"Địa ngục" trong nghĩa địa tàu thuyền, nơi con người làm công việc dễ mất mạng nhất thế giới
Chittagong ở Bangladesh nổi tiếng là thành phố cảng phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người nghèo đói ở Chittagong lại chiếm tới 11,3%. Thành phố này cũng nổi tiếng là nghĩa địa tàu thuyền của thế giới, nơi hàng chục ngàn công nhân phải làm việc trong cảnh “địa ngục” mỗi ngày.
Phá tàu – công việc dễ mất mạng nhất hành tinh (ảnh: The Guardian)
Khalid Mollah – một công nhân phá tàu – đã chết ở thành phố Chittagong, Bangladesh. Anh chỉ là một trong số hàng chục ngàn công nhân phải đối mặt với tử thần mỗi ngày khi làm công việc được đánh giá là dễ mất mạng nhất thế giới – phá những con tàu khổng lồ để lấy vật liệu.
Khalid Mollah không có học thức, không biết chữ và thất nghiệp. Năm 2009, anh phải rời bỏ người vợ đang mang thai ở quê nhà để đến Chittagong xin việc.
Điểm đến của Khalid Mollah là bãi biển Sitakunda ở Chittagong, nơi 25.000 công nhân làm việc trong hàng chục bãi phá tàu. Tất cả những thứ gì có thể được sử dụng từ một con tàu như thép, dây cáp, tấm kim loại, sàn tàu… thậm chí là cả một chiếc bu lông, đai ốc cũng không được bỏ sót.
Khalid Mollah chưa từng được đào tạo làm công việc nặng nhọc và cực kỳ nguy hiểm này, nhưng anh vẫn được nhận. Ngành công nghiệp phá tàu của Bangladesh đang phát triển nhanh chóng và cần nhiều nhân công lương thấp.
Công việc của Khalid Mollah là trèo lên những con tàu cao chót vót, phá dỡ lấy nguyên liệu rồi ném xuống.
Chittagong là “nghĩa địa tàu thuyền” lớn nhất thế giới. Nơi này phá dỡ khoảng 200 tàu lớn mỗi năm, chưa kể tàu nhỏ. Khoảng 1/5 số tàu thuyền lớn của thế giới được đưa về để phá dỡ tại đây, cung cấp cho Bangladesh 2 triệu tấn thép/năm.
Một con tàu khổng lồ chờ được phá dỡ ở Chittagong (ảnh: The Guardian)
Công việc phá tàu khét tiếng là bấp bênh, độc hại và cực kỳ nguy hiểm. Hàng trăm công nhân phá tàu chết và bị thương mỗi năm ở Bangladesh, chủ yếu là không có hợp đồng lao động. Tử thần luôn rình rập họ khi sảy chân té ngã, bị vật nặng rơi đè lên người hoặc cháy nổ. Việc phá dỡ tàu cũng gây ô nhiễm nặng cho khu vực ven biển.
Hiếm có người nào làm công việc phá tàu được hơn 1 năm mà chưa từng bị thương hoặc ốm nặng, theo The Guardian.
Mollah phải làm việc 12 – 16 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần và không có ngày nghỉ. Anh được trả khoảng 250 bảng mỗi tháng (khoảng 7,6 triệu VNĐ). Mollah cố làm việc được 10 năm, sau đó anh chết khi ngã từ tầng 8 của một tàu chở dầu 300.000 tấn đang phá dỡ.
“Họ nói với tôi rằng anh ấy chết ngay lập tức, nhưng sau đó tôi phát hiện ra chồng mình chết trên đường tới bệnh viện”, Hamida Begum - vợ của Mollah - nói.
Vợ và con trai của Mollah được nhận khoảng bồi thường 500.000 taka Bangladesh (khoảng 137 triệu VNĐ).
Ngành công nghiệp phá tàu ở Bangladesh được đánh giá là xem nhẹ quy trình an toàn lao động nhất thế giới. Các bãi phá tàu luôn tiềm ẩn rủi ro cao đối với công nhân.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tuyên bố phá tàu là công việc nguy hiểm nhất thế giới. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, từ năm 1980, ít nhất 1.200 công nhân phá tàu được báo cáo là chết do tai nạn lao động.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã lên án và kêu gọi các quốc gia Nam Á phải có các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho công nhân làm việc ở các bãi phá tàu.
Công nhân phá tàu ở Chittagong không có đồ bảo hộ lao động (ảnh: The Guardian)
Thép từ những con tà bị phá dỡ là nguồn nguyên liệu cho ngành xây dựng. Nồi hơi, máy nén và phát điện từ tàu được sử dụng cho ngành may mặc và đánh cá. Gỗ từ tàu trở thành đồ nội thất. Ngay cả các chất độc hại như dầu nhớt, amiăng từ các con tàu cũ cũng được tận dụng.
Bangladesh được cho là nơi phá dỡ tàu giá rẻ nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong ngành phá tàu. Theo số liệu được công bố bởi các tổ chức bảo vệ người lao động, mỗi năm ít nhất có 20 công nhân phá tàu chết ở Bangladesh và hàng trăm khác người bị thương nặng.
Các chuyên gia lao động cáo buộc nhiều bãi phá tàu ở Bangladesh không có bảng lương hợp pháp, không có ngày nghỉ, chăm sóc y tế, lương tăng ca và không trang bị các thiết bị bảo hộ cho công nhân.
“Hầu hết các công nhân phá tàu bị ép làm việc theo ca 12 tiếng, liên tục suốt 7 ngày trong tuần”, Pahari Bhattacharjee – chuyên gia từ Viện Nghiên cứu lao động Bangladesh – cho biết.
80% lượng thép sử dụng trong công nghiệp Bangladesh đến từ việc phá tàu. Năm 2019, có 23 công nhân phá tàu chết ở Bangladesh.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình hình lũ lụt ở Giang Tây được đánh giá thuộc loại nghiêm trọng nhất Trung Quốc. Huyện Bà Dương, Giang Tây xảy ra...