Điều gì có thể xảy ra với thế giới nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài?
“Tâm chấn” của xung đột Moscow - Kiev nằm ở khu vực miền đông Ukraine, nhưng “dư chấn” thì lan ra toàn thế giới, từ những thành phố sầm uất của Mỹ, đến những ngôi làng nhỏ nghèo nàn ở châu Phi.
Nhiều chuyên gia không thể trả lời câu hỏi xung đột Nga – Ukraine khi nào kết thúc (ảnh: CNN)
Hôm 24.2, khi Nga tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều người cho rằng nó chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần. Nhưng thực tế cho thấy, xung đột giữa 2 nước láng giềng đã kéo dài hơn 2 tháng với nhiều hệ lụy.
Trả lời phỏng vấn của CNN, nhiều chuyên gia không thể đưa ra nhận định về thời điểm kết thúc xung đột Nga – Ukraine khi cả 2 nước giờ đều tỏ ra không mấy mặn mà với những cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, với những gói viện trợ vũ khí liên tiếp, phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ đang thể hiện mong muốn sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để làm suy yếu Nga.
Hôm 23.4, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ lo ngại rằng chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài đến cuối năm 2023.
Hậu quả của một cuộc chiến tiêu hao là cực kỳ nghiêm trọng, đối với cả 2 phe, theo CNN. Gần như có thể chắc chắn rằng, sẽ ngày càng có nhiều người phải hy sinh trong cuộc chiến. Tổn thất về người có thể khiến Nga – Ukraine thêm thù địch và càng khó cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Bất cứ cường quốc hạt nhân nào như Nga hoặc Mỹ rơi vào tình trạng có xung đột đều khiến thế giới “nín thở”. Trong khi Mỹ không ngần ngại “bơm” vũ khí hạng nặng vào Ukraine, nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO cũng tăng cao. Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ coi những chuyến hàng viện trợ quân sự phương Tây gửi tới Ukraine là mục tiêu hợp pháp.
“Thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn an ninh nghiêm trọng”, Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - nói với CNN.
Hôm 27.6, Tổng thống Ukraine tuyên bố nước này đã thiệt hại hơn 600 tỷ USD chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự.
Trong khi Ukraine “đỏ mắt” chờ viện trợ tài chính từ phương Tây để khôi phục cơ sở hạ tầng và kinh tế, nhiều chuyên gia lo ngại về ngành nông nghiệp gần như đang đình trệ hoàn toàn của nước này.
Việc Ukraine – một trong những nước xuất khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới – rơi vào xung đột có thể đẩy nguy cơ mất an ninh lương thực ở châu Phi và Trung Đông trở thành nạn đói.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 27.4 cảnh báo, xung đột Nga – Ukraine đang gây ra đợt lạm phát toàn cầu tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua.
Cả Ukraine và Nga hiện đều thể hiện quan điểm không muốn tiếp tục đàm phán nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột (ảnh: CNN)
Ở Mỹ, giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá xăng tăng vọt, tỷ lệ nghịch với số người ủng hộ Tổng thống Biden. Với mức lạm phát ở Mỹ cao nhất kể từ năm 1980, ông Biden đang bị cáo buộc làm suy yếu nền kinh tế Mỹ nhưng vẫn “chăm chỉ” công bố các gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine.
Ở châu Âu, tình hình cũng không khá hơn đối với các đồng minh của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) mỗi ngày vẫn phải trả ít nhất 850 triệu USD cho Nga để mua khí đốt vì giá nhiên liệu tăng cao. Nhiều nước EU cũng rơi vào tình trạng “thấp thỏm” sau khi Nga ngừng bán khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Bất ổn an ninh ở châu Âu đang khiến một số nước như Phần Lan, Thụy Điển đẩy mạnh quyết tâm gia nhập NATO. Sau Ukraine, sườn phía đông của NATO có thể trở thành “điểm nóng” mới khiến thế giới tiếp tục “đứng ngồi không yên”.
Steve Hall – cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ – nói với CNN rằng, trong cuộc đối đầu Nga – Ukraine, không bên nào, kể cả phương Tây, thắng cuộc.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ ở trong tình trạng này lâu dài. Đây sẽ là một cuộc chiến tiêu hao. Nó sẽ rất khó khăn đối với tất cả”, ông Steve Hall nhận định.
Quân đội Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía nam và phía đông Ukraine nhưng phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt ở một số địa điểm, nơi quân chủ lực của Ukraine...
Nguồn: [Link nguồn]