Điểm khác biệt giữa Trump và Obama khi theo dõi đặc nhiệm diệt 2 trùm khủng bố khét tiếng nhất
Những bức ảnh được chụp trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng trong vụ tiêu diệt kẻ cầm đầu tổ chức IS và ông trùm al-Qaeda Osama bin Laden đã phản ánh 2 phong cách tương phản nhau của 2 đời Tổng thống Mỹ.
Có nhiều điểm khác biệt xung quanh bức ảnh chụp Phòng Tình huống vào 2 hôm trước (trái) và năm 2011
Nhà Trắng hôm Chủ nhật vừa qua (27.9) đã công bố bức ảnh chụp Tổng thống Donald Trump với 5 cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của ông, khi họ giám sát chiến dịch truy sát Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng, ở Syria.
Bức ảnh cho thấy 6 người, tất cả trong bộ đồ tối màu hoặc đồng phục quân đội, ngồi xung quanh bàn làm việc và nhìn thẳng về phía trước màn hình theo dõi với những biểu cảm sắc lạnh. Toàn bộ khuôn mặt của những người tham gia đều hiện rõ trên ống kính máy ảnh, với huy hiệu Tổng thống lấp lánh phía trên.
Hình ảnh này đã gợi lên nhiều so sánh với bức ảnh chụp Phòng Tình huống thời cựu Tổng thống Barack Obama vào 8 năm trước, trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden bởi lực lượng Navy SEAL vào tháng 5.2011.
Tổng thống Donald Trump và dàn cố vấn cao cấp trong phòng Tình huống, chỉ đạo chiến dịch tiêu diệt ông trùm IS Abu Bakr al-Baghdadi (Ảnh: Nhà Trắng)
Trong bức ảnh được công bố, đội ngũ của Tổng thống Obama có 13 người, được nhìn thấy toàn bộ hoặc chỉ một phần khuôn mặt.
Ông Obama, mặc một chiếc sơ mi trắng và áo khoác mỏng, đang cúi người về phía trước và ngồi trên một chiếc ghế gấp hơi lệch khỏi trung tâm. Ngoại trưởng Hillary Clinton, gương mặt biểu cảm nhất trong nhóm, đưa tay che miệng trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ngồi cạnh bà, hai tay khoanh chặt.
Bức ảnh chụp Tổng thống Trump, với người lãnh đạo cao nhất ở vị trí trung tâm và nhìn nghiêm túc, trang trọng hơn, phần nào nắm bắt được mối quan tâm của vị Tổng thống đương nhiệm trong việc truyền đạt sức mạnh và vẻ đạo mạo từ đội ngũ của mình. Nó cũng phản ánh tính chất tinh gọn và mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Tổng thống Trump và các cố vấn cao cấp.
Bên phải ông Trump là cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Bên trái ông là Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và Thiếu tướng Marcus Evans, phó giám đốc Lầu Năm Góc cho các hoạt động đặc biệt và chống khủng bố.
Tổng thống Barack Obama cùng đội ngũ nín thở theo dõi cuộc truy sát trùm khủng bố Osama bin Laden trong phòng tình huống vào tháng 5.2011 (Ảnh: Nhà Trắng)
Dù vậy, sự lộn xộn trong việc bố trí những đường cáp mạng, số ghi chép và máy tính xách tay trên bàn làm việc lại tương phản hoàn toàn với tính trang nghiêm của những người có mặt.
Bức ảnh chụp Tổng thống Obama vào năm 2011, dù ít trang trọng hơn, nhưng lại phản ánh không khí hồi hộp hơn trong lúc đội ngũ của ông theo dõi cuộc đột kích của lực lượng Navy SEAL để tiêu diệt bin Laden, trong một khu tập thể ở Abbottabad, Pakistan. Căn phòng đông người đến mức huy hiệu tổng thống trên tường gần như không thể nhìn thấy.
Ngồi cạnh Tổng thống Obama là Thiếu tướng Marshall Webb, người đang bắt liên lạc với Đô đốc William McRaven, chỉ huy lực lượng SEAL, lúc đó đang ở Afghanistan để giám sát cuộc đột kích bí mật vào nơi ẩn náu của bin Laden.
Ở phía sau căn phòng, có thể thấy Thứ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken rướn người cao hơn Chánh văn phòng Nhà Trắng Bill Daley để có cái nhìn rõ hơn về những diễn biến trên màn hình video.
Căn phòng chật ních người dường như phản ánh đội ngũ cố vấn mở rộng hơn dưới thời Tổng thống Obama, và mối quan tâm của ông trong việc tiếp nhận nhiều ý kiến hơn.
Tổng thống Trump, khi tuyên bố về cái chết của Baghdadi vào hôm qua, đã không ngại so sánh với cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden.
"Vụ này," ông Trump cho biết, “mới là vụ to nhất."
Video ghi lại khoảnh khắc được cho là đặc nhiệm Mỹ kích nổ nơi ẩn náu của thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi trong...