Diễn biến mới vụ Nhật Bản xả nước thải phóng xạ

Ngoại trưởng Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc thực hiện các động thái để xoa dịu tình hình sau khi xác nhận thông tin Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh bị ném gạch. 

TEPCO, công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, kiểm tra nước thải trước khi xả ra biển. Ảnh: Reuters

TEPCO, công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, kiểm tra nước thải trước khi xả ra biển. Ảnh: Reuters

Al Jazeera ngày 29/8 đưa tin, Nhật Bản cho biết, ai đó đã ném gạch vào Đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh và công dân Nhật Bản ở Trung Quốc đang đối mặt với nhiều sự quấy rối kể từ khi Tokyo chính thức xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển từ ngày 24/8. 

Trung Quốc là nước phản đối mạnh nhất về kế hoạch xả nước thải, một phần quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm dừng hoạt động nhà máy hạt nhân vốn bị phá hủy trong thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. 

Tokyo đã trấn an những người chỉ trích về việc xả nước thải của nhà máy Fukushima ra biển. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, quá trình xả thải cũng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng Bắc Kinh vẫn không thấy thuyết phục. 

Tuần trước, khi dòng nước thải đầu tiên được xả ra biển, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu tất cả thủy sản của Nhật Bản. Một số nước khác cũng tăng cường kiểm tra các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, trong khi xuất hiện các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Ngày 29/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi xác nhận thông tin, một viên gạch bay vào đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh, đồng thời cho biết các nhân viên Đại sứ quán phải nhận nhiều cuộc gọi gay gắt từ người dân Trung Quốc. Ông Hayashi kêu gọi Bắc Kinh có các hành động để xoa dịu tình hình.

"Thật đáng tiếc và đáng lo ngại", ông Hayashi nói với các phóng viên ở Tokyo. "Chúng tôi thúc giục chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp thích hợp ngay lập tức, như kêu gọi công dân hành xử bình tĩnh, để ngăn tình hình leo thang và thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo an toàn cho các công dân và cơ quan ngoại giao Nhật Bản ở Trung Quốc". 

Ngày 28/8, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bộ không biết về vấn đề này khi được hỏi về cáo buộc công dân Nhật Bản bị quấy rối liên quan đến vụ xả nước thải.

Nhật Bản đã kêu gọi công dân nước này ở Trung Quốc hạn chế nói to bằng tiếng Nhật, khuyến cáo công dân “chú ý đến khu vực xung quanh đại sứ quán” nếu có kế hoạch đến trụ sở này. Tokyo cũng tăng cường an ninh xung quanh các trường học cũng như các cơ quan ngoại giao kể từ khi bắt đầu xả nước thải.

Theo Al Jazeera, một loạt doanh nghiệp và văn phòng chính phủ ở Nhật Bản được cho là phải hứng chịu hàng nghìn cuộc gọi lăng mạ từ các số điện thoại có mã vùng quốc gia là Trung Quốc (+86) kể từ ngày 24/8. 

Vụ việc khiến Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masataka Okano ngày 28/8 triệu tập Đại sứ Trung Quốc Wu Jianghao để yêu cầu người Trung Quốc hành xử bình tĩnh. 

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo tuyên bố đã gửi phản ánh nghiêm khắc tới Nhật Bản về việc Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Nhật Bản nhận được "số lượng lớn các cuộc gọi phiền toái từ Nhật Bản". 

Theo một tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo, ông Wu cho rằng các cuộc gọi "làm cản trở nghiêm trọng hoạt động bình thường của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc.

Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24/8. Số nước thải, sản sinh ra sau khi làm mát các lò phản ứng bị hư hại, được chứa trong các bể khổng lồ ở nhà máy Fukushima. 

Tất cả các nguyên tố phóng xạ được lọc khỏi nước thải ngoại trừ tritium - một đồng vị hydro khó loại bỏ - nhưng đã được giảm xuống mức an toàn. Tritium là chất được thải ra từ các nhà máy điện hạt nhân trong quá trình hoạt động bình thường, kể cả ở Trung Quốc.

Nhật Bản có thể kiện Trung Quốc lên WTO vì lệnh cấm hải sản

Ngày 29/8, Nhật Bản dọa sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để yêu cầu hủy lệnh cấm nhập tất cả hải sản sau khi Tokyo xả nước nhiễm xạ đã qua...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Al Jazeera ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN