Dịch Covid-19 vừa ngớt, Thái Lan lại "lo sốt vó" với hệ lụy và virus khác
Số người tử vong do Covid-19 gián tiếp gây ra đang có xu hướng tăng ở Thái Lan, trong khi một loại virus khác cũng khiến giới chức quốc gia Đông Nam Á này phải lo lắng.
Theo Bangkok Post, một phát ngôn viên của Bộ Y tế Thái Lan cho biết hôm 25/5 nước này ghi nhận thêm 2 ca nhiễm và một ca tử vong vì Covid-19.
Trước đó một ngày, Thái Lan không ghi nhận ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nào. Đây là lần thứ 4 trong một tháng, Thái Lan không có ca nhiễm và tử vong mới vì Covid-19. Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 của quốc gia Đông Nam Á này là 3.042, trong đó có 57 ca tử vong.
Cũng theo phát ngôn viên của Bộ Y tế, 2.928 bệnh nhân, chiếm hơn 96% tổng số người nhiễm Covid-19 ở Thái Lan, đã khỏi bệnh. Như vậy, Thái Lan chỉ còn 57 bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn phải điều trị tại bệnh viện.
Đây được xem là dấu hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch Covid-19 ở xứ Chùa vàng. Tuy nhiên, một hệ lụy nghiêm trọng đã xuất hiện và số người chết vì hệ lụy này được dự đoán có thể vượt số người tử vong vì dịch Covid-19 ở Thái Lan, theo Chiang Rai Times. Đó là tình trạng tự tử gia tăng.
Hồi tháng 4, một người đàn ông ở tỉnh Narathiwat, đã nhảy khỏi tầng 5 tòa nhà tại một bệnh viện công ở quận Phra Pradaeng, tỉnh Samut Prakan - nơi người này đang được cách ly tập trung. Vài ngày trước đó, một người đàn ông tại tỉnh Chiang Mai cũng tự tử sau khi nhận kết quả dương tính với Covid-19.
Một nhóm học giả Thái Lan tuần trước cảnh báo lo ngại về sức khỏe tinh thần khi nhiều người dân xứ Chùa vàng tự tử liên quan tới dịch Covid-19.
Nhóm học giả của Đại học Chiang Mai và Đại học Chulalongkorn đã nghiên cứu về tự tử kể từ sau ngày 26/3 - vài tuần trước khi chính phủ Thái Lan áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối phó dịch Covid-19. Kết quả phân tích khiến nhiều người bị sốc.
Theo nghiên cứu, chỉ trong 20 ngày, ít nhất 38 trường hợp đã tìm cách tự tử, 28 trong số này đã tử vong. Trong cùng khoảng thời gian đó, Thái Lan ghi nhận 38 ca tử vong vì Covid-19. Nhóm nghiên cứu cũng tranh luận về hai mặt của việc phong tỏa khi nó giúp giảm đáng kể số lượng ca nhiễm Covid-19 nhưng lại khiến nhiều người mất việc vì các hàng quán đều đóng cửa.
Sự gia tăng về số ca tự tử đến vào thời điểm Thái Lan đang phải dồn toàn bộ nguồn lực y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và làm giảm đường cong dịch bệnh. Các biện pháp y tế công cộng để ngăn dịch lan rộng, trong đó có việc phong tỏa và cách ly xã hội kéo dài hàng tháng, khiến một số bệnh nhân có các bệnh tâm thần trước đó càng bị nặng hơn, Tawanchai Jirapramukpitak, một nhà dịch tễ học kiêm tâm thần học tại Viện nghiên cứu dân số và xã hội, Đại học Mahidol (Thái Lan), cho hay.
Theo Chiang Mai Times, Thái Lan là nước có tỷ lệ tự tử hàng năm đứng thứ 32 trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, không nước nào có tỷ lệ tự tử cao hơn Thái Lan.
Đại dịch Covid-19 và tác động lớn của nó tới kinh tế càng khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Các học giả cảnh báo số ca tự tử vì kinh tế thậm chí sẽ vượt số ca tử vong vì Covid-19 nếu chính phủ Thái Lan không hành động kịp thời.
Tình trạng tự tử liên quan tới dịch Covid-19 gia tăng ở Thái Lan. Ảnh minh họa: Reuters
Số ca tự tử gia tăng không chỉ là vấn đề duy nhất khiến giới chức Thái Lan lo lắng. Một loại virus khiến ngựa chết hàng loạt cũng xuất hiện tại xứ Chùa vàng cùng thời điểm với đại dịch Covid-19. Các nhà nghiên cứu ban đầu lo lắng vì chưa biết về loại virus lạ và cho rằng nó có thể giống virus gây dịch Covid-19, theo Bloomberg. Nhưng sau khi gửi mẫu máu ngựa tới Anh phân tích, giới chức Thái Lan đã xác định được loại virus và từ đó có biện pháp phù hợp.
"Chúng tôi không biết nguyên nhân vì sao lũ ngựa chết. Sau đó, chúng tôi phát hiện virus tới từ những con ngựa vằn đang được "quá cảnh" ở Thái Lan trước khi đưa sang Trung Quốc", Nopadol Saropala, chủ một trang trại ngựa cách Bangkok 160 km, cho biết. Ông Saropala đã mất 18 con ngựa trong chưa đầy 2 tuần. Hơn 500 con ngựa đã chết ở Thái Lan kể từ khi virus lạ xuất hiện hồi cuối tháng 2.
Sau khi gửi mẫu máu tới Anh để phân tích hồi tháng 3, kết quả cho thấy virus lạ chính là loại gây ra bệnh ngựa châu Phi (AHS). Loại virus này tấn công vào phổi của vật chủ, gây sốt và dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ. Dịch bệnh AHS có thể tấn công ngựa, lừa, la, ngựa vằn, lạc đà hoặc chó, theo Viện Pirbright - có trụ sở tại Anh.
"Bệnh AHS có thể lây qua máu, tác động đến phổi, lá lách và các mô bạch huyết khác", các nhà nghiên cứu của Viện Pirbright cho hay.
Các triệu chứng bệnh AHS ở động vật bao gồm sốt, chán ăn, sưng quanh mắt, môi, má, lưỡi và cổ.
Virus gây bệnh AHS có khả năng lây nhiễm nhưng không trực tiếp qua tiếp xúc giữa ngựa với ngựa, mà do loại ruồi chuyên hút máu ngựa là trung gian truyền bệnh.
Giới chức Thái Lan đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn dịch AHS, trong đó có việc cấm xuất khẩu và nhập khẩu ngựa ít nhất 2 năm kể từ ngày ghi nhận ca nhiễm cuối cùng hoặc đợt tiêm vaccine gần nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm du khách nước ngoài bán khỏa thân cùng nhiều phụ nữ Thái Lan mặc bikini bị bắt giữ sau khi tham gia tổ chức tiệc tùng...