Điểm chung gì giữa những nơi xuất hiện các biến thể COVID-19 mới?
Từ sự xuất hiện của biến thể Omicron và trước đó là Delta, Gamma, Beta..., có nhà quan sát phân tích về các điểm chung giữa những nơi xuất hiện các biến thể COVID-19 mới. Các điểm chung đó là gì?
Cả thế giới đang lo lắng trước thông tin virus SARS-CoV-2 - thủ phạm gây ra đại dịch COVID-19 vừa đột biến ra một biến thể mới có thể rất nguy hiểm. Biến thể được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi có tên mã là B.1.1.529 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đặt tên là Omicron và liệt vào nhóm “đáng lo ngại”.
Đáng chú ý, mức “đáng lo ngại” của mà WHO xếp biến thể Omicron vào cũng là mức mà WHO đã xếp biến thể Delta trước đây.
Nam Phi – nơi đầu tiên phát hiện biến thể Omicron – đang tích cực tìm hiểu biến thể này. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhà báo bình luận David Fickling của hãng Bloomberg vừa có bài phân tích đáng chú ý về các điểm chung giữa những nơi xuất hiện các biến thể COVID-19 mới. Các điểm chung đó là gì?
Đông dân
Tới thời điểm này, nhìn chung những nước chịu sự hoành hành tàn khốc nhất của virus SARS-CoV-2 vẫn là các nước phát triển. Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ, Anh, các nước Liên minh châu Âu cộng lại chiếm tới 1/3 số tử vong toàn cầu, dù tổng dân các nước này chỉ chiếm 10% dân số thể giới.
Nếu chú ý sẽ nhận ra một thực tế là phần lớn các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên ở các nước đông dân.
Chủng virus ban đầu SARS-COV-2 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) – đất nước gần 1,45 tỉ người, đông nhất thế giới. Biến thể Delta xuất hiện ở Ấn Độ - gần 1,4 tỉ dân, đông thứ hai thế giới.
Biến thể Gamma được phát hiện ban đầu ở Brazil - gần 214 triệu dân, đông thứ sáu thế giới. Nam Phi - gần 60 triệu dân, đông thứ 25 thế giới - là nơi phát hiện đầu tiên biến thể Beta và mới nhất là biến thể Omicron.
Bốn nước này thuộc khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Chỉ riêng biến thể Alpha xuất hiện từ Anh (hơn 68 triệu dân, đông thứ 21 thế giới).
Một thực tế là cứ 5 người sống trong hành tinh này thì có 2 người sống một trong những nước BRICS.
Tỉ lệ tiêm chủng chưa cao
Một thực tế là các nước giàu hiện phần lớn đã phủ sóng tiêm chủng tốt, theo đó virus hiện diện ở các nước này ngày càng bị hạn chế cơ hội biến đổi ra các đột biến mới. Trong khi đó, các nước còn đông dân chưa được tiêm chủng là địa bàn thuận lợi để virus sinh sôi, sao chép, tạo ra đột biến, biến thể mới.
Nhà khoa học nghiên cứu về COVID-19 tại Trung tâm Đổi mới và Đối phó Dịch tễ ở tỉnh KwaZulu-Natal (Nam Phi). Ảnh: CNN
Theo Phó GS về virus học Iran Mackay tại ĐH Queensland (Úc), virus vốn làm rất tốt việc né tránh miễn dịch, và nếu vẫn còn nhiều quần thể dân chưa được phủ kháng thể thì virus càng dễ hành động hơn nữa.
Hiện còn quá sớm để biết chính xác biến thể Omicron sẽ ảnh hưởng đến mọi người như thế nào. Một điều đáng lo ngại là biến thể Omicron số lượng đột biến lớn đáng kể (32), đặc biệt các đột biến tác động đến khả năng lây truyền virus hoặc chống lại các phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Những điều này làm tăng nguy cơ rằng, cũng giống như biến thể Delta, biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn thông qua các quần thể không có miễn dịch, hoặc thậm chí chọc thủng hàng rào kháng thể của những người đã bị nhiễm COVID-19 trước đó hoặc đã được tiêm chủng.
Bên cạnh đó, với sự đa dạng của các đột biến sẽ khó biết chắc liệu những thay đổi này sẽ khuếch đại hay triệt tiêu lẫn nhau cho đến khi có thể quan sát sự tiến triển của biến thể Omicron ở người, theo ông Mackay.
Tuy nhiên không cần phải trả lời những câu hỏi đó mới biết sai lầm mà thế giới giàu có đang mắc phải khi coi COVID-19 là mầm bệnh mà mình có thể đánh bại một khi phủ sóng tiêm chủng đủ cao ở nước mình.
Trong khi các nước như Trung Quốc (nước xuất hiện chủng virus ban đầu, khi chưa có vaccine), Nhật, Pháp, Ý, Hàn Quốc và Canada có thể tự hào rằng 3/4 dân số của mình đã được tiêm chủng đầy đủ (riêng Mỹ ở mức 59%, có một trong những tỉ lệ thấp nhất ở các nước phát triển) thì 110 trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà hãng tin Bloomberg có số liệu lại ở mức e dè 50%.
Trong số đó, 64 nước tỉ lệ tiêm 2 mũi thậm chí chưa đạt 25%, bao gồm cả Nam Phi. Ấn Độ mới 31% và Nga mới 37% và đang loay hoay tìm cách tăng thêm nhưng không dễ. Tỉ lệ tiêm chủng thời điểm này của Brazil là hơn 60%, tuy nhiên vào thời điểm xuất hiện biến thể Gamma (đầu năm 2021) thì không cao được thế.
37 nước chưa tới 10% dân số được tiêm chủng đủ, trong đó có 32 nước thuộc khu vực châu Phi cận Sahara.
Khi khả năng miễn dịch – có được từ việc nhiễm COVID-19 trước đó hay được tiêm vaccine – tăng lên, virus sẽ phải ngày càng cố gắng hơn và khéo léo hơn để né tránh sự phòng thủ của cơ thể người và thực hiện được quá trình tiến hóa.
Tuy nhiên cho đến nay, tính trung bình chỉ mới hơn một nửa dân số thế giới được tiêm một liều vaccine. Điều đó có nghĩa là vẫn còn hơn 3,4 tỉ người ngoài kia mà virus có thể coi cơ thể họ như phòng thí nghiệm để phát triển các đột biến mới.
Như vậy, chừng nào chúng ta chưa giảm được con số đó xuống nữa thì virus vẫn còn nắm lợi thế.
Nếu virus cứ biến đổi thế này, khả năng rồi sẽ có biến thể nguy hiểm cỡ Ebola Từ việc xuất hiện biến thể Omicron, chuyên gia lo rằng nếu virus SARS-CoV-2 cứ theo đà biến đổi thế này có thể thời gian tới sẽ xuất hiện một biến thể chết chóc như virus Ebola. Lo ngại này được bác sĩ người Đức Frank Ulrich Montgomery – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) chia sẻ với báo Funke Mediengruppe (tờ báo lớn thứ ba ở Đức) ngày 27-11. Trong bài viết trên tạp chí Forbers, nhà khoa học, GS William A. Haseltine tại trường Y ĐH Harvard (Mỹ) nhắc đến thực tế các biến thể của virus SARS-CoV-2 càng về sau càng nguy hiểm hơn. Biến thể Delta nguy hiểm hơn nhiều so với chủng virus gốc xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc). Các thông tin ban đầu cho thấy biến thể Delta Plus có độ nguy hiểm cao hơn biến thể Delta ít nhất 10%. Theo GS Haseltine, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi ra nhiều biến thể nguy hiểm hơn có khả năng lây lan mạnh hơn. Ông cho rằng cấp thiết phải tăng cường giám sát các biến thể biến đổi từ chủng virus gốc, để biết được kịp thời việc biến đổi xuất phát từ điều kiện nào? Có thể nào các biến thể nghiêm trọng nhất không phát sinh trong các quần thể lớn, mà từ các cá thể bị ức chế miễn dịch hay không có miễn dịch với virus SARS-CoV-2? Bác sĩ Montgomery nhấn mạnh quan trọng là không được “cho virus cơ hội” để biến đổi thêm nữa. Để làm được điều này có thể cần thiết phải duy trì việc tiêm chủng cho thế giới trong nhiều năm nữa. Ông cũng có ý kiến là các nước nên thận trọng hơn nữa trong kiểm soát dịch để virus SARS-CoV-2 khó có điều kiện biến đổi. |
Trong khi Mỹ và phương Tây bị cho là đang “thổi phồng” mối nguy về Omicron, Nam Phi – một trong những quốc gia đầu tiên...
Nguồn: [Link nguồn]