Diễn biến chính trong 2 tuần Nga mở chiến dịch ở Ukraine

Nga mở chiến dịch đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa Ukraine", nhưng đã vấp phải nhiều biện pháp trừng phạt khắt khe từ phương Tây trong hai tuần vừa qua.

Trong thông điệp phát đi sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Nga khẳng định chiến dịch quân sự không nhắm mục tiêu vào dân thường và nhằm bảo vệ cộng đồng sinh sống ở vùng ly khai miền Đông Ukraine, theo AlJazeera

Trận địa phòng không của Ukraine bị vô hiệu hóa. Ảnh: Getty Images

Trận địa phòng không của Ukraine bị vô hiệu hóa. Ảnh: Getty Images

Chỉ trong ngày đầu tiên của chiến dịch, Nga đã khai hỏa hàng chục tên lửa dẫn đường chính xác, phá hủy 118 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, bao gồm 11 sân bay, 13 kho bãi hậu cần, 14 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, cùng 36 đài radar.

Trước động thái của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lập tức thiết quân luật, ban hành lệnh tổng động viên, cấm công dân nam từ 18-60 tuổi xuất cảnh, kêu gọi người dân "sẵn sàng bảo vệ đất nước". Mỹ và phương Tây chỉ trích Nga phát động chiến dịch "vô cớ và phi lý".

Đến ngày 25/2, lực lượng Nga bắt đầu tiến vào Ukraine từ 3 hướng là biên giới phía Tây của Nga, từ Belarus và từ khu vực bán đảo Crimea. 

Liên minh châu Âu (EU) đã họp khẩn và ra quyết định đóng băng tài sản của Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Tuy nhiên, EU không ban bố lệnh hạn chế đi lại nhằm vào ông Putin để mở đường cho các hoạt động ngoại giao.

Tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Nga đã phủ quyết một nghị quyết do phương Tây đệ trình, trong đó yêu cầu lực lượng Nga rút khỏi Ukraine.

Một máy bay Ukraine rơi khi chiến sự leo thang. Ảnh: Getty Images

Một máy bay Ukraine rơi khi chiến sự leo thang. Ảnh: Getty Images

Ngày 26/2, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko ban hành lệnh giới nghiêm khi lực lượng Nga tiến gần hơn. Có tin đồn Tổng thống Ukraine Volodymyr được Mỹ đề nghị di tản, nhưng ông đã từ chối. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đăng video chứng minh vẫn ở Kiev.

Ngành hàng không thế giới chứng kiến cú "sốc" lớn vào ngày 27/2 khi các nước EU lần lượt thông báo cấm máy bay Nga vào không phận, kéo theo quyết định đáp trả tương ứng của Nga.

EU cũng thông báo sẽ cấm một số ngân hàng Nga tham gia mạng lưới điện tín ngân hàng SWIFT, nhưng danh sách không bao gồm các ngân hàng liên quan đến giao dịch khí đốt giữa hai bên.

Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục áp sát thủ đô Kiev cùng hai thành phố Kharkov và Kherson của Ukraine. Giới chức Mỹ cho rằng lực lượng Nga vấp phải kháng cự quyết liệt từ quân đội Ukraine, khiến họ tiến quân chậm lại.

Các chuyến bay "né" không phận Ukraine và khu vực phía Nam nước Nga. Đồ hoạ: Flightradar24

Các chuyến bay "né" không phận Ukraine và khu vực phía Nam nước Nga. Đồ hoạ: Flightradar24

Tổng thống Ukraine ngày 28/2 ký đơn xin gia nhập EU. Đại diện EU tỏ ý ủng hộ bước đi này, nhưng thừa nhận quy trình tốn nhiều thời gian. Cùng ngày, Nga và Ukraine tiến hành vòng đối thoại đầu tiên ở Belarus, nhưng không đạt thỏa thuận.

Sáng 1/3, trên truyền thông quốc tế tràn ngập thông tin một đoàn xe quân sự dài tới 64km của Nga đã áp sát Kiev. Áp lực gia tăng đối với thành phố Kharkov ở phía Đông Bắc Ukraine, Maruipol ở phía Đông Nam và Kherson ở phía Nam.

Trong Thông điệp Liên bang 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng quyết định của Nga mở chiến dịch ở Ukraine là một sai lầm. Ông Biden cũng khẳng định sẽ ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, khi Kiev đề nghị phương Tây thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, Mỹ đã từ chối.

Ngày 2/3, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc đề nghị Nga dừng chiến dịch ở Ukraine. Nghị quyết được 141/193 thành viên LHQ hậu thuẫn. Khoảng 870.000 người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, tính đến ngày 2/3.

Cùng ngày, Nga kiểm soát thành phố lớn đầu tiên của Ukraine là Kherson, nằm ở vị trí chiến lược tại cửa sông Dneiper, giành quyền kiểm soát thành phố này được cho là thắng lợi lớn của lực lượng Nga.

Bản đồ các khu vực mà Nga kiểm soát, tính đến ngày 8/3. Đồ họa: AlJazeera

Bản đồ các khu vực mà Nga kiểm soát, tính đến ngày 8/3. Đồ họa: AlJazeera

Sau vòng đàm phán thứ hai, diễn ra ngày 3/3, Ukraine và Nga đồng ý mở hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. Trên thực địa, Nga đã bao vây thành phố Mariupol ở Đông Nam.

Truyền thông Nga dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga xác nhận gần 500 binh sĩ đã thiệt mạng và khoảng 1.600 người khác bị thương trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Moscow quyết tâm đạt mục tiêu đề ra là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine".

Ngày 4/3, Nga chặn Facebook vì đã ngăn cản hoạt động của các hãng truyền thông Nga, trong bối cảnh Moscow cáo buộc phương Tây cùng Ukraine liên tục đưa tin giả về hoạt động quân sự của Nga. Nhiều hãng truyền thông, trong đó có CNN và CBC, quyết định dừng hoạt động ở Nga sau động thái này.

Lực lượng Nga cùng ngày kiểm soát Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine ở thành phố Enerhodar. Một đám cháy bùng phát trong quá trình giao tranh ở nhà máy, gây ra lo ngại về thảm họa hạt nhân, song ngọn lửa được dập tắt sau đó.

Người Ukraine trong một hầm trú bom. Ảnh: AP

Người Ukraine trong một hầm trú bom. Ảnh: AP

Ngày 5/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngừng bắn ở Mariupol và Volnovakha thuộc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine, để mở hành lang sơ tán dân thường theo kết quả của cuộc đàm phán hôm 3/3. Tuy nhiên, kế hoạch không thành công. Nga cáo buộc Ukraine giữ dân thường ở lại làm "lá chắn sống".

Tổng thống Ukraine Zelensky lên tiếng hối thúc Mỹ trừng phạt lĩnh vực dầu khí của Nga và cho phép các nước Đông Âu gửi máy bay do Liên Xô sản xuất cho Ukraine.

Ở chiều ngược lại, Nga cảnh báo phương Tây không can dự vào tình hình Ukraine và Nga sẽ coi bất cứ quốc gia nào cho phép máy bay Ukraine sử dụng không phận để tấn công lực lượng Nga là một bên tham gia chiến sự.

Ukraine ngày 6/3 xác nhận Nga tiếp tục pháo kích vào 4 thành phố: Kharkov ở phía Đông, Mykolaiv và Mariupol trên bờ Biển Đen, và ngoại ô thủ đô Kiev. Nỗ lực sơ tán khoảng 200.000 dân thường khỏi Mariupol phải dừng lại vì giao tranh.

