Đề xuất triệt sản muỗi đực để ngăn virus "ăn não" Zika
Nhằm ngăn chăn sự lây lan của virus Zika ở Brazil, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Thế giới gợi ý việc triệt sản muỗi đực.
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA) cho biết Công nghệ Triệt sản Côn trùng (SIT) có thể ngăn chặn sự phát tán của loại virus đang khiến thế giới hoảng sợ này. Chuyên gia IAEA sẽ có buổi gặp mặt với chính quyền Brazil ngày 16.2 này để bàn bạc thêm về đề xuất.
Mexico, Guatemala và El Salvador là những quốc gia đang mong mỏi công nghệ mới từ phía tổ chức IAEA.
Muỗi Aedes là thủ phạm lan truyền virus Zika. Loại muỗi này cũng xuất hiện ở châu Á.
“Nếu Brazil thả ra những con muỗi đực đã triệt sản, ít nhất cũng phải mất vài tháng thì số lượng muỗi trong tự nhiên mới suy giảm”, Phó giám đốc IAEA Aldo Malavasi trả lời phóng viên ngày 2.2. Ông cho biết phương pháp diệt trừ muỗi này không nên để chần chừ thêm.
Muỗi nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ được xử lý bằng cách chiếu tia phóng xạ. Đó là tia Gamma hoặc tia X, khiến chúng trở nên vô sinh. Sau đó, muỗi đực được thả vào tự nhiên để ghép đôi với những con muỗi cái khác. Trứng muỗi sinh ra sẽ không thể nở thành bọ gậy nên số lượng loài muỗi trong tự nhiên sẽ sụt giảm.
“Đây được gọi là kế hoạch hóa gia đình dành riêng cho muỗi”, Jorrge Hendrichs, phụ trách Ban Kiểm soát Côn trùng gây hại ở IAEA nói.
Công nghệ triệt sản muỗi từng được thử nghiệm ở nhiều quốc gia. Theo phòng thí nghiệm ngăn ngừa côn trùng có hại của IAEA, Italia đã giảm được 80% số lượng muỗi trong tự nhiên chỉ trong vài tháng. Ở Trung Quốc, số lượng muỗi đã bị tiêu diệt 100%.
Những trường hợp trẻ em sơ sinh bị khiếm khuyết về não do nghi ngờ virus Zika đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia Mỹ Latinh từ tháng 12 năm ngoái. Gần 4.000 trẻ em được phát hiện có dấu hiệu teo não chỉ riêng ở Brazil. Châu Âu và châu Á cũng xuất hiện những trường hợp mắc virus Zika.
Ngày 1.2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố virus Zika trong tình trạng khẩn cấp toàn cầu và kêu gọi các hành động nhanh chóng của cộng đồng quốc tế.