Điều gì khiến các băng đảng khét tiếng nhất Nhật Bản không thể "thay máu"?
Giờ đây, các tổ chức tội phạm khét tiếng nhất Nhật Bản (gọi chung là Yakuza) phải sử dụng đến thành viên trung niên để thực hiện hoạt động tội phạm. Yakuza mất sức hút với thành viên trẻ và dần già cỗi.
Theo Guardian, các băng đảng Yakuza giờ đây không còn sức hút với thành viên trẻ. Ảnh minh họa: Medium
Theo Guardian, dân số già và các cuộc trấn áp quyết liệt của cảnh sát Nhật Bản khiến các băng đảng Yakuza đánh mất sức hút với thành viên trẻ, gây khó khăn lớn trong việc "thay máu" để duy trì sự phát triển của tổ chức tội phạm.
Lần đầu tiên kể từ khi thống kê về các băng đảng khét tiếng nhất Nhật Bản được ghi nhận năm 2006, 51,2% thành viên của các băng đảng Yakuza đều trên độ tuổi 50, theo thông tin của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA).
Năm 2006, nhóm thành viên lớn nhất của các băng đảng Yakuza là nhóm trên 30 tuổi, chiếm tỷ lệ 30,6%, nhưng giờ đây, nhóm này chỉ còn 14%. Nhóm ở độ tuổi 20 chỉ chiếm 9%, trong khi nhóm trên 70 tuổi chiếm hơn 10%, theo NPA.
Các cuộc càn quét của cảnh sát nhằm vào các băng đảng tội phạm Yakuza và kinh tế bất ổn trong hơn một thập kỷ khiến sức hút của Yakuza với các thành viên trẻ sụt giảm nghiêm trọng vì lời hứa kiếm được nhiều tiền không còn giá trị.
"Dân số già của Nhật Bản là một yếu tố ảnh hưởng, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc chính Yakuza không còn hấp dẫn thành viên trẻ như trước. Các thành viên trẻ chấp nhận hy sinh rất nhiều để gia nhập băng nhóm tội phạm nhưng họ không được nhận lại xứng đáng", Tomohiko Suzuki, một tác giả và chuyên gia về các băng đảng Yakuza, chia sẻ với tờ Guardian.
Luật pháp nghiêm khắc hơn, bao gồm cả những luật nhắm vào các doanh nghiệp có liên kết với các băng đảng Yakuza, khiến việc trở thành thành viên băng đảng trở nên thiếu sức hút. Thành viên các băng đảng Yakuza bị cấm mở tài khoản ngân hàng, cấm mở thẻ tín dụng, bị rút khỏi các chính sách bảo hiểm...
"Thời thế thay đổi"
Yakuza trước đây từng có tới 180.000 thành viên ở thời kỳ đỉnh cao nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Ảnh minh họa: REX
Một cựu thành viên Yakuza ở tuổi 70 cho biết đã chứng kiến một lượng lớn thanh niên nhanh chóng bất mãn và rời khỏi băng nhóm trong vòng một năm sau khi được gia nhập.
"Thế hệ của tôi mơ ước được trở thành ông trùm xã hội đen trong băng đảng, được phụ nữ ái mộ, có tiền bạc, xe sang. Nhưng giờ đây, thời thế đã thay đổi. Người trẻ ngày nay không thích ý tưởng như vậy", cựu thành viên Yakuza chia sẻ với tờ Asahi Shimbun.
Sự già cỗi của cộng đồng tội phạm ở Nhật Bản xảy ra đồng thời với sự sụt giảm số lượng thành viên liên tục. Ở thời kỳ đỉnh cao những năm 1960, các băng đảng tội phạm Yakuza có hơn 180.000 thành viên.
Con số này đã giảm mạnh kể từ năm 2006 - chỉ còn 87.000 thành viên băng đảng tội phạm, bao gồm cả cộng sự không được đăng ký chính thức là thành viên Yakuza.
Hiện tại, con số thành viên băng đảng Yakuza chỉ còn 14.400 người (thành viên chính thức) và 13.800 người (không chính thức). Băng nhóm Yamaguchi-gumi, do ông trùm 78 tuổi Shinobu Tsukasa dẫn đầu, có số lượng thành viên đông nhất: 8.900 người.
Các cuộc chiến tranh giành địa bàn, từng là nơi đám thanh niên hỗn chiến để "gây ấn tượng" với các ông trùm thì nay lại do các thành viên trung niên thực hiện. Tháng 10/2019, khi 2 thành viên băng đảng có liên quan tới cái chết của một đối thủ thuộc băng Yamaguchi-gumi, cảnh sát Nhật bắt giữ một nghi phạm 68 tuổi.
Trong quá khứ, các thành viên tội phạm trẻ tuổi sẽ phạm tội theo lệnh của ông trùm và khi ra tù thì vẫn chỉ ở độ tuổi 40 với danh tiếng được nâng cao trong giới tội phạm và tương lai tài chính được đảm bảo. Nhưng giờ đây, khi luật pháp chặt chẽ hơn, các bản án cũng dài hơn, bao gồm cả chung thân cho một số vụ giết người. Điều này đồng nghĩa với phần thưởng cho sự trung thành không còn được đảm bảo như trước.
"Nếu bạn vào tù bây giờ, đó thực sự là dấu chấm hết", chuyên gia Suzuki nói.
Tư cách thành viên Yakuza bị "mất giá" thê thảm từ giữa những năm 2000, khi người dân địa phương gây sức ép buộc giới chức phải truy quét triệt để các băng nhóm tội phạm sau nhiều năm xảy ra hành động bạo lực.
Kết hợp với hơn 2 thập kỷ kinh tế bất ổn và pháp luật chặt chẽ, vai trò của Yakuza trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế Nhật Bản đã suy giảm rõ rệt, theo Suzuki.
"Dù cảnh sát không công khai rằng họ đang thất nghiệp nhưng Nhật Bản đang bước vào giai đoạn mà Yakuza không còn phù hợp với xã hội nữa", ông Suzuki nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của Yakuza, băng đảng tội phạm lâu đời nhất Nhật Bản, khi nó...