Điểm đặc biệt của tên lửa đạn đạo “không thể bị bắn hạ” Nga mới phóng vào Ukraine
Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn thực chiến, đánh dấu bước tiến đáng kể trong chiến thuật quân sự, giới chức Mỹ và phương Tây cho biết, theo CNN.
Lần đầu tiên tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn thực chiến
Vụ tấn công nhằm vào một cơ sở sản xuất vũ khí của Ukraine ở thành phố Dnipro hôm 21/11 đánh dấu lần đầu tiên Nga triển khai một loại tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn trong thực chiến. Nhiều đầu đạn được ghi nhận rơi xuống mục tiêu, CNN cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận cuộc tấn công, cho biết, Nga sử dụng một loại tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới gọi là Oreshnik (nghĩa là cây phỉ). Đây là loại cây bụi, ra hoa màu vàng và sinh sống chủ yếu ở vùng Bắc Mỹ và Đông Á. Cây có hoa nở vào mùa thu và mùa đông, tạo điểm nhấn độc đáo.
Theo các quan chức Mỹ và phương Tây, tên lửa mới của Nga có khả năng mang nhiều đầu đạn độc lập, được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Khái niệm đầu đạn tái nhập độc lập (MIRV) vốn xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, thường được sử dụng đối với vũ khí mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, trong cuộc tập kích ngày 21/11, Nga đã thay đổi cấu hình để sử dụng các đầu đạn thông thường.
Video Nga phóng tên lửa hoàn toàn mới vào Ukraine. Nguồn: Telegraph.
Ông Putin cho biết, Nga để ngỏ khả năng tiếp tục phóng tên lửa Oreshnik nhằm vào Ukraine trong tương lai và sẽ công khai hoạt động phóng để dân thường có thể sơ tán.
Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, đây là lần đầu tiên MIRV được sử dụng trong một cuộc xung đột. Ông Karako cho biết: “Loại tên lửa này vốn dĩ được thiết kế cho việc mang đầu đạn hạt nhân, nhưng giờ đây lại được sử dụng với các đầu đạn phi hạt nhân, cho thấy sự leo thang đáng kể trong xung đột ở Ukraine”
Nguồn gốc tên lửa Nga mới tập kích Ukraine
Theo Lầu năm Góc, tên lửa Oreshnik là biến thể của RS-26 Rubezh, loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) được phát triển từ năm 2008 bởi Viện Công nghệ Nhiệt Moscow.
RS-26 cũng được coi là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) do có tầm bắn vượt ngưỡng 5.500km (giới hạn để được coi là ICBM). Tuy nhiên, cấu hình thực tế của nó lại ưu tiên tầm trung, phù hợp với chiến thuật tấn công nhanh và chính xác.
Theo tạp chí Forbes, một trong những lý do RS-26 được coi là ICBM vì nó giúp Nga lách lệnh cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987. Hiệp ước này cấm thử nghiệm và triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km nhằm giảm nguy cơ xung đột hạt nhân. ICBM có tầm bắn vượt ngưỡng 5.500km nên không nằm trong danh mục bị cấm.
Nga phát triển RS-26 dựa trên tên lửa đạn đạo RS-24 Yars. Ảnh: RBC-Ukraine.
Nga phát triển RS-26 Rubezh khi INF vẫn còn hiệu lực, do đó lách lệnh cấm bằng cách phóng thử nghiệm tên lửa này theo cấu hình của ICBM, Forbes nhận định.
Với khả năng sử dụng nhiều đầu đạn độc lập, tên lửa mới của Nga có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương bằng cách tấn công từ nhiều hướng khác nhau. Việc Nga phóng Oreshnik vào Ukraine là đòn đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào kho vũ khí và cơ sở chỉ huy của Nga bằng vũ khí phương Tây.
Ông Putin nhấn mạnh không một hệ thống phòng không nào hiện nay có thể đánh chặn Oreshnik do loại vũ khí này sử dụng công nghệ tên lửa siêu vượt âm.
Quá trình phát triển tên lửa RS-26 Rubezh
RS-26 Rubezh được Nga thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2011 tại bãi phóng Plesetsk nhưng thất bại do tên lửa bị lệch hướng và rơi cách bệ phóng 8km. Đến năm 2012, lần thử nghiệm thứ hai đã thành công, khi tên lửa bay được 5.800km với một đầu đạn hạng nhẹ.
Tuy nhiên, thử nghiệm sau đó với đầu đạn nặng hơn chỉ đạt tầm bắn 2.000km, khiến các chuyên gia phương Tây đặt câu hỏi về việc Nga có tuân thủ Hiệp ước INF (vào thời điểm đó) hay không.
RS-26 Rubezh được Nga phát triển dựa trên mẫu tên lửa đạn đạo RS-24 Yars. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Forbes, có khả năng tên lửa Oreshnik được Nga sử dụng trong cuộc tấn công ở Ukraine hôm 21/11 có cấu hình mang nhiều đầu đạn và tầm bắn dưới 2.000km. Thông số cụ thể của tên lửa Oreshnik không được Nga tiết lộ.
RS-26 Rubezh được mô tả là một loại tên lửa cơ động, sử dụng nhiên liệu rắn và có khả năng khai hỏa từ các bệ phóng di động. Với chiều dài 12 mét, đường kính 1,8 mét và khối lượng khoảng 36 tấn, loại tên lửa này mang lại sự linh hoạt cao trong tác chiến.
Mặc dù được phát triển từ RS-24 Yars, RS-26 có kích thước nhỏ gọn hơn và tầm bắn ngắn hơn. Loại vũ khí này có thể cấu hình để mang một đầu đạn duy nhất hoặc tối đa 6 đầu đạn dẫn hướng độc lập (mỗi đầu đạn nặng 800kg).
Nga từng phóng thử tên lửa được cho là RS-26 vào tháng 4/2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Một báo cáo năm 2018 cho biết Nga đã ngừng cấp tiền cho dự án tên lửa tầm trung RS-26 để tập trung đầu tư cho phương tiện siêu vượt âm (HGV) Avangard. Theo tran mạng The War Zone (TWZ) ở Mỹ, có khả năng Nga đã khởi động lại dự án và tên lửa Oreshnik là phiên bản mới nhất của dự án này. Dự án có thể được hồi sinh sau khi Nga và Mỹ rút khỏi hiệp ước INF.
Năm 2019, Mỹ chính thức rút khỏi INF, cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản. Nga cũng tuyên bố rút lui ngay sau đó, chấm dứt một trong những thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh. Việc hai cường quốc từ bỏ INF đã mở đường cho Nga tiếp tục phát triển và thử nghiệm RS-26 theo cấu hình là tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung hoàn toàn mới nhằm vào Ukraine. Cuộc tập kích nhằm đáp trả việc Kiev...
Nguồn: [Link nguồn]