Diễn biến đáng chú ý vụ Phần Lan điều tra sự cố đường ống khí đốt bị hư hại
Các nhà điều tra Phần Lan đang xem xét vai trò của tàu container Trung Quốc trong vụ hư hại đường ống khí đốt và cáp viễn thông giữa Phần Lan và Estonia.
Một tàu container của Trung Quốc hiện là tâm điểm cuộc điều tra của Phần Lan về khả năng đường ống khí đốt và cáp viễn thông giữa quốc gia Bắc Âu này và Estonia bị phá hoại cách đây 2 tuần, tờ Financial Times đưa tin ngày 21-10.
Thợ lặn Hải quân Phần Lan hỗ trợ điều tra vụ việc. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Phần Lan tối 20-10 cho biết họ đang tập trung vào Newnew Polar Bear, một tàu container đăng ký ở đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), vì hoạt động di chuyển của chiếc tàu này trùng với thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc.
Tàu Sevmorput của Nga, do công ty tàu phá băng Atomflot điều hành, cũng có mặt trong khu vực vào thời điểm đó.
Các nhà điều tra Estonia cho biết họ đang xem xét cả hai con tàu. Trong khi đó, Phần Lan không giải thích lý do tại sao họ chỉ tập trung vào tàu Trung Quốc.
Các quan chức của cả hai nước đều cho biết rằng thiệt hại đối với đường ống và cáp xảy ra hôm 8-10 ở Vịnh Phần Lan là do con người gây ra nhưng vẫn chưa xác định được là do cố ý hay vô tình. Thụy Điển sau đó xác nhận rằng một tuyến cáp dữ liệu dưới biển riêng biệt kết nối nước này với Estonia cũng bị hư hỏng cùng thời điểm.
Ông Risto Lohi, người đứng đầu cuộc điều tra của Phần Lan, cho biết: “Chúng tôi sẽ hợp tác với chính quyền Trung Quốc để xác định vai trò của con tàu nói trên”. Ông nói thêm rằng cảnh sát Phần Lan có một sĩ quan liên lạc ở Trung Quốc có thể xử lý vấn đề tại chỗ.
Cảnh sát Phần Lan cho biết họ đã tìm thấy “một vật thể cực kỳ nặng” gần hiện trường trong cuộc kiểm tra hôm 19-10 và sẽ cố gắng trục vớt vật thể này.
“Cuộc điều tra đã xác nhận rằng thiệt hại là do lực cơ học bên ngoài gây ra và dựa trên hiểu biết hiện tại, không có lý do gì để tin rằng thiệt hại là do một vụ nổ gây ra” – ông Lohi nói.
Khả năng cơ sở hạ tầng dưới biển bị phá hoại đã khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường tuần tra ở biển Baltic bằng máy bay không người lái (UAV) cùng máy bay giám sát và do thám. NATO cũng điều 4 tàu quét mìn tới khu vực này.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs hôm 20-10 đề nghị rằng nếu chứng minh được Nga đứng sau vụ phá hoại thì NATO nên đóng cửa biển Baltic đối với tàu bè của Nga. Ông không cho biết sẽ làm điều này bằng cách nào, trong khi chính phủ Latvia cho biết họ chưa thảo luận về vấn đề này và đây đơn thuần là sáng kiến của tổng thống.
Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết họ đã liên hệ với phía Trung Quốc để cố gắng tiếp cận phía Newnew Polar Bear. Theo dõi tàu cho thấy lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy đã theo dõi cả tàu Trung Quốc và Nga trước khi họ tiến vào Bắc Cực.
Sevmorput được Nga sử dụng để tăng cường vận tải trên Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) tuyến đường hàng hải nhanh hơn giữa Bắc Cực của Nga và châu Á nhưng thường cần có tàu phá băng.
Theo dữ liệu từ Lloyd's List Intelligence, số lượng tàu sử dụng tuyến Bắc Cực giữa các cảng của Nga và Trung Quốc đã tăng đáng kể trong năm nay lên 35 tàu vào cuối tháng 10 so với 21 tàu trong cả năm ngoái. Ngày càng có nhiều phương tiện thực hiện hành trình không phải là tàu phá băng, khiến các chuyên gia và nhà môi trường học lo lắng về vấn đề an toàn ở Bắc Cực.
Atomflot gọi suy đoán rằng tàu của họ có thể liên quan đến thiệt hại là “không có căn cứ”. Newnew Shipping – công ty chủ quản tàu Newnew Polar Bear đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Financial Times. Phía chính phủ Trung Quốc cũng chưa lên tiếng về thông tin của phía Phần Lan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12-10-2023 cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ Phần Lan và Estonia điều tra thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt và cáp viễn thông dưới Biển...
Nguồn: [Link nguồn]