Dịch Ấn Độ ngày càng nguy, sao ông Modi chưa quyết phong tỏa?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Không phải phong tỏa toàn quốc mà điều cần làm lúc này với Ấn Độ là cân bằng các ưu tiên để vạch ra chiến lược chống dịch COVID-19 phù hợp.

Dịch COVID-19 ở Ấn Độ ngày càng nguy ngập với số người nhiễm, người chết ngày sau cao hơn ngày trước. Chỉ trong ngày 8-5, nước này ghi nhận con số kỷ lục 4.092 người chết và gần 404.000 người nhiễm - những con số cao nhất với Ấn Độ và với bất kỳ quốc gia nào từ đầu dịch tới giờ. Tính đến ngày 10-5, Ấn Độ đã phát hiện 22,66 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 246.000 người đã chết, theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ.

Các công nhân nhập cư đổ xô rời khỏi thủ đô New Delhi sau khi địa phương này áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 hồi tháng trước. Ảnh: QUARTZ

Các công nhân nhập cư đổ xô rời khỏi thủ đô New Delhi sau khi địa phương này áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 hồi tháng trước. Ảnh: QUARTZ

Phong tỏa chỉ là “lựa chọn sau cùng”

Hiện nhiều bang đã bị phong tỏa toàn bộ, nhiều bang phong tỏa một phần hoặc áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khác, chính quyền New Delhi đang phải chịu áp lực ngày càng tăng về việc phong tỏa toàn quốc. Tháng trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ phải đệ trình kế hoạch đối phó đại dịch. Các đảng đối lập cùng nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước đang chỉ trích chính quyền Thủ tướng Narenda Modi, kêu gọi phong tỏa toàn quốc. Song tới lúc này chính quyền Thủ tướng Modi chỉ đang “thảo luận” phương án này, vẫn chủ trương rằng phong tỏa là “lựa chọn sau cùng”.

Có vẻ chủ trương của chính phủ Thủ tướng Modi có cơ sở khi đài ABC (Úc) chỉ ra rằng phong tỏa toàn quốc không phải là giải pháp duy nhất và hiệu quả giúp Ấn Độ đương đầu trước làn sóng COVID-19 thứ hai đang hoành hành. Và theo chuyên trang kinh tế Quartz (Ấn Độ), những gì đã xảy ra trong đợt phong tỏa năm ngoái đặt ra thách thức khiến ông Modi lần lữa tái áp đặt biện pháp này.

Theo Quartz, đợt phong tỏa toàn quốc vào mùa hè năm ngoái mà Ấn Độ đã áp dụng được xem là đợt phong tỏa “nghiêm ngặt nhất” mà một quốc gia từng áp dụng. Mọi cơ sở đều đóng cửa, từ nhà máy, công trường xây dựng, chợ đến cửa hàng bán lẻ…

Đợt phong tỏa kéo dài hai tháng đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho Ấn Độ. Quy mô kinh tế Ấn Độ trong quý II-2020 đã giảm 23% và chỉ phục hồi nhẹ sau khi phong tỏa được dỡ bỏ.

Lệnh phong tỏa không chỉ làm cho hàng triệu công nhân mất việc mà còn khiến họ mắc kẹt ở các TP trong tình trạng không còn nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình. Điều này gây ra áp lực về cứu trợ thực phẩm cho người lao động và hỗ trợ đưa họ về quê.

Theo tờ The New York Times, kể từ ngày 1-5-2020, chính phủ Ấn Độ đã tổ chức 4.621 chuyến tàu đặc biệt đưa người lao động mắc kẹt ở các thành phố lớn về quê. Việc khám sàng lọc COVID-19 được thực hiện nhưng không phải ai cũng được xét nghiệm trước khi lên tàu, khiến lực lượng y tế dễ dàng bỏ lọt những ca nhiễm không triệu chứng. Trong khi đó, giãn cách xã hội trên tàu là điều không thực tế. Điều này vô tình đã gây ra các “chuyến tàu virus” làm dịch bệnh lây lan từ các đô thị về những vùng nông thôn vốn có nguồn lực y tế hạn chế hơn nhiều.

Đợt phong tỏa năm ngoái là một “thảm họa” đối với sinh kế của người dân.

Ông SHAHID JAMEEL, chuyên gia nghiên cứu virus, đồng thời là quản lý một quỹ từ thiện y tế tại Ấn Độ

Cần có chiến lược tổng thể

Do số ca nhiễm và số trường hợp chuyển biến nặng liên tục tăng cao, các trung tâm y tế hết giường bệnh, khan hiếm máy trợ thở và ôxy y tế. Ở các TP lớn, hàng xe cấp cứu chở các ca nhiễm nối dài bên ngoài bệnh viện, nhiều bệnh nhân đã tử vong trước khi được nhập viện.

Chính quyền New Delhi buộc phải huy động mọi nguồn lực trong nước và kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế về vận tải - hậu cần và thủ tục đã khiến hàng hóa viện trợ mất một thời gian dài mới tới tay những cơ sở y tế đang gồng mình chống dịch.

Nhiều chuyên gia chia sẻ với tờ India Today rằng phong tỏa toàn quốc không phải yêu cầu bắt buộc đối với chính quyền New Delhi. Thay vào đó, Ấn Độ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và vạch ra chiến lược tổng thể để chống dịch.

Nhà phân tích chính trị Ấn Độ Manisha Priyam cho rằng trong tình hình hiện tại, phong tỏa toàn quốc có thể trở nên vô nghĩa nếu New Delhi không giải quyết được bài toán về chăm sóc y tế cho các bệnh nhân COVID-19. Theo bà, chính quyền New Delhi cần giữ “vai trò hỗ trợ”, trong đó “trước hết và trên hết” là cung cấp ôxy cho các bang và giám sát việc phân bổ nguồn sản phẩm y tế này.

Giám đốc Quỹ Y tế công cộng Ấn Độ - ông Srinath Reddy cho rằng Ấn Độ nên có “chiến lược ngăn chặn dịch bệnh có điều phối trên toàn quốc”, có điều chỉnh phù hợp với từng bang. Theo đó, dù áp lệnh phong tỏa toàn quốc hay không, Ấn Độ vẫn cần tối ưu hóa các dịch vụ y tế, bao gồm việc xây dựng hệ thống thống nhất. Điều này sẽ đảm bảo dịch bệnh không tái bùng phát sau khi được kiểm soát.

Phong tỏa có thể làm chậm hơn tiến độ tiêm vaccine

BS Vishal Rao - thành viên Đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Ấn Độ cảnh báo rằng việc phong tỏa có thể làm chậm tiến độ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân.

Hiện nay, chỉ khoảng 10% người dân Ấn Độ được tiêm ít nhất một mũi vaccine và chỉ 1/4 trong số này đã nhận đủ hai mũi. Nước này vẫn chật vật để tìm đủ nguồn cung vaccine đáp ứng nhu cầu trong nước.

Quartz cảnh báo rằng với tiến độ tiêm chủng đang có chiều hướng chậm lại và cứ đà này thì tới tháng 2-2022, chỉ khoảng 20% dân số Ấn Độ được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ấn Độ: Hơn 40 thi thể nghi nạn nhân Covid-19 dạt vào bờ sông Hằng

Hàng chục thi thể được cho là của bệnh nhân Covid-19 được phát hiện trôi nổi ở sông Hằng. Đây có thể là các thi thể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀN ĐỨC ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN