Điều xảy ra với Đức nếu Nga "cắt" nguồn cung khí đốt?
Hôm 30.3, Đức đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, dù là với bất cứ kế hoạch nào, Đức nhiều khả năng cũng không thể chịu được lâu.
Sơ đồ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang Đức (ảnh : Aljazeera)
1. Sự phụ thuộc của Đức
Tuần trước, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Moscow sẽ chỉ chấp nhận đồng rúp trong giao dịch khí đốt với một số quốc gia “không thân thiện”, trong đó có Đức. Berlin đã kịch liệt phản đối ý tưởng trên.
Theo DW, Nga là đối tác cung cấp khí đốt lớn nhất cho Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Năm 2021, Nga đáp ứng hơn 55% nhu cầu tiêu thụ khí đốt và 34% nhu cầu tiêu thụ dầu của Đức. Trong quý đầu tiên của năm 2021, lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang Đức có giảm nhưng không nhiều. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, nước này sẽ không thể ngừng nhập khẩu khí đốt Nga trước tháng 6.2024.
Hôm 29.3, ông Robert Habeck thông báo, kho chứa nhiên liệu của Đức mới chỉ được lấp đầy 25%. Điều này cho thấy Đức sẽ không trụ vững được lâu nếu Nga ngắt nguồn cung khí đốt trong thời gian dài.
“Câu hỏi về việc liệu số nhiên liệu đó có sẽ duy trì được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nhu cầu tiêu thụ và thời tiết. Kho dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu có thêm nhiều lò sưởi”, ông Habeck nói và kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng.
Trong cuộc họp với Quốc hội Đức vào tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo, việc Nga ngừng cấp khí đốt có thể đẩy Đức và châu Âu vào một cuộc suy thoái.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck đến Qatar để bàn về những hợp đồng cung cấp năng lượng mới (ảnh : DW)
2. Kế hoạch khẩn cấp
Kế hoạch khẩn cấp của Đức nhằm đối phó với nguy cơ Nga “cắt” hoàn toàn nguồn cung khí đốt bao gồm 3 giai đoạn.
Hôm 30.3, Đức kích hoạt giai đoạn đầu điên của kế hoạch khẩn cấp : “Cảnh báo sớm”. Trong giai đoạn này, Đức sẽ thành lập một cơ quan nhằm giải quyết nguy cơ mất an ninh năng lượng và thực hiện một số biện pháp tiết kiệm tiêu thụ trong nước.
“Mỗi kw điện tiết kiệm được đều sẽ giúp ích. Chúng tôi kêu gọi các công ty, người dân sẽ giúp nước Đức bằng cách tiết kiệm khí đốt và năng lượng”, Bộ trưởng Habeck nói.
Giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp là “báo động”. Lúc này, chính phủ Đức sẽ yêu cầu các công ty ngành dầu khí trong nước thực hiện mọi biện pháp để giải quyết nguồn cung khí đốt.
Ở giai đoạn thứ 3 “khẩn cấp”, chính phủ Đức phải quyết định phân phối lượng khí đốt còn lại của đất nước bằng mệnh lệnh hành chính. Chỉ những cá nhân, tổ chức cần khí đốt nhất mới được cung cấp khí đốt.
Đức có thể thiệt hại nặng nếu Nga “khóa vòi” khí đốt (ảnh : CNN)
3. Hậu quả
Theo nhiều chuyên gia, nếu Đức không thể bảo đảm nguồn cung khí đốt, ngành công nghiệp năng lượng nước này sẽ “chịu báng” đầu tiên.
“Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất công nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn”, Leonhard Birnbaum, giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Đức E.ON, nhận xét.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Đức Leopoldina, nếu Nga ngừng cấp khí đốt, GDP Đức sẽ giảm từ 0,5 – 3% trong năm đầu tiên. Lạm phát ở Đức cũng sẽ tăng thêm 5,5%.
“Không thể lường trước được về các hậu quả nếu điều đó xảy ra”, Christoph M. Schmidt, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz (Đức), lo ngại.
Kerstin Andreae – chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp nước và năng lượng Đức (BDEW) – cho rằng, một lệnh cấm xuất khẩu khí đốt từ Nga có thể khiến Đức rơi vào tình trạng “thảm khốc”.
Một nghiên cứu của BDEW cho rằng, quy mô thương mại Đức có thể sụt giảm 10% và ngành công nghiệp nói chung có thể giảm 8% nếu Nga ngừng cấp khí đốt.
Theo Bộ trưởng Robert Habeck, Đức có thể tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế Nga từ Qatar và Na Uy. Tuy nhiên, sớm nhất phải đến năm 2026, Đức mới xây dựng được đủ hệ thống đường ống để nhập khí đốt từ 2 nước này.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 30.3, Đức tuyên bố kích hoạt kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó nguy cơ Nga cắt xuất khẩu năng lượng sau khi Berlin cùng một số nước châu Âu từ chối mua khi đốt Nga bằng...