"Điểm mù" có thể khiến Mỹ phải trả giá trong dịch Covid-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “bật đèn xanh” cho chính quyền các bang được mở cửa trở lại nền kinh tế nếu thấy thích hợp. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, hành động này có thể khiến Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi Covid-19.
Các chuyên gia y tế cho rằng, chính quyền liên bang Mỹ sẽ mắc sai lầm tai hại nếu quay trở lại phục hồi kinh tế trong thời điểm này vì một vấn đề quan trong liên quan đến dịch bệnh đang bị lãng quên: Không có dữ liệu.
Hơn 680.000 ca nhiễm Covid-19 đã được phát hiện tại Mỹ, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, con số thực nhiễm có thể còn lớn hơn vì nước này đã thực hiện các xét nghiệm virus một cách “thưa thớt”.
“Tôi cho rằng Mỹ có một điểm mù lớn trong dịch bệnh vì thiếu các xét nghiệm và kiểm tra. Chúng ta thực sự không nắm được thông tin về số người nhiễm Covid-19 vẫn còn trong cộng đồng”, Tiến sĩ John Brownstein, chuyên gia dịch tễ tại Bệnh viện Boston, cho biết.
“Việc thiếu dữ liệu tạo ra trở ngại rất lớn đối với thực hiện mô hình hóa dịch bệnh và dự báo một cách hiệu quả tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ”, ông Brownstein nói thêm.
Người Mỹ biểu tình giữa dịch Covid-19 vì không muốn ở trong nhà (ảnh: Reuters)
Ông Brownstein cho rằng, số ca nhiễm thực tế tại Mỹ có thể lên tới hàng triệu vì rất nhiều người dân có triệu chứng chưa được làm xét nghiệm Covid-19. Trong khi đó, số người nhiễm virus không biểu hiện triệu chứng cũng là đáng kể.
Theo Đại học Johns Hopkins, chỉ có 3,2 triệu người đã được làm xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ - quốc gia có dân số hơn 320 triệu người. Mỹ hiện vẫn đang nỗ lực để nâng cao khả năng xét nghiệm Covid-19 nhưng vì số người có nhu cầu quá đông nên việc thu thập dữ liệu về số ca nhiễm được đánh giá là chưa hoàn thiện.
Tại New York, bang có nhiều người nhiễm virus nhất, xét nghiệm Covid-19 chỉ dành riêng cho những người có biểu hiện nặng và phải nhập viện. Tại bang Washington, nơi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên của Mỹ, tình hình dịch bệnh có vẻ khả quan hơn, nhưng xét nghiệm cũng chỉ ưu tiên cho người có biểu hiện triệu chứng sốt, ho và khó thở.
Theo ông Brownstein, nhiều người nhiễm Covid-19 không xuất hiện các triệu chứng chính (sốt, ho, khó thở) mà có triệu chứng khác hay thậm chí là nhiễm virus mà không có biểu hiện nào thì không được làm xét nghiệm. Vì vậy, dữ liệu về tình hình dịch bệnh tại Mỹ là rất hạn chế. Thêm vào đó, đến nay, Mỹ vẫn chưa có dữ liệu chính thức về số y bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm và tử vong do Covid-19.
Một y tá lau nước mắt vì quá mệt mỏi khi phải chiến đấu với dịch Covid-19 tại New York (ảnh: Reuters)
Thiếu dữ liệu cũng khiến các nhà khoa học khó đánh giá xem bằng cách nào mà Covid-19 có thể ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đến những người trong các độ tuổi, giới tính, chủng tộc không giống nhau.
Tuần trước, dưới áp lực của dư luận, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ đã phát hành một bộ dữ liệu cho thấy người Mỹ gốc Phi dường như chịu tác động lớn hơn bởi dịch bệnh khi chiếm tới 33% số trường hợp phải nhập viện vì Covid-19.
Ông Brownstein cho rằng, với những lỗ hổng lớn về thông tin như vậy, thật khó để cảm thấy lạc quan về khả năng làm phẳng đường cong lây nhiễm tại Mỹ, chứ đừng nói đến việc mở cửa trở lại kinh tế một cách vội vàng.
Tiến sĩ Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Columbia cũng đồng quan điểm với ông Brownstein.
Bà Angela Rasmussen cho rằng, việc thiếu dữ liệu về dịch bệnh sẽ khiến Mỹ bị tổn thất nặng hơn nếu đưa ra những quyết định khôi phục kinh tế trong tình hình hiện tại.
“Chúng tôi không dám chắc rằng việc đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 có khiến cho mọi người trở nên miễn nhiễm hay không. Đây là ảnh hưởng từ việc không có dữ liệu. Tôi nghĩ rằng không nên khẳng định chắc chắn rằng việc có kháng thể sau khi đã hồi phục sẽ giúp bạn an toàn khi quay lại cuộc sống bình thường”, bà Rasmussen nói.
Một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Mỹ được nhập viện (ảnh: ABC News)
Bà Rasmussen cho rằng, để Mỹ tiến hành khôi phục sản xuất kinh tế một cách an toàn giữa đại dịch khi chưa có thuốc đặc trị và vắc xin thì phải có kế hoạch rõ ràng dựa trên thông tin về bệnh nhân và xét nghiệm virus. Tuy nhiên, Mỹ đang thiếu cả 2 yếu tố này.
Các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng, Mỹ cần có một chương trình theo dõi và giám sát chặt chẽ những bệnh nhân và người có biểu hiện nhiễm Covid-19 thông qua các kênh liên lạc hoặc ứng dụng khai báo y tế. Trước hết, phải nhanh chóng dập tắt những ổ dịch, sau đó mới có thể tính đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
“Nếu chỉ có 1% dân số nhiễm virus mà bạn không thể xác định được thì đồng nghĩa với việc bạn phải quay trở lại vạch xuất phát”, Tiến sĩ Angela Rasmussen cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tỷ phú Bill Gates – người đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft và là nhà từ thiện hoạt động tích cực trong dịch Covid-19,...