Đoàn xe quân sự của Nga xếp hàng dài gần Kiev. Ảnh: Maxar

Đoàn xe quân sự của Nga xếp hàng dài gần Kiev. Ảnh: Maxar

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã phá hủy một sân bay ở Vinnytsia, miền Trung Ukraine. Kiev tiếp tục hối thúc phương Tây lập vùng cấm bay ở Ukraine, nhưng không được đáp ứng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/3 kêu gọi Ukraine đầu hàng. Ông khẳng định Nga sẽ đạt được tất cả mục tiêu tại Ukraine hoặc là thông qua các biện pháp ngoại giao, hoặc là bằng quân sự. Lực lượng Nga lúc này tiếp tục duy trì kiểm soát thành phố Kherson ở miền Nam và siết chặt vòng vây quanh các đô thị lớn là Kiev, Khakhov, Chernihiv và Mariupol.

Cùng ngày, Nga đề nghị ngừng bắn tạm thời để mở hành lang cho phép dân thường Ukraine di tản tới nước này hoặc Belarus. Tuy nhiên, Ukraine bác bỏ đề xuất của Nga.

Trong phát ngôn khá bất ngờ ngày 7/3, ông David Arakhamia, thành viên phái đoàn Ukraine tham gia các cuộc đàm phán với Nga, tuyên bố, Kiev sẽ không bao giờ thoả hiệp về chủ quyền lãnh thổ nhưng sẵn sàng thương lượng về một "mô hình phi NATO" trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Ngày 8/3, vòng đàm phán thứ 3 giữa hai bên kết thúc với chỉ một tiến bộ nhỏ đạt được. Khối quân sự NATO tiếp tục gửi nhiều vũ khí sang Ukraine, đồng thời hậu thuẫn Kiev bằng các lệnh trừng phạt khắt khe nhằm vào Nga.

Trong thông điệp từ Kiev, lần đầu tiên Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán với Nga để tìm kiếm một giải pháp chấp nhận được về tình trạng của bán đảo Crimea và vùng Donbass; cũng như sẵn sàng thảo luận về khả năng không gia nhập NATO.

Ông Zelensky tỏ ra thất vọng trước việc NATO không có kế hoạch kết nạp nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng trong ngày 8/3 đã kí lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga; trong khi châu Âu tuyên bố họ sẽ giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch do Moscow cung cấp.

Hôm qua, 9/3, Ba Lan đề xuất chuyển toàn bộ phi đội tiêm kích MiG-29 của mình tới căn cứ của NATO ở Đức để Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine. Mỹ tỏ ra bất ngờ trước động thái của Ba Lan, dù Washington từng khuyến khích Warsaw cấp máy bay cho Kiev.

Phi đội MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: TIN

Phi đội MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: TIN

Lầu Năm Góc cuối cùng bác bỏ đề xuất Mỹ đứng ra cung cấp máy bay cho Ukraine vì cho rằng nó không cần thiết và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa NATO với Nga.

Tại các khu vực giao tranh ở Ukraine, nỗ lực mở hành lang sơ tán cho dân thường tại các thành phố Ukraine bị bao vây đạt được rất ít tiến triển do lệnh ngừng bắn bị vi phạm.

Đến ngày 10/3, Nga tuyên bố họ đã phá hủy gần 3.000 mục tiêu quân sự ở Ukraine, trong đó 90% sân bay quân sự của Kiev không thể duy trì hoạt động, 89 máy bay chiến đấu và 57 trực thăng bị loại khỏi vòng chiến đấu cùng 953 xe tăng, xe bọc thép các loại, 101 hệ thống pháo phản lực, 351 hệ thống pháo và súng cối, 718 xe quân sự và 93 máy bay không người lái.

Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng khẳng định Nga mất 49 máy bay chiến đấu, 81 trực thăng, hơn 300 xe tăng và nhiều loại khí tài khác. Tuy nhiên, thông tin mà Ukraine đưa ra không được phía Nga xác nhận.

Nguồn: [Link nguồn]

2 tuần kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, Kiev thành ”pháo đài” ra sao?

Cuộc sống của người dân Kiev – thủ đô Ukraine – đã thay đổi chóng mặt chỉ sau 2 tuần kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự (24.2). Nhiều người dân Kiev đều trở thành lính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện Nhân ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN