Điều EU không thể làm khi trừng phạt Nga ở vòng kế tiếp
Lãnh đạo các nước EU đã thừa nhận điều mà họ dù rất muốn nhưng không thể làm ngay với Nga ở lần trừng phạt thứ 7.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh: AP
Tờ Guardian hôm 31/5 đưa tin, ngay sau khi lệnh cấm vận một phần dầu Nga được đưa ra, lãnh đạo các nước vùng Baltic đã kêu gọi đàm phán về các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng EU cần bắt đầu thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới với Nga vì tình hình ở Ukraine "vẫn chưa thể khá hơn". "Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, sẽ không có sự yên bình. Ukraine vẫn chưa giành chiến thắng. Chúng ta đã hỗ trợ nhưng chưa đủ", bà Kallas nói.
Giống những người đồng cấp ở các quốc gia Baltic và Ba Lan, nữ Thủ tướng Estonia muốn EU sớm ngừng phụ thuộc vào khí đốt Nga. Nhưng bà Kallas thừa nhận bà là người "thực tế" và không cho là khí đốt Nga sẽ nằm trong danh sách của đợt trừng phạt thứ 7.
"Các biện pháp trừng phạt về dầu Nga đã khó nhưng khí đốt còn khó hơn nhiều. Việc đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo sẽ khó khăn hơn vì chúng không chỉ ảnh hưởng tới người Nga, mà giờ đã có tác động tiêu cực tới cả người châu Âu", Thủ tướng Estonia nói với báo chí tại ngày thứ 2 của Hội nghị Thượng đỉnh EU.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng đồng quan điểm với người đồng cấp Estonia. Ông Nehammer cho rằng khí đốt không thể nằm trong danh mục trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga. "Việc tìm nguồn thay thế dầu Nga dễ hơn so với khí đốt. Đó là lí do vì sao các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ không nhằm vào khí đốt Nga", ông Nehammer nói.
Lệnh cấm vận một phần dầu Nga đã được công bố tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU hôm 30/5, sau khi Hungary nhận được đảm bảo có thể tiếp cận với đường dầu biển nếu nguồn cung dầu Nga qua đường ống Druzhba - chạy qua Ukraine - bị ngừng lại.
Trong một thông điệp trên Facebook, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết đã được EU miễn trừ lệnh cấm vận dầu mà ông ví như "một quả bom nguyên tử" giáng vào nền kinh tế Hungary.
Mykhailo Podolyak, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, chỉ trích chính sách yếu kém của EU trong việc gây áp lực lên Moscow. "Nga không được phép thắng, nhưng chúng ta (EU) sẽ không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì sợ mất lòng Nga. Moscow phải trả giá, nhưng chúng ta đừng vội áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Hàng triệu người sẽ chết đói nhưng các đoàn xe chở ngũ cốc viện trợ của chúng ta vẫn chưa sẵn sàng.
Giá cả tăng chưa phải điều tồi tệ nhất với một thế giới dân chủ có chính sách như trên", ông Mykhailo Podolyak viết trên Twitter với giọng mỉa mai.
Ông Zelensky đã nói chuyện với các lãnh đạo các nước EU qua video hôm 30/5, kêu gọi họ đoàn kết, vì tranh cãi "chỉ khuyến khích Moscow gây thêm áp lực".
Theo Guardian, việc chấm dứt tranh cãi, bất đồng về lệnh cấm vận dầu Nga giúp EU tập trung hơn vào các danh mục khác trong đợt trừng phạt thứ 6, gồm các cá nhân và ngân hàng được cho là có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin. Có thêm 3 ngân hàng của Nga, trong đó có ngân hàng cho vay lớn nhất nước Nga Sberbank, bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift. Đây là động thái của phương Tây nhằm tách Nga khỏi nền tài chính toàn cầu.
Ông Josep Borrell, cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, khen ngợi các biện pháp trừng phạt lần 6: "Vẫn muộn như thường lệ... nhưng cuối cùng các biện pháp cũng được đưa ra". Ông Borrell dự đoán Nga sẽ phải hạ giá dầu. "Chúng tôi là khách hàng quan trọng nhất của Moscow. Nga sẽ phải tìm một đối tác khác thay thế và chắc chắn phải giảm giá dầu", ông Borrell dự đoán. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học lại cho rằng Moscow có thể tăng giá dầu trong ngắn hạn do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận khiến nguồn cung khan hiếm.
Khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU là đối tác chi 1 tỷ euro mỗi ngày để nhập khẩu năng lượng Nga. EU đã đồng ý giảm phụ thuộc vào than Nga tính từ nay cho đến giữa tháng 8, giảm lệ thuộc vào dầu Nga đến cuối năm nay, nhưng chưa ấn định thời hạn để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Điểm đến của tàu hàng này là một thành phố ở Nga. Ukraine đã lên tiếng về vụ việc.
Nguồn: [Link nguồn]