Đây là lý do Trump dùng "mẹ các loại bom" dọa Triều Tiên
Loại bom khổng lồ Mỹ mới ném xuống Afghanistan có những đặc điểm rất phù hợp để sử dụng nếu Mỹ muốn tấn công Triều Tiên.
MOAB là siêu bom lớn nhất Mỹ từng sử dụng trong chiến đấu.
Theo CNN, chính quyền Afghanistan xác nhận có 36 phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở tỉnh Nangarhar, gần biên giới với Pakistan.
Quả bom GBU-43/B phá hủy ba hầm ngầm cũng như vũ khí và đạn dược, không có dân thường bị thương. Quân đội Mỹ ước tính IS có 600-800 phiến quân hoạt động trong khu vực.
Người phát ngôn Không quân Mỹ, Đại tá Pat Ryder khẳng định đây là loại bom phi hạt nhân lớn nhất mà Mỹ từng sử dụng trong chiến đấu.
Vũ khí phi hạt nhân đáng sợ
GBU-43/B hay còn gọi là “mẹ của các loại bom” (MOAB), là vũ khí phi hạt nhân do Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ phát triển từ năm 2002-2003. Vào thời điểm được đưa vào biên chế, nó được coi là vũ khí thông thường mạnh nhất thế giới.
Bom MOAB có chiều dài 9,17m, đường kính 103m, nặng khoảng 10 tấn và được nhồi 8,5 tấn thuốc nổ mạnh H6 gồm hợp chất RDX , TNT và bột nhôm. Theo nguồn tin của quân đội Mỹ, siêu bom này cho sức nổ tương đương 11 tấn TNT.
Siêu bom được thử nghiệm thành công 5 lần ở cơ sở không quân Eglin Air Force Base, bang Florida vào tháng 3.2003 và trải qua những cuộc kiểm tra khác vào giữa tháng 11 cùng năm.
Được xếp vào dạng bom nhiệt áp, GBU-43/B có khả năng phá hủy mục tiêu bằng sóng xung kích cũng như hút hết dưỡng khí trong khu vực nổ, khiến đối phương trong hang động, đường hầm và các hầm bị chết ngạt.
Mỗi quả MOAB có giá lên tới 16 triệu USD.
“Điều mà quả bom khổng lồ này có thể làm là hút hết dưỡng khí trong hệ thống ngầm dưới lòng đất và soi sáng không khí bằng lửa”, Bill Roggio, chuyên gia về quân sự Mỹ nói. “Đó là cách để tiếp cận đến những khu vực mà quả bom thông thường không thể tới”.
Sau khi được thả từ độ cao lớn, GBU-43/B tăng tốc trong quá trình rơi xuống mục tiêu và sử dụng hệ thống dẫn đường GPS để tăng độ chính xác. Khi cách mục tiêu khoảng 1,8 mét, ngòi nổ Tritonal gồm bột nhôm trộn với thuốc nổ TNT sẽ được kích hoạt, tạo ra một đám mây bột nhôm dạng nấm bao phủ bán kính 10 mét quanh điểm nổ.
Chưa đến một giây, đám mây bột nhôm bắt cháy, tạo thành quả cầu lửa khổng lồ siêu nóng, thiêu đốt và hút sạch dưỡng khí trong bán kính hàng trăm mét xung quanh, khiến tất cả những người ở trong phạm vi ảnh hưởng chết ngay lập tức trong đau đớn. Việc sử dụng bột nhôm giúp tăng uy lực của thuốc nổ TNT lên khoảng 20%.
Ngay sau đó, khối thuốc nổ hơn 8 tấn tạo ra sóng xung kích khổng lồ di chuyển với tốc độ âm thanh, làm bốc hơi các sinh vật sống trong phạm vi hơn 900 mét. Sức ép sẽ hủy diệt mọi sự sống trong bán kính 1,6km, san phẳng nhà cửa, cây cối, phá hủy xe cơ giới hạng nhẹ. Những chiếc xe tăng hay xe tải hạng nặng ở cách điểm nổ tới 2,7km cũng có thể bị sóng xung kích thổi bay.
Sóng xung kích này đủ sức làm sập các hang động, đường hầm, căn cứ dưới lòng đất, vùi lấp tất cả những người bên trong.
Do có kích thước và khối lượng lớn, GBU-43/B phải được thả từ các máy bay vận tải hạng nặng như C-130. Mỗi quả siêu bom có giá lên tới 16 triệu USD.
Năng lực răn đe Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự cứng rắn đối với Triều Tiên.
Theo New York Daily News, với những tính năng như vậy, bom MOAB không phù hợp để sử dụng chống khủng bố tại Afghanistan.
Sỹ quan quân sự Mỹ David Petraeus nhận định, sức hủy diệt trên diện rộng của quả bom không phù hợp nếu như khủng bố trà trộn vào dân thường, hay xây đường hầm bên trong thành phố.
Mục đích của cuộc chiến Afghanistan cũng khá rõ ràng, Mỹ và đồng minh cần phải thuyết phục được đa số người dân ở các vòng hẻo lánh, chứ không phải chiếm đất bằng vũ lực. Theo sỹ quan Petraeus, mạng lưới đường hầm của IS ở vùng hẻo lánh Nangarhar, Afghanistan, giáp biên giới Pakistan, là địa điểm lý tưởng hiếm hoi để Mỹ dùng siêu bom MOAB.
Đó là lý do chứng minh, Mỹ không hoàn toàn nhắm vào IS khi sử dụng quả bom thông thường có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay. Một khi IS bị tiêu diệt ở Syria và Iraq, những mạng lưới của nhóm khủng bố này ở Afghanistan hay Nigeria cũng sẽ sớm biến mất.
New York Daily News phân tích, bom MOAB là vũ khí hiệu quả để Mỹ phô trương sức mạnh quân sự, đối với các quốc gia đang “gây rắc rối” với Washington. Cụ thể hơn, quả bom chính là lời cảnh báo sắc lạnh đến Triều Tiên.
Bom MOAB được chế tạo trong chiến tranh Iraq, là công cụ để xuyên thủng và phá hủy cơ sở hạt nhân, cơ sở hóa học ngầm dưới lòng đất. Mỹ đã tính việc sử dụng siêu bom khổng lồ này nếu như quân đội Iraq không đầu hàng.
Hầm ngầm Triều Tiên xây dựng nhằm bí mật điều quân sang Hàn Quốc.
“MOAB nằm trong chiến lược răn đe tâm lý của Mỹ, tạo ra vụ nổ cực lớn khiến quân đội của nhà độc tài Saddam Hussein khiếp sợ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Trumsfeld khi đó nói. “Mục đích là gây áp lực chưa từng có để buộc Saddam Hussein phải hợp tác”.
Hiện tại, Iran có cơ sở hạt nhân Natanz sâu 8 mét dưới lòng đất trong khi Triều Tiên từ lâu cũng phát triển cơ sở hạt nhân ngầm, tránh sự theo dõi của Mỹ.
Chuyên gia Mỹ Gordon Chang nhận định, việc thả bom GBU-43B, quả bom phi hạt nhân lớn nhất của Mỹ, xuống Afghanistan chắc chắn sẽ gửi một thông điệp tới Triều Tiên, rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ đối mặt với điều tương tự nếu cố gắng thử hạt nhân.
Theo ông Chang, mục tiêu của bom GBU-43B có thể gồm cả các đường hầm của Triều Tiên, nơi có "một bộ phận đáng kể của quân đội Triều Tiên đang ẩn náu".
Trong quá khứ, Hàn Quốc đã phát hiện 4 đường hầm Triều Tiên đào sang biên giới ở khu vực phi quân sự. Những căn hầm này được cho là có thể giúp Triều Tiên huy động 30.000 quân sang Hàn Quốc chỉ trong vài giờ.
Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson cùng hàng chục chiến đấu cơ, tàu chiến sẵn sàng nhận lệnh oanh tạc Triều Tiên, liệu...