Điều gì khiến hoàng đế Pháp Napoleon thống lĩnh 60 vạn quân chinh phạt Nga?

Hoàng đế Pháp Napoleon, với tham vọng kiểm soát hoàn toàn châu Âu, đã thống lĩnh 600.000 quân chinh phạt đế quốc Nga năm 1812. Cuộc chiến chỉ kéo dài chưa đầy 6 tháng, nhưng gây ra thương vong nặng nề cho cả hai bên.

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng khiến cả châu Âu phải sợ hãi.

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng khiến cả châu Âu phải sợ hãi.

Cách đây hơn 210 năm, châu Âu từng trải qua giai đoạn xung đột đầy bất ổn. Nổi bật nhất là cuộc chinh phạt đế quốc Nga của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte. Nguồn gốc và những bí ẩn đằng sau cuộc chinh phạt cũng như những diễn biến kỳ lạ của nó sẽ được mổ xẻ trong loạt bài này.

Sau khi lên nắm quyền năm 1799, hoàng đế Napoleon Bonaparte giành được một loạt thắng lợi quân sự, giúp kiểm soát hầu hết châu Âu.

Napoleon sáp nhập Bỉ, Hà Lan, kiểm soát các vùng lãnh thổ ngày nay thuộc Italia, Croatia và Đức, chi phối Thụy Sĩ, Ba Lan. Tây Ban Nha bị quân Pháp đánh bại, buộc phải đấu tranh du kích.

Chỉ có Anh do ưu thế về vị trí địa lý, nằm ngoài tầm kiểm soát của Napoleon. Năm 1806, Napoleon quyết định trừng phạt Anh bằng cách lập ra Hệ thống phong tỏa Lục địa, ngăn cấm các nước nằm trong lục địa châu Âu giao thương với Anh.

Sa hoàng Alexander không chấp nhận lệnh cấm của Napoleon, khiến hai bên phải giải quyết mâu thuẫn trên chiến trường. Trong trận Friedland năm 1807, đội quân của Napoleon đánh bại quân Nga. Sau trận này, Sa hoàng Nga Alexander I ký Hiệp ước Tilsit, ủng hộ Pháp trong chiến lược phong tỏa và trừng phạt Anh.

Nhưng đến cuối năm 1810, Sa hoàng Alexander I ngừng tuân thủ Hệ thống phong tỏa Lục địa, với lý do ảnh hưởng đến giao thương của Nga và tác động tiêu cực đến giá trị đồng rúp. Sa hoàng cũng tăng thuế với hàng hóa xa xỉ xuất xứ từ Pháp và từ chối để Napoleon kết hôn với thành viên hoàng gia Nga.

Napoleon và Alexander I cũng bất đồng về việc Pháp thành lập Công quốc Warszawa (nhà nước Ba Lan thân Napoleon) sát biên giới Nga.

Napoleon khiến Sa hoàng Alexander I buộc phải ký Hiệp ước Tilsit vào năm 1807.

Napoleon khiến Sa hoàng Alexander I buộc phải ký Hiệp ước Tilsit vào năm 1807.

Napoleon ban đầu coi Nga là đồng minh vì giữa Nga và Pháp không có tranh chấp hay xung đột lãnh thổ. Nhưng sau những mâu thuẫn liên tiếp, Napoleon quyết định cần phải dạy cho Alexander một bài học.

Trong cuộc chinh phạt Nga, Napoleon huy động khoảng 600.000 quân từ khắp nơi ở châu Âu. Ngày 24.6.1812, đội quân này vượt sông Neman bắt đầu tiến vào lãnh thổ đế quốc Nga. 

“Đó là đội quân có thành phần từ khắp nơi ở châu Âu, đa dạng nhất kể từ thời Thập Tự chinh”, Sutherland, giáo sư sử học đến từ Đại học Maryland (Mỹ), nói, theo History.

Các chuyên gia nhận định, nòng cốt của lực lượng này là 450.000 quân Pháp (Grande Armée), tổng binh lực vào khoảng 650.000 người.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Sa hoàng Alexander I có khoảng 488.000 quân, nhưng có lợi thế của phe phòng thủ và lực lượng dân quân đông đảo.

Nhà nghiên cứu Nga Mikhail Belizhev đưa ra nhận định về cuộc chiến: “Quy mô của cuộc chiến là vô cùng lớn. Lần đầu tiên kể từ thế kỷ 17, chiến tranh xảy ra trên phạm vi lãnh thổ đế quốc Nga. Đây là một cú sốc thực sự đối với những người đương thời. Thủ đô Moscow từng rơi vào tay người Pháp, bị hủy hoại nặng nề và sự kiện này được coi là thảm họa quốc gia. Ước tính 1 triệu người Nga bỏ mạng trong cuộc chiến và hai năm sau đó, thiệt hại vật chất ước tính khoảng vài tỷ rúp”.

Mục tiêu của hoàng đế Napoleon là giành thắng lợi một cách nhanh chóng, buộc Sa hoàng Alexander I phải ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng quân Pháp tiến đến đâu, quân Nga rút lui đến đó, không quên phá hủy kho lương thực, đạn được và các thiết bị có thể được quân địch sử dụng.

Napoleon khi đó vẫn tự tin, nói với các cố vấn: Ta sẽ một lần và mãi mãi đánh bại những kẻ phương Bắc này. Chúng phải bị trừng phạt để 252 năm nữa không can dự được vào công việc của một châu Âu văn minh”.

Đến giữa tháng 8, quân Nga rút lui khỏi Smolensk, thiêu rụi thành phố. Nông dân Nga trước khi rời đi cũng đốt phá mùa màng để lương thực không rơi vào tay quân Pháp.

Cuộc chinh phạt Nga năm 1812 là chiến dịch quân sự lớn nhất trong cuộc đời Napoleon.

Cuộc chinh phạt Nga năm 1812 là chiến dịch quân sự lớn nhất trong cuộc đời Napoleon.

David A. Bell, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton (Mỹ), tác giả cuốn sách về các cuộc chinh phạt của Napoleon ở châu Âu, cho biết: “Chiến lược vườn không nhà trống có tác động đáng kể trong việc loại bỏ nguồn lương thực hỗ trợ cuộc chiến của quân Pháp. Cái nóng mùa hè cũng khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt. Nhiều binh lính Pháp mắc bệnh do côn trùng gây ra như sốt phát ban và các bệnh khác liên quan đến nước như kiết lỵ”.

Theo báo Nga RBTH, Michael Andreas Barclay de Tolly (1761-1818), sĩ quan gốc Scotland phục vụ trong hàng ngũ quân đội Nga, là người trực tiếp tham gia xây dựng chiến lược đối phó đại quân của Napoleon. Barclay và tướng Pyotr Bagration là tổng tư lệnh quân đội Nga khi Napoleon phát động cuộc chinh phạt.

Barclay đã đề ra kế hoạch “vườn không nhà trống”, rút lực lượng về miền trung Nga để tiêu hao nguồn lực của quân Pháp, khi phải tiến sâu vào lãnh thổ Nga.

Barclay đánh giá, tuyến đường tiếp vận của Napoleon từ châu Âu sẽ trở nên quá dài, không đảm bảo tiếp tế đầy đủ cho đại quân tinh nhuệ của Pháp. Khi đó, quân Nga và lực lượng dân quân sẽ phản kích đẩy lùi đối phương.

Trong trận Smolensk, quân Nga kháng cự yếu ớt rồi lút lui. Người Nga chỉ thực sự giao tranh với quân Pháp vào ngày 7.9.1812, trong trận Borodino, cách Moscow khoảng 120km. Trong trận chiến đẫm máu đó, bộ binh của hai bên không ngừng lao vào nhau, trong khi pháo binh liên tục khai hỏa. Mỗi giây 3 tràng pháo và 7 loạt đạn của súng hỏa mai vang lên, khiến vô số binh sĩ của hai bên ngã xuống.

Trong ngày giao tranh thứ hai, quân Nga rút lui với thương vong khoảng 45.000 người, gấp đôi phía Pháp. Sau trận này, con đường tới Moscow của hoàng đế Napoleon đã rộng mở.

Bên phía Nga, Barclay là người thuyết phục Sa hoàng Alexander sơ tán toàn bộ quân đội và người dân khỏi Moscow.

Ngày 14.9.1812, quân Pháp tiến vào thủ đô Moscow, nhận ra thành phố không còn lại gì. Hầu hết người dân đã sơ tán, để lại rượu mạnh nhưng không hề có thức ăn.

Napoleon tiến công thẳng tới thủ đô Moscow của Nga với mục đích kết thúc nhanh cuộc chiến.

Napoleon tiến công thẳng tới thủ đô Moscow của Nga với mục đích kết thúc nhanh cuộc chiến.

Quân Pháp thỏa sức uống rượu và cướp bóc, trong khi hoàng đế Napoleon chờ Sa hoàng Alexander cử người tới xin cầu hòa. Sau một tháng chờ đợi ở Moscow, Napoleon đưa quân tiến sâu hơn về phía Kaluga nhưng bị quân Nga đánh chặn.

Thiếu lương thực trầm trọng và liên tục bị dân quân Nga đánh du kích, trong khi mùa đông lạnh giá sắp tới, Napoleon đành ra lệnh thu quân.

Đến lúc này, đại quân của Napoleon chỉ còn khoảng 100.000 người. Hành trình quay về Paris không hề dễ dàng vì đường về đi qua các khu vực đã bị quân Pháp san phẳng, không có cách nào để kiếm được lương thực.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi mùa đông đến sớm, với những đợt gió lạnh khiến nhiệt độ rơi xuống mức dưới 0 độ và tuyết rơi. Tình hình tồi tệ đến mức các binh lính Pháp phải làm mọi cách để giữ ấm, thậm chí chui vào xác động vật chết để nằm trong đó, theo History.

Cuối tháng 11.1812, quân Pháp may mắn thoát khỏi sự truy kích của người Nga, vượt qua sông Berezina (nay thuộc Belarus). “Từ đây, các binh sĩ Pháp được lệnh di chuyển tùy ý, tự mình quay về Paris”, Sheperd Paine, chủ tịch của Hiệp hội Lịch sử Napoleon ở Mỹ, nói.

Ngày 5.12.1812, Napoleon giao lại quyền chỉ huy cho tư lệnh Joachim Murat để vội quay về Paris, trước tin đồn có cuộc đảo chính xảy ra.

Sau thất bại lịch sử này, cán cân quyền lực ở châu Âu thay đổi hoàn toàn. Áo, Phổ và Thụy Điển liên minh với Nga và Anh trong chiến dịch chống lại Napoleon. Hoàng đế Pháp mặc dù vẫn xây dựng được một đội quân lên tới hàng chục vạn người, nhưng thiếu quân tinh nhuệ và thiếu ngựa chiến.

Napoleon giành được một số thắng lợi, nhưng bị liên quân Nga, Phổ và đồng minh đánh tới tận Paris vào tháng 3.1814. Napoleon phải sống lưu vong trên đảo Elba.

Năm 1815, Napoleon lại tái xuất nhưng bị liên quân Anh, Phổ đánh bại trong trận Waterloo nổi tiếng. Ngày 28.6.1815, Napoleon phải thoái vị lần hai, nhường ngôi lại ngôi vương cho vua Louis XVIII. Theo Hiệp ước Paris ký ngày 20.11.1815, Napoleon bị đưa đi lưu đày.

Người Anh giam giữ Napoleon trên đảo Saint Helena ở Đại Tây Dương, cách bờ biển phía tây của châu Phi 1.870km, cẩn thận gửi quân đến đồn trú ở hai hòn đảo lân cận, đề phòng Napoleon tẩu thoát.

Napoleon sống trong điều kiện bị lưu đày, bị trầm cảm nghiêm trọng, đến năm 1821 thì qua đời ở tuổi 51.

_____________________

Nguyên nhân nào khiến Napoleon chinh phạt Nga thất bại? Nhiều người cho rằng thời tiết lạnh giá là yếu tố chính nhưng sự thật có thể không hẳn như vậy. Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ 2 xuất bản 0h30 ngày 22.5 trên mục Thế giới

Cản bước tiến của Nga, Ukraine dùng chiến thuật từng làm khó hoàng đế Napoleon

Khi nước lũ tràn ngập các ngôi nhà và con đường ở làng Demydiv (khu vực ngoại ô phía bắc Kiev), người dân ở đây biết rằng, đó không phải một thảm họa tự nhiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN