Dịch bệnh Covid-19 ở Anh: Người dân bắt đầu lo lắng
Cuộc sống ở Anh có những thay đổi rõ rệt trong một tuần qua khi số người nhiễm Covid-19 tăng đều đặn mỗi ngày và công chúng Anh bắt đầu có lý đo để lo lắng.
Không ít người dân Anh đặt câu hỏi như “Tôi có nên tự cách ly không?”, “Kế hoạch du lịch của tôi có bị ảnh hưởng không?”, “Tôi bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình như thế nào?”, “Tôi kiếm tiền đâu ra để chi trả các khoản phí khi bị cách ly?”
Số người tìm đến các chuyên gia để xin lời khuyên ngày càng nhiều, hơn là chờ đợi các phản ứng từ chính trị gia, theo BBC.
Jill Allen, 76 tuổi, người có tiền sử bệnh tim và tổn thương phổi, đặt câu hỏi rằng liệu dịch bệnh có ảnh hưởng chuyến đi Tây Ban Nha của bà trong 3 tuần hay không.
Người dân Anh bắt đầu có ý thức đeo khẩu trang khi ra đường.
“Tôi cảm thấy là không sáng suốt khi đi nước ngoài vào thời điểm này, nhưng trừ khi chính quyền cảnh báo về tình hình ở Tây Ban Nha, công ty tổ chức tour chưa có kế hoạch hủy bỏ chuyến đi”, Allen nói.
Hôm 9.3, chính phủ Anh thông báo chưa có kế hoạch nâng mức ngăn chặn dịch Covid-19 sang cấp 2, nghĩa là chưa cấm tụ tập đông người, chưa hoãn các trận đấu bóng đá và các sự kiện ngoài trời.
Marilyn Rodger, người bị tàn tật nặng và sống với cha mẹ già, lo lắng rằng điều này có nghĩa là cô vẫn chưa thể nhận được sự chăm sóc cần thiết. “Cha tôi đã 96 tuổi, thường xuyên bị nhiễm trùng ở ngực. Nếu ông ấy ho, tôi có phải cách ly không? Tôi cảm thấy thực sự lo lắng”.
Số ca lây nhiễm Covid-19 ở Anh tăng theo từng ngày.
Vẫn còn một bộ phận công chúng Anh chưa cảm thấy quá lo lắng về dịch bệnh, cho rằng phản ứng của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson là hợp lý. Nhưng đối với số khác, nguy cơ lây nhiễm là rất rõ ràng.
Một người viết trên mạng xã hội: “Là một bệnh nhân tiểu đường đang mang thai và phải đi tàu mỗi ngày đi làm, tôi thực sự bắt đầu cảm thấy lo lắng hơn”. Phóng viên BBC ghi nhận được nhiều lời phàn nàn của người dân Anh về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi sử dụng phương tiện công cộng.
Một người mẹ ở Hertfordshire có bệnh hen suyễn, nói với BBC rằng cô “lo lắng cho con gái 8 tuổi, muốn cho con tạm nghỉ học nhưng sợ bị nhà trường phạt”.
Anh chưa ngừng các chuyến bay đến vùng dịch từ Italia và các nước châu Âu khác.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng trong thời gian cách ly, không thể đi làm thì kiếm đâu ra tiền chi trả các khoản phí. Một nhân viên giấu tên làm việc tại hãng bảo hiểm lớn ở Anh, nói công ty yêu cầu nhân viên đi làm đầy đủ, trừ khi có lý do chính đáng để ở nhà.
Lý do là vì hạ tầng công nghệ của công ty không đáp ứng được nếu tất cả mọi người đều làm ở nhà.
James Wilson, một người sống ở Nuneaton, nói công ty sẽ không trả lương nếu phải cách ly vì “bị ốm”. “Tôi vẫn phải đi làm hoặc gặp khó khăn với tiền thuê nhà và các khoản phí khác”, Wilson nói.
Gloria Palazzi, một người Anh trở về từ Italia, nói cô phải ở lại máy bay thêm 90 phút sau khi hạ cánh vì có một hành khách bị ho.
Cuối tuần trước, nước rửa tay, giấy vệ sinh và các sản phẩm dọn dẹp khác luôn trong tình trạng cháy hàng ở nhiều nơi tại Anh, phản ánh sự lo lắng của một bộ phận công chúng.
Có người nói rằng mình cảm thấy “khác lạ” khi có mặt trên chuyến bay từ Anh đến Doha, Qatar chỉ với 15 hành khách, theo BBC.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries nhiễm Covid-19 sau cuộc gặp với Thủ tướng Boris Johnson và hiện đang phải cách ly.