Điện Kremlin cảnh báo hậu quả việc EU "quay lưng" với khí đốt Nga
Với việc từ chối năng lượng Nga và phụ thuộc vào năng lượng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tự tước đi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, theo Điện Kremlin.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng có "những hậu quả tồi tệ" khi EU "quay lưng" với năng lượng Nga. Ảnh: AA
Đài RT hôm 9/10 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov - cho hay, việc EU "quay lưng" với năng lượng của Nga sẽ "dẫn đến những hậu quả tồi tệ", có thể là sự sụt giảm về hoạt động công nghiệp trong 2 thập kỷ tới.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 1, phát sóng hôm 9/10, ông Peskov tuyên bố, người Mỹ đang "kiếm tiền" của EU bằng cách bán khí đốt cho người dân trong khối với giá "cắt cổ".
"Và người châu Âu phải trả lượng lớn tiền cho khí đốt của Mỹ, vì vậy làm mất đi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Sản xuất bị đình trệ. Sự sụt giảm về hoạt động công nghiệp ngày càng tới gần. Tất cả những thứ đó sẽ gây ra hậu quả tồi tệ cho EU trong ít nhất 1 đến 2 thập kỷ tới", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, trong quá khứ, có một sự "cân bằng chung" khi Nga quan tâm đến những khách hàng mua năng lượng của mình cũng như các khách hàng quan tâm ngược lại đến Nga. Tuy nhiên, ông Peskov lập luận, EU bắt đầu lặp lại luận điệu như "một câu thần chú" rằng họ phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Điều đó dẫn đến tình cảnh hiện tại.
Ông Peskov cho rằng người Mỹ đang bán khí đốt với giá "gấp 3 hoặc 4 lần" so với Nga, đồng thời nói thêm, "EU đang khiến nền kinh tế của khối giảm tính cạnh tranh" vì phải trả số tiền lớn cho các nhà cung cấp Mỹ.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng cao vào đầu năm nay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Sau khi EU và một số nước ngoài khối này áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, đồng thời khởi động chiến dịch thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga, giá khí đốt ở châu Âu cao kỷ lục, dẫn đến lạm phát gia tăng ở châu lục này.
Hồi đầu tuần trước, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo, châu Âu có thể sớm phải đối mặt với việc suy giảm đáng kể hoạt động công nghiệp và gia tăng bất ổn xã hội nếu không có phương án để hạ giá năng lượng.
Theo Reuters, Mỹ đang cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên cho EU hơn Nga. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử điều này xảy ra. Tuy nhiên, khí đốt của Mỹ đắt hơn khí đốt Nga gấp 10 lần.
Ngày 8/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đánh giá rằng hầu như Nga không bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi kinh tế châu Âu lại đang lao đao trước bờ vực khủng hoảng, theo RT.
Ông Lavrov khẳng định, Nga có đủ tiềm lực để bảo vệ lợi ích kinh tế, có nhiều nguồn lực để bảo vệ kinh tế trong nước, đồng thời cảnh báo sự kiên nhẫn của Nga trước các lệnh trừng phạt cũng như các hành động gây hấn về kinh tế của phương Tây là có giới hạn.
Chính phủ Serbia chỉ trích gói trừng phạt mới của EU nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, gọi đây không khác nào "một gói trừng phạt của EU nhằm vào Serbia".
Nguồn: [Link nguồn]