Dịch xấu thêm, ông Kim Jong-un trực tiếp giám sát và chỉ đạo

Dịch xấu thêm, lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp giám sát và chỉ đạo phòng chống, WHO đề nghị được cung cấp vaccine và hỗ trợ y tế.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn nguồn Bộ chỉ huy phòng dịch khẩn cấp Triều Tiên cho biết đã ghi nhận hơn 269.500 người có triệu chứng sốt và sáu trường hợp tử vong trong ngày 17-5.

Như vậy trong khoảng một tuần kể từ khi công bố có dịch COVID-19, Triều Tiên đã mất 56 người với các triệu chứng trước khi chết giống người nhiễm COVID-19. Với trung bình hơn 200.000 người có triệu chứng sốt mỗi ngày, đến ngày 17-5, tổng cộng đã có hơn 1,48 triệu người sốt ở Triều Tiên. KCNA không cho biết có bao nhiêu người trong số này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.

Theo tin từ hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 17-5, Triều Tiên đã đưa ba máy bay của hãng hàng không quốc gia Air Koryo đến TP Thẩm Dương (Trung Quốc) hôm 16-5 để nhận hàng viện trợ y tế phòng chống dịch COVID-19 và bay trở về vào cuối ngày. Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay như vậy vì dường như số vật tư y tế chuyển lần này vẫn chưa đủ.

Lãnh đạo Kim Jong-un giám sát, chỉ đạo mỗi ngày

Theo hãng tin Reuters, tình hình dịch ở Triều Tiên có dấu hiệu lan rộng bất chấp lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc. Kể từ khi Triều Tiên công bố ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 hồi tuần trước, ông Kim đảm nhận vị trí hàng đầu và trung tâm trong nỗ lực đối phó dịch bệnh.

Ông Kim giám sát các cuộc họp khẩn cấp gần như hằng ngày của Bộ Chính trị để đưa ra các chỉ đạo liên tục về ứng phó với dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo Triều Tiên xác nhận dịch bệnh đang gây ra “biến động lớn” cho đất nước.

Trong một phát biểu mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã khiển trách giới chức y tế không kịp thời ứng phó với dịch, không mở cửa các hiệu thuốc 24/7 để phân phát kịp thời thuốc men cho người dân.

Họp với Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên hôm 17-5, ông Kim chỉ trích rằng “sự non kém” trong việc ứng phó với khủng hoảng ngay từ những ngày đầu và sự chậm chạp của các quan chức hàng đầu đất nước đã cho thấy “những điểm yếu” trong chiến lược chống dịch của Triều Tiên. Ông đánh giá rằng các biện pháp non kém đã làm gia tăng “những phức tạp và khó khăn” trong giai đoạn đầu chống dịch khi “thời gian là sự sống”.

Sau đó, ông Kim kêu gọi các quan chức “nỗ lực gấp đôi” để ổn định cuộc sống của người dân và nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức chặt chẽ hơn công việc để đáp ứng điều kiện sống và cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày.

Truyền thông Triều Tiên cho biết hiện những biện pháp cấp bách đã được thực hiện để chấn chỉnh ngay tình trạng sai lệch trong việc cung cấp thuốc cho người dân. Một số nỗ lực cũng tập trung vào việc cung cấp thông tin cho toàn dân về biến thể Omicron tàng hình để họ hiểu rõ các biện pháp điều trị khoa học và những quy tắc phòng dịch. Trong khi đó, khoảng 11.000 quan chức, giáo viên và sinh viên y tế vào ngày 16-5 đã tham gia “cuộc kiểm tra y tế chuyên sâu cho toàn dân” nhằm tìm ra những đối tượng bị sốt.

Các binh sĩ Triều Tiên đeo băng tay chữ thập đỏ tuyên thệ tại trụ sở Bộ Quốc phòng hôm 16-5, trước khi tham gia phân phát thuốc cho người dân Bình Nhưỡng. Ảnh: RODONG SINMUN

Các binh sĩ Triều Tiên đeo băng tay chữ thập đỏ tuyên thệ tại trụ sở Bộ Quốc phòng hôm 16-5, trước khi tham gia phân phát thuốc cho người dân Bình Nhưỡng. Ảnh: RODONG SINMUN

WHO đề nghị được cung cấp vaccine cho Triều Tiên

Ngày 17-5, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - TS Mike Ryan bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiễm COVID-19 ở nhiều người chưa được tiêm vaccine như ở Triều Tiên sẽ gây nguy cơ cao xuất hiện biến thể mới.

“Chắc chắn đáng lo ngại nếu các nước không sử dụng những công cụ hiện có. WHO nhiều lần nói rằng luôn có nguy cơ cao xuất hiện các biến thể mới nếu xảy ra lây nhiễm không khống chế” - TS Ryan cảnh báo.

Trước đó, một chuyên gia khác là Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Poonam Khetrapal Singh cũng bày tỏ lo ngại khi Triều Tiên vẫn chưa bắt đầu tiêm vaccine COVID-19. Theo bà, thực tế này có nguy cơ khiến virus lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trừ khi được ngăn chặn bằng các biện pháp thích hợp và tức thì. Bà Singh cũng cho biết WHO vẫn chưa nhận được báo cáo về đợt bùng phát dịch bệnh ở Triều Tiên từ giới chức nước này.

Về phía Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông cảnh báo Triều Tiên có thể gánh hậu quả nặng nề trước đà lây lan nhanh của biến thể Omicron. Ông cũng đưa ra đề nghị hỗ trợ Triều Tiên chống dịch vì lo ngại hậu quả nguy hiểm với dân số chưa được tiêm vaccine.

“WHO lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở Triều Tiên, đặc biệt là do dân số chưa được tiêm chủng và nhiều đối tượng chưa tiêm có bệnh nền khiến họ có nguy cơ trở nặng và tử vong” - ông Tedros lo ngại.

Ông cho biết WHO đã đề nghị Triều Tiên chia sẻ dữ liệu và thông tin, đồng thời nói thêm rằng tổ chức này đã đề nghị hỗ trợ kỹ thuật và vật tư, xét nghiệm, thuốc men và vaccine để giúp Bình Nhưỡng ngăn COVID-19 lây lan.

Cho đến nay, Triều Tiên chưa có phát ngôn công khai nào chấp nhận sự hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc. WHO cũng thừa nhận rằng không có cách nào buộc Triều Tiên và Eritrea - những nước chưa tiêm vaccine phòng chống COVID-19 cho người dân, chấp nhận sự hỗ trợ.

Hàn Quốc đề nghị giúp đỡ, Triều Tiên chưa phản hồi

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 17-5 đưa tin Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã gửi đề nghị tổ chức các cuộc tham vấn và hỗ trợ vật tư y tế cho Triều Tiên để giúp nước này đối phó với dịch bệnh lây lan. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã tổ chức điện đàm định kỳ vào sáng cùng ngày, song Bình Nhưỡng không phản hồi có chấp nhận đề xuất hỗ trợ từ Seoul hay không.

“Không có gì đáng chú ý được nêu trong cuộc gọi” - một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.

Trước đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã khẳng định sẽ không tiếc công sức giúp Triều Tiên đối phó với dịch COVID-19, kể cả triển khai nhân viên y tế nếu Bình Nhưỡng đề nghị. “Hàn Quốc không hề do dự trong việc cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân Triều Tiên, những người đang phải đối mặt với mối đe dọa COVID-19” - ông Yoon nhấn mạnh.

Bên cạnh Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Mỹ cũng đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Hình ảnh quân đội Triều Tiên hỗ trợ chống dịch khi số ca sốt tăng nhanh

Hàng trăm binh sĩ Triều Tiên đã tập trung tại trụ sở Bộ Quốc phòng nước này ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 16/5 để chuẩn bị hỗ trợ ổn định nguồn cung cấp thuốc tại thủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Kim Jong Un Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN