Điều gì có thể khiến Nga phải thay đổi chiến lược ở Ukraine?
Trong bối cảnh xung đột Ukraine đang bước sang tháng thứ 2, câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể duy trì chiến dịch quân sự đến lúc nào và điều gì có thể làm thay đổi chiến lược của Nga ở Ukraine.
Một xe tăng Nga bị phá huỷ ở Ukraine.
Trong nhiều năm qua, Nga đã có sự chuẩn bị cho kịch bản bị phương Tây trừng phạt nặng nề và có các giải pháp ứng phó. Các biện pháp này giúp Nga vẫn trụ vững trước các áp lực từ Mỹ và đồng minh.
Theo Washington Post, vẫn có những yếu tố không diễn ra suôn sẻ với Nga và có thể cản trở một chiến dịch quân sự lâu dài ở Ukraine. Cuộc chiến càng kéo dài, Nga có thể sẽ càng nhận thấy ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ từ các lệnh cấm vận.
“Thời gian đang không ủng hộ Nga”, nhà phân tích chính trị Nga, Tatiana Stanovaya, nhận định.
Tình hình trên thực địa
Trên chiến trường, Nga kiểm soát một vùng đất khá rộng ở phía nam Ukraine, kết nối hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea tới vùng Donbass.
Nhưng Nga chưa đạt bước tiến ở thành phố Kiev và Kharkiv, cũng như chưa thể mở rộng chiến dịch sang phía tây, nhắm tới thành phố Mykolaiv và Odessa.
Michael Kofman, nhà phân tích quân sự Nga thuộc tổ chức CAN, có trụ sở ở bang Virginia (Mỹ), nói thương vong bên phía Nga có dấu hiệu đáng kể và điều này đang làm giảm hiệu quả chiến đấu.
Đến một lúc nào đó, Nga khó có thể tiếp tục chiến dịch quân sự nếu không tung các lực lượng đánh thuê hoặc lực lượng dự bị vào Ukraine.
Xung đột kéo dài trên nhiều mặt trận sẽ khiến Nga phải huy động một lượng lớn nhân lực. “Đến tháng 4, Nga sẽ phải quyết định xem nên ngừng hay duy trì chiến dịch quân sự và nếu tiếp tục thì với quy mô ra sao”, ông Kofman nhận định.
Quân đội Ukraine đang kháng cự quyết liệt, thậm chí giành được một số thắng lợi nhỏ. Ngược lại, các lực lượng Nga đang có dấu hiệu gặp khó khăn trong việc duy trì mạng lưới hậu cần trên nhiều mặt trận.
Nick Reynolds, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói Nga đang có dấu hiệu giảm bớt các mục tiêu ở Ukraine, tập trung lực lượng cho một mặt trận duy nhất, thay vì phân tán binh sĩ ở nhiều khu vực mà không đem lại hiệu quả.
Việc phương Tây tăng cường chuyển vũ khí cho Ukraine cũng có thể sẽ khiến Nga đối mặt thêm thách thức, đặc biệt là các vũ khí hiện đại như máy bay không người lái cảm tử Switchblade.
Vấn đề kinh tế
Xe tăng Nga trên đường phố Mariupol.
Quân bài năng lượng là yếu tố quan trọng giúp Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây. Nga vẫn tiếp tục bán dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, thu về lợi nhuận lớn, giúp nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ sụp đổ.
Tuy nhiên, sức ép kinh tế với Nga sẽ rõ ràng hơn khi tổng sản phẩm quốc nội suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng, cũng như nguy cơ về việc phương Tây áp đặt thêm trừng phạt.
Nga đã và đang phụ thuộc vào các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel. Việc Nga có thể giữ được các thị trường này hay không sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga trong thời gian tới.
Trong nhiều năm, ông Putin đã chèo lái Nga hướng tới một nền kinh tế ổn định và phát triển, nhưng giờ đây, các lệnh trừng phạt đang làm lung lay thành tựu này. Các chuyên gia cảnh báo, các lệnh trừng phạt có thể tác động tới dư luận Nga khi chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng do kinh tế đi xuống.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, Nga cần xác định rõ mục tiêu cụ thể ở Ukraine, sớm tìm cách chấm dứt xung đột để có thời gian bình thường hóa mối quan hệ với phương Tây trước khi các ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế và xã hội trở nên rõ ràng hơn.
Tình báo Mỹ thời gian qua đã đưa ra những nhận định không chính xác như Kiev sẽ sớm thất thủ trước lực lượng Nga và năm ngoái là việc quân đội Afghanistan có thể cầm cự...
Nguồn: [Link nguồn]