Điểm mặt lực lượng Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Không quân Mỹ gần đây điều động tiêm kích tối tân F-22 Raptor đến căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản. Mỹ còn hợp tác với các đồng minh trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản để tăng cường năng lực quân sự. Tại Philippines, Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã đồng ý để Mỹ lập nhiều căn cứ mới.

Siêu căn cứ Guam

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) là cơ quan chỉ huy chiến đấu liên quân lâu đời nhất và lớn nhất của các lực lượng vũ trang Mỹ, chịu trách nhiệm về toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo EA Times. INDOPACOM  có trong tay 375.000 binh lính, sĩ quan và nhân viên, khu vực tác chiến rộng hơn 260 triệu km2, tương đương 52% bề mặt Trái đất, trải dài từ Bờ Tây nước Mỹ đến vùng biển biên giới Bờ Đông của Ấn Độ và từ Bắc Cực đến Nam Cực.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm các bộ chỉ huy thành phần của Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân và Không quân Mỹ và Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung tâm Chỉ huy Thái Bình Dương Nimitz-MacArthur, nằm trong Trại H. M. Smith ở Hawaii, là trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hạm đội Thái Bình Dương có gần 200 tàu, có thể tập hợp 5 nhóm tác chiến tàu sân bay. Thủy quân lục chiến Mỹ có hai lực lượng viễn chinh với 86.000 binh sĩ và 640 máy bay. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương có 420 máy bay. Lục quân có 106.000 quân nhân cùng 300 máy bay và 5 tàu. Có gần 1.200 binh sĩ Lực lượng Đặc biệt.

Máy bay đa dụng V22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Futenma trên đảo Okinawa, Nhật Bản.

Máy bay đa dụng V22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Futenma trên đảo Okinawa, Nhật Bản.

Tại Alaska, Mỹ bố trí nhiều radar, các bệ phóng tên lửa tầm xa, các căn cứ không quân, tất cả đều hỗ trợ các hoạt động tác chiến ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Căn cứ hải quân Guam cách Đài Loan (Trung Quốc) 2.751 km về phía đông nam, có cảng Apra có thể tiếp nhận các siêu tàu sân bay như USS Nimitz. Trên đảo còn có Căn cứ Không quân Andersen. Tại Guam, quân đội Mỹ đã xây dựng cơ sở sửa chữa tàu hải quân và đây cũng là nơi đóng quân của một hạm đội tàu ngầm, Lực lượng Tuần duyên và Đơn vị Tác chiến Đặc biệt của Hải quân Mỹ. Đây là căn cứ của hàng chục Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7… Căn cứ Guam đã được mở rộng đáng kể trong những năm qua. Bộ Tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Thái Bình Dương của Hạm đội 7 cũng đặt trụ sở chính tại đây. Trên đảo Guam còn có các kho bom đạn của Hải quân Mỹ. Căn cứ Không quân Andersen là một phần của Phi đội 36 Lực lượng Không quân số 11 thuộc Lực lượng Không quân Thái Bình Dương.

Được thành lập vào năm 1944, Căn cứ không quân Andersen được sử dụng rộng rãi trong năm cuối của Thế chiến II với vai trò thực hiện các nhiệm vụ ném bom bằng pháo đài bay B-29 Superfortress nhằm vào Nhật Bản. Andersen cũng được sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ trong chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam. Đây là căn cứ không quân quan trọng nhất của Mỹ ở phía tây Hawaii, là một trong bốn điểm điều hành tiền phương máy bay ném bom của Không quân Mỹ và là căn cứ duy nhất ở Tây Thái Bình Dương có thể phục vụ lâu dài các máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, bao gồm máy bay ném bom B-1B, B-2 và B-52.

Andersen là một trong hai căn cứ quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, căn cứ còn lại là Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Các phi đội B-2 và B-52 thay phiên nhau duy trì sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom tại đây. Năm 2017, CHDCND Triều Tiên từng đe dọa tấn công Guam và Mỹ đã sơ tán gần một triệu quả đạn trong vòng một tháng để đề phòng.

Ngoài Andersen, Không quân Mỹ không còn căn cứ máy bay ném bom chiến lược cố định bên ngoài lục địa Mỹ nào khác. Máy bay B-1B Lancer, B-2A Spirit và B-52G Stratofortress được triển khai đến Guam theo hình thức luân phiên.

Căn cứ quân sự tại Nhật Bản

Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) đã hoạt động từ năm 1957. Lực lượng này có một bộ chỉ huy tác chiến thống nhất trực thuộc INDOPACOM với gần 50.000 binh sỹ, có trụ sở tại Căn cứ không quân Yokota gần Tokyo. USFJ có nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản theo các hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản.

Hạm đội 7 của Mỹ có trụ sở tại Yokosuka, tỉnh Kanagawa. Lực lượng viễn chinh Thủy quân lục chiến III có trụ sở tại Okinawa. Một số lượng lớn máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đồn trú tại các căn cứ không quân Misawa và Kadena. Theo thỏa thuận đôi bên, Nhật Bản chịu 75 % chi phí xây dựng căn cứ của Mỹ. Okinawa chỉ chiếm 0,6 % diện tích đất liền của Nhật Bản, nhưng 62% căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản nằm ở Okinawa.

Tại Okinawa, các cơ sở quân sự của Mỹ chiếm khoảng 10,4 % tổng diện tích đất có thể sử dụng. Khoảng 74,7 % các cơ sở quân sự của Mỹ tại Nhật Bản nằm trên đảo Okinawa.

Không quân Mỹ gọi căn cứ không quân Kadena, nơi đóng quân của Phi đoàn 18, là "Đá tảng Thái Bình Dương". Máy bay của Mỹ tại Nhật Bản đang được nâng cấp liên tục. 48 máy bay chiến đấu F-35A thế hệ 5 đang dần thay thế 36 máy bay F-16 tại Căn cứ Không quân Misawa ở miền bắc Nhật Bản và 36 tiêm kích F-15EX hoàn toàn mới được triển khai đến Căn cứ Không quân Kadena ở phía nam Okinawa, thay thế 48 máy bay F-15C/D đời cũ hơn. Tiêm kích tàng hình F-22 đã và đang đồn trú tại Kadena.

Tại Nhật, Mỹ còn vận hành máy bay C-130, máy bay tiếp dầu KC-135 và trinh sát biển P-8A. Một số lượng lớn máy bay CV-22 Osprey được triển khai tại Căn cứ Không quân Yokota. Ngoài ra còn có nhiều loại trực thăng khác. Quân đội Mỹ có các cơ sở chính tại các căn cứ không quân Misawa, Yokota, Kadena, Futenma, Itami và Tachikawa. Ngoài ra còn có nhiều trạm liên lạc quân sự trải rộng khắp Nhật Bản.

Các cảng hải quân lớn được xây dựng ở thành phố Yokosuka, Atsuagi và Sasebo. Những nơi như thành phố Yokohama, Naha và nhiều nơi khác có các cơ sở bến cảng của quân đội Mỹ. Các căn cứ không quân lớn của Thủy quân Lục chiến Mỹ được bố trí tại tỉnh Yamaguchi và Okinawa. Ngoài ra còn có các cơ sở quân sự sử dụng chung với lực lượng Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có 250.000 binh sĩ, 150 tàu chiến, khoảng 300 máy bay hàng hải, 750 máy bay không quân, 20 căn cứ không quân đang hoạt động và 10 căn cứ không quân hải quân và đã có kế hoạch gia tăng số lượng.

Tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ hạ cánh xuống căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản.

Tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ hạ cánh xuống căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản.

Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc

Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) được thành lập tháng 7/1957. Ngày nay có quân số khoảng 28.000 người (20.000 lục quân, 300 hải quân tại Căn cứ Hải quân Busan, 100 thủy quân lục chiến và đặc nhiệm, còn lại là 8.000 binh sỹ thuộc Bộ tư lệnh Không quân Mỹ tại Căn cứ Không quân Osan).

Con số này là thấp nhất từ trước đến nay kể từ đỉnh điểm là 326.863 binh sĩ vào năm 1953. Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc chịu sự điều hành của một bộ chỉ huy thống nhất trực thuộc INDOPACOM. Trụ sở chính đặt tại Trại Humphreys, Pyeongtaek, Hàn Quốc.

Các thành phần chính của USFK bao gồm Tập đoàn quân số 8, Phi đội Không quân số 7, Lực lượng Hải quân Mỹ tại Hàn Quốc, Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt Mỹ tại Hàn Quốc (SOCKOR). Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) tại địa phương. Trong khi USFK là một tổ chức riêng biệt với UNC hay Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Hàn Quốc-Mỹ (CFC), nhiệm vụ của họ là phối hợp hỗ trợ cả UNC lẫn CFC. Các lực lượng Mỹ đã có mặt tại Hàn Quốc kể từ hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên vào tháng 7/1953.

Phi đoàn tiêm kích-ném bom số 18 (sở hữu các máy bay F-15C/D, trinh sát cơ KC-135R, E-3B/C, HH-60) và Phi đoàn tiêm kích-đánh chặn số 51 (sử dụng cường kích A-10 và tiêm kích F-16C/D) đóng ở Osan.

Căn cứ tại Philippines

Các căn cứ quân sự Mỹ được thành lập tại Philippines dựa trên một hiệp ước được ký kết sau khi Thế chiến II kết thúc và Mỹ công nhận nền độc lập của Philippines. Nhưng sau đó, chủ nghĩa dân tộc Philippines trỗi dậy, người dân phản đối sự hiện diện của các căn cứ Mỹ. Mặc dù năm 1983 Mỹ đồng ý bồi thường 900 triệu USD, các căn cứ này đã trở thành gánh nặng chính trị đối với chính quyền Tổng thống Aquino.

Các căn cứ được thành lập theo hiệp ước ban đầu đã bị dừng hoạt động từ năm 1991 sau khi Thượng viện Philippines bác bỏ một hiệp ước mới cho phép một số căn cứ tiếp tục hoạt động thêm 10 năm nữa.

Tháng 7/1991, các nhà đàm phán Mỹ và Philippines soạn thảo một thỏa thuận mới có tên là Hiệp ước Hữu nghị, Hòa bình và Hợp tác, đề xuất dọn dẹp và chuyển giao căn cứ Clark cho chính phủ Philippines vào năm 1992 và gia hạn hợp đồng thuê Căn cứ Hải quân Vịnh Subic của Mỹ trong 10 năm. Vụ phun trào núi lửa Pinatubo tháng 6/1991 cũng khiến Mỹ thêm lý do để từ bỏ Căn cứ Không quân Clark bị hư hại nặng nề do khí thải tro bụi và nham thạch.

Tháng 11/1991, Mỹ chuyển giao căn cứ Clark cho Philippines và nơi này được chuyển đổi thành Sân bay Quốc tế Clark. Căn cứ Hải quân Vịnh Subic bị vô hiệu hóa từ năm 1992.

Tuy nhiên, Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng Philippines-Mỹ có hiệu lực vào tháng 5/1999 và Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường có hiệu lực vào tháng 4/2014 cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động tại "các địa điểm đã thỏa thuận". Tháng 4/2015, chính phủ Mỹ yêu cầu được tiếp cận 8 căn cứ ở Philippines, bao gồm Căn cứ Hải quân Vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark, cũng như các địa điểm ở Luzon, Cebu và Palawan. Philippines đồng ý 5 địa điểm, bao gồm Căn cứ Không quân Antonio Bautista (tỉnh Palawan), Căn cứ Không quân Basa (tỉnh Pampanga), Căn cứ Không quân Benito Ebuen (thành phố Cebu), Pháo đài Magsaysay (tỉnh Nueva Ecija), Sân bay Lumbia (thành phố Cagayan de Oro).

Tháng 2/2023, bốn địa điểm mới có thể bố trí căn cứ quân sự Mỹ đã được bổ sung:  Đảo Balabac (tỉnh Palawan), Trại Melchor Dela Cruz (tỉnh Isabela), Sân bay Lal-lo và Căn cứ Hải quân Camilo Osias (tỉnh Cagayan).

Thổi phồng nguy cơ?

Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation có trụ sở tại California nhận định các căn cứ tiền phương ở Tây Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng đối với Mỹ. Theo một số chuyên gia quốc phòng, nhìn chung, chiến lược của Mỹ là kết hợp giữa việc tăng cường liên kết với đồng minh và đối tác, nâng cao năng lực quân sự và bố trí lực lượng để ngăn chặn các bước tiến và ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố tình “làm lớn chuyện”. “Mỹ đã tăng đáng kể tần suất và cường độ các hoạt động quân sự nhắm vào Trung Quốc kể từ năm 2009 và bất chấp xung đột Nga-Ukraine hiện nay và xung đột Israel-Palestine, Mỹ vẫn thổi phồng "mối đe dọa từ Trung Quốc", Hoàn cầu thời báo hồi tháng 3/2024 dẫn lời Hồ Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược hàng hải, Đại học Bắc Kinh.

Ông Hồ lưu ý rằng các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực, bao gồm cả những hoạt động diễn ra “quá gần bờ biển Trung Quốc đại lục” đã làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột và va chạm trên biển và trên không giữa hai nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Washington được cho đã điều máy bay đáp trả cuộc tấn công do các lực lượng được Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào khu vực đồn trú của quân Mỹ ở miền đông Syria.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Xuân Thủy ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN