Điểm lại những vụ bắt cóc con tỷ phú gây chấn động dư luận thế giới
Con trai cả của tỷ phú giàu nhất Hong Kong bị bắt cóc
Vụ bắt cóc Lý Trạch Cự - con trai cả, người thừa kế của tỷ phú giàu nhất Hong Kong (Trung Quốc) và châu Á một thời Lý Gia Thành luôn được coi là vụ án bắt cóc rich-kid đình đám nhất mọi thời đại.
Theo thông tin được đăng tải, tối 23/5/1996, khi vừa kết thúc công việc và lái xe về nhà, Lý Trạch Cự (lúc này 32 tuổi) bất ngờ bị một nhóm người mang theo súng dùng vũ lực bắt cóc, trói chặt cả tay chân và miệng bịt kín băng keo.
Sau đó, nhóm bắt cóc táo tợn đột nhập vào nhà tỷ phú Lý Gia Thành và đòi một khoản tiền chuộc khổng lồ 2 tỷ HKD (khoảng 6.000 tỷ đồng).
Ông Lý Trạch Cự - con trai tỷ phú Lý Gia Thành từng bị bắt cóc.
Trong tình huống đó, tỷ phú Lý Gia Thành đã thể hiện bản lĩnh của một ông trùm đáng nể. Ông bình tĩnh đồng ý đưa tiền nhưng lúc đó trong nhà chỉ còn 1,38 tỷ HKD (khoảng 4.200 tỷ đồng) tiền mặt. Tỷ phú ngỏ ý muốn ra ngoài rút tiền vì sợ ông đi báo cảnh sát, nhóm tội phạm đã đồng ý "chỉ" lấy số tiền này rồi thả con tin trở về.
Về sau, cảnh sát vào cuộc điều tra và phát hiện kẻ đứng đầu vụ bắt cóc là Trương Tử Cường - tên trùm mafia máu mặt nổi tiếng khắp Hong Kong với những phi vụ trộm cướp và bắt cóc tống tiền táo bạo.
Vụ bắt cóc con trai “ông trùm” phần mềm chống virus Kaspersky
Ivan Kaspersky (20 tuổi) là sinh viên năm thứ 4 khoa Máy tính và điều khiển học, Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Moscow, Nga. Ngày 19/4/2011, cậu biến mất khi đang trên đường đến công ty InfoWatch của mẹ cậu là bà Natalya Kaspersky. Vụ bắt cóc xảy ra ngay gần khu văn phòng công ty, không xa đường vành đai MKAD.
Khi nhận được điện thoại đòi tiền chuộc, ông Evgeny Kaspersky (45 tuổi, cha của Ivan) chấp nhận trả khoản tiền chuộc và lập tức bay từ London (Anh) về Moscow. Cơ quan an ninh FSB và cảnh sát đặc nhiệm Nga đã rà soát các đầu mối để tìm kiếm tung tích nạn nhân.
Nam thanh niên Ivan Kaspersky. Ảnh: Reuters
Nam thanh niên được xác định là “con mồi ngon” của bọn bắt cóc vì ông Kaspersky sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 800 triệu USD, xếp thứ 125 trong danh sách những người giàu nhất nước Nga thời điểm đó. Trên mạng xã hội V Kontakte, Ivan từng ghi rõ địa chỉ nhà và nơi làm việc bán thời gian.
Viktor Birukov – người phát ngôn của cảnh sát Nga mô tả vụ giải cứu diễn ra êm thấm vì những kẻ bắt cóc đã sa vào lưới giăng sẵn. Nhân viên an ninh đóng giả người giao tiền chuộc, kẻ đến điểm hẹn đã bị bắt giữ tại trận và khai báo ra đồng bọn. 5 nghi phạm đã bị bắt giữ và khai nhận tổ chức vụ bắt cóc này.
Vụ bắt cóc con tin, “tẩy não” gây chấn động dư luận ở Mỹ
Patty Hearst (tên đầy đủ Patricia Campbell Hearst) là nạn nhân trong vụ bắt cóc con tin gây chấn động nước Mỹ năm 1974. Vụ việc này trở thành tâm điểm của các nhà điều tra cũng như dư luận bởi nhiều tình tiết kỳ lạ.
Theo thông tin trên History, ngày 4/2/1974, Patty bị một băng nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ tên gọi SLA bắt cóc tại căn hộ ở Berkeley (California). Sau đó, cô bị nhốt trong một căn phòng suốt 56 ngày.
Trong thời gian này, Patty bị những tên tội phạm lạm dụng. Nhóm tội phạm yêu cầu gia đình của nạn nhân cung cấp thực phẩm cho tất cả người nghèo ở California với trị giá lên tới 6 triệu USD.
Vì muốn Patty nhanh chóng được thả ra an toàn, gia đình cô làm theo yêu cầu của bọn bắt cóc. Tuy nhiên, sau khi họ làm xong, nhóm bắt cóc vẫn không thả Patty mà tiếp tục yêu cầu giới chức trách đổi con tin bằng việc thả 2 thành viên của băng nhóm đang bị bắt giữ. Yêu cầu trao đổi này bị giới chức trách từ chối.
Sau một thời gian bị bắt cóc, dư luận bàng hoàng khi Patty tự nguyện gia nhập băng nhóm đã bắt cóc cô.
Điều kỳ lạ là sau một thời gian bị bắt cóc, dư luận bàng hoàng khi Patty tự nguyện gia nhập băng nhóm đã bắt cóc cô. Theo nhận định của các chuyên gia, Patty bị nhóm bắt cóc "tẩy não" khi mắc hội chứng Stockholm. Người mắc hội chứng này là những nạn nhân bị tội phạm đồng hóa dẫn đến việc trở thành đồng lõa với những kẻ bắt cóc.
Đến ngày 15/4/1974, Patty tham gia vào vụ cướp ngân hàng Hibernia ở San Francisco, thậm chí còn sử dụng súng trong lần phạm tội này. Ngày 18/9/1975, Patty và nhiều thành viên khác của nhóm tội phạm bị bắt giữ.
Sau đó, Patty bị đưa ra xét xử và nhận bản án 35 năm tù. Đến tháng 1/2001, cô được Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký lệnh tha bổng.
Cha đồng ý trả tiền chuộc nhưng con không thể sống sót
Vụ bắt cóc cậu bé Bobby Greenlease có lẽ là câu chuyện buồn thảm nhất. Cậu bé đã không thể sống sót sau vụ bắt cóc năm 1953 mặc dù cha cậu bé đã trả tiền chuộc. Được biết, cha của Bobby là một thương nhân giàu có trong lĩnh vực ô tô của Mỹ.
Bé trai xấu số bị kẻ bắt cóc bắn chết.
Để thực hiện kế hoạch bắt cóc đứa trẻ, kẻ bắt cóc tên Bonnie Heady đã đến trường và tự xung là dì cậu bé để đón về. Về sau, Bobby bị đồng phạm của Bonnie là Carl Austin Hall bắn chết.
Vụ bắt cóc cháu trai tỷ phú từng là người giàu nhất trong lịch sử
John Paul Getty III - cháu trai của John Paul Getty đã trải qua những chuỗi ngày đáng sợ chính vì sự kẹt sỉ của ông mình. Vụ bắt cóc này từng gây chấn động toàn thế giới vào thời điểm đó.
Cụ thể, cháu trai ông John Paul Getty III bị một nhóm mafia bắt cóc tại Rome vào năm 1973 với mục đích đòi tiền chuộc từ nhà tỷ phú. Anh bị bịt mắt, tống vào một chiếc xe và giam cầm trong một căn nhà trên núi.
Được biết, khi cháu trai bị bắt cóc, John Paul Getty không chỉ là người giàu nhất thế giới mà còn là người giàu nhất trong lịch sử. Ban đầu, nhóm bắt cóc đòi 17 triệu USD tiền chuộc nhưng một số thành viên trong gia đình coi đây là trò đùa của đứa cháu nội nhằm moi tiền từ gia đình.
Về sau, khi thông tin về vụ bắt cóc được chứng thực, ông Getty vẫn từ chối trả tiền chuộc để cứu cháu. “Nếu tôi trả tiền chuộc cho một đứa thì 14 đứa cháu còn lại của tôi cũng sẽ bị bắt cóc”, ông nói với báo giới.
Chỉ đến khi nhận được một bên tai của cháu trai, tỷ phú John Paul Getty mới chịu đưa tiền chuộc.
Bà Harris - mẹ của John Paul Getty III đã đàm phán trong tuyệt vọng với những kẻ bắt cóc xin được hạ thấp mức tiền chuộc. Tuy đã cố giải thích với những kẻ bắt cóc rằng bà không có tiền nhưng chúng vẫn không tin gia đình ông Getty sẽ bỏ rơi cháu mình.
4 tháng sau, chiếc phong bì đựng một cái tai được gửi đến một tờ báo của Italy kèm thông điệp: “Đây là tai của Paul, mức giá bây giờ là 3,2 triệu USD. Nếu không nhận được tiền trong 10 ngày nữa, chúng tao sẽ cắt nốt tai kia”.
Mãi đến lúc này, ông Getty mới chịu trả 2,9 triệu USD cho nhóm bắt cóc. John Paul Getty III được thả ra vào ngày 15/12/1973 tại một nhà ga, không lâu sau khi bọn bắt cóc nhận được tiền chuộc. Anh gọi điện cho ông nội để cảm ơn nhưng ông từ chối nghe máy.
Sau đó, 9 kẻ bắt cóc đã bị bắt giữ. Những tên này khai nhận là thành viên của một tổ chức mafia. Tuy nhiên, chỉ có 2 tên bị kết án, còn lại được thả do thiếu bằng chứng.
Về phía John Paul Getty III, anh được phẫu thuật nối lại tai và kết hôn một vài năm sau đó. Trong quãng đời còn lại, anh sống chung với bệnh tật và nỗi kinh hoàng từ vụ bắt cóc, cuối cùng qua đời năm 2011.
Nguồn: [Link nguồn]
Với sự phát triển của công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo, bắt cóc tống tiền ảo đang ngày càng tinh vi hơn và một số vụ gần đây có một điểm chung: sử dụng công nghệ...