Đêm mai, Việt Nam đón cực đỉnh mưa sao băng "song sinh"

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Mưa sao băng Orionid hoạt động từ đầu tháng 10, đến nay đã dày đặc hẳn và đang tiến dần đến điểm cực đỉnh với 15 sao băng mỗi giờ.

Theo định vị của trang Time and Date, từ TP HCM sẽ quan sát được đêm "cực đỉnh" của mưa sao băng Orionid năm nay vào đêm 21, rạng sáng ngày 22. Thời gian quan sát tốt nhất là khoảng 23 giờ khuya cho đến hừng đông ngày hôm sau.

Orionid là trận mưa sao băng thứ 2 trong năm do sao chổi nổi tiếng Halley tạo nên. Người anh em song sinh của nó chính là mưa sao băng Eta Aquarids, đổ xuống Trái Đất vào đầu tháng 5 vừa qua.

Mưa sao băng Orionid - Ảnh: BRIAN SPENCER

Mưa sao băng Orionid - Ảnh: BRIAN SPENCER

Sao chổi Halley đặt theo tên người phát hiện ra nó là nhà vật lý thiên văn Edmund Halley, có thể được quan sát từ Trái Đất mỗi 75-76 năm. Lần cuối cùng nó xuất hiện là năm 1986 và chỉ trở lại vào giữa năm 2061. Tuy nhiên mỗi năm, địa cầu 2 lần đi qua phần đuôi đá bụi của sao chổi này và tạo nên hiện tượng mưa sao băng.

Mưa sao băng Orionid lấy tên từ chòm sao Orion (Lạp Hộ, nghĩa là "thợ săn"), bởi trông như nó phát ra từ chòm sao này. Orion lấy theo tên một nhân vật giỏi săn bắn trong thần thoại Hy Lạp. Chòm sao mang hình ảnh người thợ săn, đứng gần 2 chòm sao "chó săn" của mình là Đại Khuyển (chòm sao Canis Major) và Tiểu Khuyển (Canis Minor), trông như đang đánh nhau với con trâu lớn là chòm sao Kim Ngưu (Taurus), bên cạnh còn có chú thỏ rừng Thiên Thố (chòm sao Lepus). Vì vậy muốn tìm kiếm mưa sao băng, hãy tìm kiếm cảnh tượng thần thoại này trên bầu trời.

Để quan sát mưa sao băng tốt nhất, các nhà khoa học hướng dẫn rằng bạn nên để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút bằng cách tránh xa ánh đèn và các loại màn hình. Tìm kiếm một nơi trống trải ví dụ như trên một ngọn đồi, sân thượng nhà cao tầng...

Nguồn: [Link nguồn]

Úc: Cảnh sao băng nổ tung rõ và to chưa từng thấy trên bầu trời

Ngôi sao băng với kích cỡ bằng chiếc ôtô lao với vận tốc hơn 44.000 km/h xuống Trái Đất trước khi bốc cháy và phát nổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Theo Space, Time and Date) ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN