Điều gây khó hiểu sau 6 ngày diễn ra chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine
Trước khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, tình báo Mỹ dự đoán Nga có thể tung hàng trăm chiến đấu cơ vào cuộc xung đột, nhanh chóng nắm toàn quyền kiểm soát bầu trời.
Oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga không kích các mục tiêu khủng bố IS hồi tháng 1.2017.
6 ngày sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, những dự đoán trên khác xa so với những gì xảy ra trên thực tế. Không quân Nga sở hữu hàng ngàn chiến đấu cơ, bao gồm các mẫu tiêm kích tối tân nhất như Su-57, Su-35S, Su-34 và các oanh tạc cơ chiến lược TU-22M3.
Tuy nhiên, các chiến đấu cơ này không xuất hiện trong các đợt không kích của Nga ở Ukraine. Moscow chủ yếu sử dụng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hoặc giao nhiệm vụ tấn công từ trên không cho các trực thăng chiến đấu hoặc cường kích Su-25.
Giới chức Mỹ hiện vẫn chưa thể giải thích vì sao Nga lại có chiến lược khó hiểu như vậy, theo Reuters.
“Nga có lẽ không muốn tạo rủi ro đối với các chiến đấu cơ và các phi công làm nhiệm vụ”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói, theo Reuters.
Đến nay, không quân Ukraine vẫn có thể đưa máy bay xuất kích, phóng các tên lửa phòng không dù năng lực đã bị suy giảm đáng kể.
“Tiêu diệt lực lượng không quân và lực lượng phòng không đối phương là là chiến lược hàng đầu đối với bất kỳ cuộc xung đột nào trên thế giới kể từ năm 1938”, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, cho biết.
RUSI cho rằng, sự vắng bóng của các chiến đấu cơ tối tân Nga là “một trong những bí ẩn lớn nhất”.
Rob Lee, chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói: “Chiến lược của Nga khiến các chuyên gia bối rối. Tôi từng cho rằng mở đầu cuộc xung đột sẽ là ‘sử dụng vũ lực tối đa’”.
“Bởi vì mỗi ngày trôi qua, rủi ro càng tăng thêm. Rất khó để giải thích cho quyết định này của Nga”, ông Lee nói.
Các chuyên gia quân sự nói đã thấy bằng chứng về việc không quân Nga thiếu sự phối hợp với lực lượng trên bộ. Một số đoàn xe quân sự Nga di chuyển vượt ra khỏi tầm bảo vệ của không quân.
Điều này khiến các binh sĩ Nga đối mặt rủi ro bị quân đội Ukraine tấn công, đặc biệt là các đòn tấn công bằng máy bay không người lái.
David Deptula, một cựu tướng không quân Mỹ, người từng chịu trách nhiệm thiết lập vùng cấm bay trong cuộc chiến tranh Iraq, nói ông bất ngờ khi Nga không kiểm soát toàn bộ vùng trời kể từ khi chiến dịch bẳt đầu.
“Có lẽ Nga nhận ra sự phối hợp đa lực lượng là không dễ dàng”, ông Deptula nói. “Mọi chuyện không như những gì họ tính toán”.
Trong khi các lực lượng Nga hành động không đạt mức như dự đoán, quân đội Ukraine lại chiến đấu vượt xa đánh giá của phương Tây. Kinh nghiệm 8 năm xung đột ở miền đông có lẽ đã giúp quân đội Ukraine trong việc hoạch định chiến lược.
Nhưng các lực lượng Nga cũng đã tích lũy kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố ở Syria, kết hợp giữa không kích trên không và tác chiến trên thực địa.
Phía Mỹ ước tính Nga chỉ mới sử dụng 75 chiến đấu cơ trong cuộc xung đột ở Ukraine, chủ yếu là cường kích Su-25. Trước cuộc xung đột, tình báo Mỹ nhận thấy Nga có thể tung vào cuộc xung đột hơn 500 máy bay các loại.
“Chúng tôi nhận thấy Nga đã mất một số máy bay và phía Ukraine cũng vậy”, quan chức Mỹ nói. “Hai bên vẫn đang cạnh tranh trên không một cách rất căng thẳng mỗi ngày”.
Nguồn: [Link nguồn]
Một quan chức Mỹ cho biết hàng dài xe quân sự của Nga hướng đến thủ đô Kiev -Ukraine đã không có bất kỳ bước tiến nào trong 24 giờ qua, bị mắc kẹt tại chỗ do các vấn đề...