Điều đáng lo ngại ở hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc năm nay bước vào mùa khô sớm nhất lịch sử kể từ khi thống kê được ghi nhận, sớm hơn 17 ngày so với thống kê năm ngoái.

Mực nước ở Hồ Bà Dương giảm xuống mức kỷ lục trong mùa khô năm ngoái. Ảnh: Hoàn Cầu.

Mực nước ở Hồ Bà Dương giảm xuống mức kỷ lục trong mùa khô năm ngoái. Ảnh: Hoàn Cầu.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), tình trạng này làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ hạn hán lặp lại, khiến lượng nước trong hồ giảm xuống chỉ còn 1/4 so với mức bình thường vào mùa khô năm ngoái.

Hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, chính thức bước vào mùa khô vào ngày 20/7/2023, sớm nhất kể từ khi các thống kê ghi nhận vào năm 1951 và sớm hơn 17 ngày so với năm ngoái.

Theo trung tâm giám sát thủy văn Giang Tây, mực nước đo được tại trạm thủy văn Xingzi là 11,99 mét (39,3 feet) vào ngày 20 tháng 7, mức thấp nhất trong lịch sử.

Bởi vì lượng nước trong hồ sẽ không ngừng giảm trong mùa khô, trung tâm kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền chú ý đến tác động tiềm ẩn và kêu gọi các nỗ lực nhằm quản lý nước tốt hơn và có các biện pháp cứu trợ hạn hán.

Li Yankuo, giáo sư tại Đại học Sư phạm Giang Tây, nói ông lo lắng về hạn hán năm nay. “Mực nước tương đối thấp do lượng mưa ít hơn bình thường… Theo những gì tôi quan sát, có vẻ như hạn hán năm nay rất nghiêm trọng”, ông Li nói.

Hồ Bà Dương đóng vai trò tạo ra môi trường sống quan trọng của các loài chim di cư, với hàng trăm ngàn con chim bay từ nơi sinh sản ở đông bắc Siberia đến hồ nước mỗi năm để trú ngụ qua mùa đông lạnh giá.

Hơn 350 loài chim được ghi nhận ở hồ, trong đó có 23 loài nằm trong danh sách các loài bị đe dọa (sách đỏ) của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Hồ Bà Dương mở rộng và thu hẹp tùy theo mực nước hàng năm, rộng nhất lên tới 3.000km2 trong mùa mưa và thu hẹp còn khoảng 500km2 vào mùa khô.

Mực nước ở hồ sẽ xuống mức thấp trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 3, để lộ các loài thủy sinh, tạo ra nguồn thức ăn cho chim di cư.

Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ qua, mực nước ở hồ rút xuống nhanh hơn vào mùa hè và mùa thu, dẫn đến việc mùa khô kéo dài.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những con đập được xây dựng trên sông Dương Tử góp phần khiến mùa khô đến sớm hơn ở hồ Bà Dương. Các đập thủy điện như đập Tam Hiệp bắt đầu tích trữ nước vào tháng 9, khiến mùa khô đến sớm hơn.

Những đập thủy điện không phải nguyên nhân duy nhất. Biến đổi khí hậu trong 2 năm qua đã khiến mực nước ở hồ giảm xuống ngay từ tháng 8, thậm chí theo ghi nhận trong năm nay là tháng 7, ông Li cho biết.

Năm 2022, hồ Bà Dương bước vào mùa khô vào ngày 6/8, sớm hơn 100 ngày so với mức trung bình trong lịch sử.

Hu Zhenpeng, cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây, giáo sư Đại học Nam Xương, nói hạn hán năm ngoái ở khu vực hồ được coi là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1949 và xu hướng này đang tiếp diễn.

Ông Hu đề xuất xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hạn hán để kiểm soát mực nước ở các hồ chứa, hồ nước và đê kè.

“Trong khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, tần suất hạn hán nghiêm trọng tương tự như năm 2022 có thể sẽ tăng lên. “Chúng ta cần thay đổi chiến lược từ cứu trợ hạn hán sang ngăn ngừa và giảm thiểu hạn hán”, ông Hu nhận định.

Hiện chưa rõ mực nước hồ Bà Dương sẽ giảm xuống mức nào trong mùa khô năm nay, nhưng các chuyên gia đều bày tỏ quan ngại. “Hệ quả tiêu cực của hạn hán cũng tồi tệ không kém lũ lụt. Nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu, các loài chim di cư và hệ sinh thái”, ông Li nói.

Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn, chính quyền phát báo động đỏ

Chính quyền tỉnh Giang Tây, miền trung Trung Quốc, ngày 23/9 lần đầu tiên tuyên bố tình trạng "báo động đỏ" về nguồn cung cấp nước sau khi hồ nước ngọt lớn nhất Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH AN - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN