Dịch cúm đang diễn biến phức tạp ra sao ở châu Á, Âu, Mỹ?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vaccine ngừa cúm, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay diệt khuẩn là các biện pháp quan trọng để phòng bệnh.

Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục cảnh báo số ca nhiễm cúm “vẫn tăng cao ở nhiều khu vực”, khiến người dân nhiều nước lo ngại, nhất là sau cái chết của ngôi sao Đài Loan Barbie Hsu (Từ Hy Viên) hồi đầu tháng 2.

Dịch cúm diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực

Theo số liệu cập nhật tới gần cuối tháng 1-2025 của WHO, các khu vực có số ca mắc cúm cao nhất là Bắc Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ và Nam Á. Các ca bệnh cúm ở nước Á và châu Mỹ phần lớn nhiễm cúm A, châu Phi có tỉ lệ nhiễm cúm B cao hơn, còn châu Âu ghi nhận phổ biến tất cả các chủng virus cúm mùa.

Nhật là một trong những quốc gia có tình hình dịch cúm phức tạp nhất trong mùa cúm năm nay. Ảnh minh hoạ - người dân Nhật đeo khẩu trang khi ra đường hồi tháng 1-2025: CGTN

Nhật là một trong những quốc gia có tình hình dịch cúm phức tạp nhất trong mùa cúm năm nay. Ảnh minh hoạ - người dân Nhật đeo khẩu trang khi ra đường hồi tháng 1-2025: CGTN

Bắt đầu từ tháng 12-2024, Nhật chứng kiến số ca nhiễm cúm tăng đột biến. Trong tuần cuối cùng của năm 2024, nước này ghi nhận gần 320.000 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ năm 1999. Tới cuối tháng 1-2025, các cơ sở y tế vẫn ghi nhận tình trạng quá tải giường bệnh liên quan tới các ca nhiễm cúm.

Trong tuần cuối tháng 1-2025, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận hơn 162.000 ca nhiễm cúm. Trong khoảng 10 ngày cuối tháng 1, vùng lãnh thổ này có 142 ca bệnh diễn biến nặng và 25 trường hợp tử vong.

Đầu năm 2025, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo về đợt bùng phát bệnh cúm nghiêm trọng nhất kể từ sau năm 2016. Các chủng virus cúm phổ biến nhất, chiếm gần một nửa số ca bệnh, là A(H1N1)pdm09 và A(H3N2).

Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang vật lộn với một đợt bùng phát cúm do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh ở Nhật và Hàn Quốc – những điểm đến du lịch phổ biến của người dân Hong Kong. Trong 5 tuần đầu năm 2025, vùng lãnh thổ này đã ghi nhận 137 ca tử vong liên quan tới cúm.

BS Rene Najera thuộc Cao đẳng Y Philadelphia (Mỹ), Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm cúm tăng vọt chưa từng có, ở mức cao nhất trong 15 năm qua và có nguy cơ tái diễn đại dịch cúm lợn năm 2009.

Trong mùa cúm năm nay, ít nhất 24 triệu người đã nhiễm cúm, trong đó 31.000 bệnh nhân phải nhập viện và 13.000 ca tử vong. Gần như toàn bộ các ca bệnh là nhiễm cúm A, theo báo cáo mới nhất hôm 7-2 của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Còn ở châu Âu, Hà Lan hôm 29-1 đã chính thức tuyên bố dịch cúm. Vài ngày sau, Romania cũng ban bố cảnh báo sau khi số ca nhiễm bệnh đường hô hấp tăng liên tiếp trong 3 tuần.

Vaccine ngừa cúm và các khuyến cáo phòng ngừa lây nhiễm vẫn quan trọng

Chuyên gia hàng đầu Hong Kong về các bệnh hô hấp, BS Leung Chichiu (Lương Tử Siêu) cảnh báo rằng cúm không phải là bệnh cảm thông thường và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ngay cả ở những người trẻ khoẻ mạnh, theo tờ China Daily.

BS Rene (Mỹ) cũng lưu ý tới mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, song nhấn mạnh rằng tiêm vaccine cúm vẫn là biện pháp quan trọng để giảm thiểu ảnh hưởng, tăng khả năng người bệnh chỉ mắc triệu chứng nhẹ và không cần nhập viện.

Tiêm vaccine ngừa cúm tại một bệnh viện ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNA

Tiêm vaccine ngừa cúm tại một bệnh viện ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CNA

Theo BS Natalie Azar, CTV mảng y khoa của đài NBC News, tình hình dịch cúm gia tăng ở Mỹ có liên quan tới tỉ lệ tiêm vaccine ngừa cúm đã giảm đi, từ mức 58,3% năm 2020 xuống 44,5% vào đầu năm 2025.

Châu Âu cũng đối mặt tỉ lệ tiêm vaccine ngừa cúm thấp ở các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, trẻ em và người có bệnh mãn tính, theo trang tin Euronews.

Hong Kong đã đẩy nhanh các chương trình tiêm vaccine ngừa cúm. BS Leung khuyến cáo người dân có ý định ra nước ngoài nên tiêm vaccine ngừa cúm trước ngày khởi hành ít nhất 2 tuần.

Đài Loan đã mua bổ sung 100.000 liều vaccine ngừa cúm trong bối cảnh một số cơ sở y tế đã cạn kiệt vaccine. Vùng lãnh thổ này sẽ ưu tiên tiêm chủng cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Tại Malaysia cũng ghi nhận tình trạng hết vaccine ngừa cúm, theo tờ The Star. Bộ trưởng Y tế, BS Dzulkefly Ahmad giải thích rằng điều này xảy ra do sự gia tăng nhu cầu vaccine trên toàn cầu và trấn an rằng trong tháng 2 nước này sẽ nhận các lô vaccine ngừa cúm mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến dịch cúm trên toàn cầu để dự đoán mùa cúm năm nay sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, BS Rene (Mỹ) lưu ý rằng tình hình dịch bệnh sẽ hạ nhiệt khi người dân có được miễn dịch sau khi khỏi bệnh hoặc nhờ việc tiêm chủng.

Tuy nhiên, BS Rene lưu ý rằng do bản chất khó lường của dịch bệnh, người dân vẫn cần cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm vaccine ngừa cúm, rửa tay diệt khuẩn thường xuyên và ở nhà khi không khoẻ.

BS Leung (Hong Kong) khuyến cáo khi đi du lịch, người dân nên đeo khẩu trang và nắm thông tin về tình hình dịch bệnh ở nước đến, cũng như ghi nhớ các số điện thoại liên lạc khẩn cấp trong tình huống nghi nhiễm cúm.

Xử trí thế nào khi nghi bị cúm?

Các triệu chứng thông thường của cúm là sốt cao bất thường, ho, đau họng, sổ mũi, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau đầu… Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, với giai đoạn có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là thường 3 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.

Theo CDC (Mỹ), hầu hết những người bị cúm đều có triệu chứng nhẹ và không cần chăm sóc y tế – tránh gây ra tình trạng quá tải ở các phòng cấp cứu – và không cần dùng thuốc kháng virus.

Người bị nhiễm cúm được khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây bệnh cho những người xung quanh như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay diệt khuẩn và vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc.

Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý nền nên được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.

Khi ngừng sử dụng thuốc hạ sốt mà các triệu chứng vẫn được cải thiện trong ít nhất 24 giờ thì người bệnh có thể trở lại các hoạt động thông thường, song vẫn cần tiếp tục các biện pháp phòng ngừa.

Mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀN ĐỨC ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN