ khác dành cho việc nuôi dưỡng văn hóa đại chúng, Chính phủ Hàn Quốc cũng rất tích cực quản lý Hallyu ngoài Hàn Quốc. Họ tổ chức các lễ hội văn hóa, chiến dịch truyền thông và gián tiếp giúp ngành công nghiệp giải trí bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi.
Thứ hai, các công ty hàng đầu của Hàn Quốc ngày càng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Một số tập đoàn tư nhân lớn của Hàn Quốc như Samsung và LG đã bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu của họ vào giữa những năm 1990. Chất lượng, thiết kế, tiếp thị và xây dựng thương hiệu kể từ đó có sự phát triển ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu. Những kỹ năng này cũng được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế trong đó có văn hóa.
Thứ ba là nhờ vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng. Chính phủ Hàn Quốc đã và đang dành ngân sách đáng kể để phát triển cơ sở hạ tầng Internet công nghệ cao vì tin rằng mọi công dân Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối với thế giới toàn cầu.
Thêm vào đó, Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia trên toàn thế giới đầu tư ngân sách vào các công ty khởi nghiệp của quốc gia. Năm 2012, các quỹ của chính phủ chiếm hơn 25% tổng số tiền đầu tư mạo hiểm được giải ngân ở Hàn Quốc. Một phần ba tổng vốn đầu tư mạo hiểm ở Hàn Quốc được chi cho ngành công nghiệp giải trí.
Yếu tố thứ tư là việc khai thác triệt để các phương tiện truyền thông. Thông qua Youtube, Facebook và các trang mạng xã hội khác, K-Pop đã phủ sóng sang cả khu vực châu Âu và Nam Mỹ.
Bản thân ngành truyền thông của Hàn Quốc cũng rất phát triển. Nó được tập trung để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ xét riêng truyền hình, Hàn Quốc hiện tại có các đài tư nhân lớn như SBS, MBC, Arirang,… và đài truyền hình trung ương KBS với mục đích chung là quảng bá văn hóa của đất nước.
Sự phát triển của truyền thông cũng kéo theo sự bùng nổ của ngành công nghiệp giải trí. Điều này dẫn đến việc ra đời hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực giải trí như Mnet Media, SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment, Hybe Corp. (Big Hit Entertainment)…
____________
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, Hallyu còn góp phần thay đổi quan niệm về vẻ đẹp của con người. Điều này sẽ được đề cập trong bài kỳ tới, đăng vào sáng 6/8.
Đằng sau sự trỗi dậy của các hiện tượng văn hóa Hàn Quốc trong những năm gần đây là sự hợp lực của nhiều yếu tố.
Nguồn: [Link nguồn]