Đâu là các cường quốc quân sự trong thế giới nhiều biến động 2023?

Mỹ, Nga, Trung Quốc tiếp tục là ba cường quốc quân sự hàng đầu trong “năm chiến tranh” 2023.

Đầu tuần này, chuyên trang quân sự Global Firepower đã cập nhật bảng xếp hạng thường niên về sức mạnh quân sự của các nước, công bố 145 quốc gia và vùng lãnh thổ có năng lực quân sự mạnh nhất trong năm 2023.

Bảng xếp hạng được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở nhiều khu vực khiến các nước và vùng lãnh thổ đẩy mạnh đầu tư cho năng lực quốc phòng.

Những cường quốc quân sự năm 2023

Dựa trên hàng loạt yếu tố khác nhau như mức độ phức tạp của thiết bị quân sự, tài chính, vị trí địa lý và tài nguyên của quốc gia và vùng lãnh thổ, Global Firepower đã đưa ra những cái tên dẫn đầu về năng lực quân sự.

Global Firepower xếp Việt Nam ở vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng của mình. Chuyên trang đánh giá cao tổng nhân lực quân sự tại ngũ và đội pháo tự hành của Việt Nam.

Đứng đầu danh sách của Global Firepower chính là Mỹ. Theo chuyên trang này, Washington sở hữu “những con số vượt trội trên các tiêu chí vũ khí, tài chính và tài nguyên”. Cụ thể, tính đến tháng 7, Mỹ có 92 tàu khu trục và 11 tàu sân bay, không quân Mỹ cũng là lực lượng không quân mạnh nhất thế giới với 13.300 máy bay và 983 trực thăng tấn công. Ngoài ra, Mỹ cũng là nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất với hơn 750 tỉ USD.

Các vị trí tiếp theo thuộc về Nga và Trung Quốc (TQ). Global Firepower xếp Nga ở vị trí thứ hai về sức mạnh quân sự nhờ uy thế của đội máy bay và đội vận tải của nước này bất chấp các hao hụt trong cuộc chiến với Ukraine, tuy nhiên chuyên trang lưu ý rằng TQ đang tiến gần hơn đến vị trí á quân.

“TQ có lợi thế đặc biệt về kinh tế và nhân lực cùng với quyết định tập trung tăng cường khả năng tác chiến trên bộ, hải quân và không quân. Nếu xu hướng này tiếp tục, TQ sẽ trở thành đối thủ quân sự toàn cầu chính của Mỹ” - theo đánh giá được ghi trong bảng xếp hạng.

Xếp sau TQ là nước láng giềng Ấn Độ. Quốc gia Nam Á được đánh giá cao nhờ quy mô nhân lực quân sự tại ngũ và sức mạnh của lực lượng bán quân sự. Global Firepower cho biết tính đến tháng 6, nhân lực quân đội của Ấn Độ là hơn 653 triệu người, chiếm 47% dân số và có gần 1,5 triệu quân nhân tại ngũ.

Quân đội Mỹ tập trận tại Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Yuma, bang Arizona (Mỹ) hồi tháng 2. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Quân đội Mỹ tập trận tại Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Yuma, bang Arizona (Mỹ) hồi tháng 2. Ảnh: THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Vị trí thứ năm thuộc về Anh - quốc gia có lực lượng quân đội tinh nhuệ, tiêu biểu là lực lượng Không quân Hoàng gia, cùng điểm tựa tài chính vững chắc. Bên cạnh đó, Anh cũng là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ và tiếp tục đóng góp lớn cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong năm 2023.

Hàn Quốc đứng vị trí thứ sáu là điều mà Global Firepower mô tả là “không có gì đáng ngạc nhiên” vì nước này vẫn đang vướng vào căng thẳng kéo dài hàng thập niên với Triều Tiên. Seoul cũng được ca ngợi về năng lực của đội máy bay, đội thiết giáp và sức mạnh trực thăng.

Đáng chú ý trong bảng xếp hạng là Pakistan khi nước này đã tiến từ hạng chín vào năm 2022 lên vị trí thứ bảy trong năm nay. Theo Global Firepower, căng thẳng biên giới với Afghanistan, TQ, Ấn Độ và Iran chính là nguyên nhân thúc đẩy Pakistan tăng cường sức mạnh quân đội. Các vị trí còn lại trong top 10 gồm Nhật Bản, Pháp và Ý.

“Năm chiến tranh” 2023

Đáng chú ý đây là bảng xếp hạng của năm 2023 - năm mà hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới mô tả là “năm chiến tranh”.

Trong năm nay, những căng thẳng có từ lâu đời tiếp tục âm ỉ và thậm chí một số đã bùng phát thành xung đột vũ trang. Chiến tranh Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt thì xung đột Israel - Hamas nổ ra và cho thấy dấu hiệu lan rộng ở Trung Đông.

Khi người dân châu Phi đang vật lộn với hàng loạt cuộc đảo chính thì tại Đông Nam Á, người dân Myanmar cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải liên tục di dời do giao tranh. Bạo lực liên quan đến buôn bán ma túy tiếp diễn ở Trung và Nam Mỹ. Còn Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, vẫn xem nhau là mối đe dọa. Trong khi kho vũ khí nguyên tử của Triều Tiên tiếp tục phát triển thì Iran đang làm giàu uranium gần cấp độ vũ khí hơn bao giờ hết, theo hãng tin AP.

“Xung đột ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn và khó giải quyết hơn. Những lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân lại xuất hiện. Các lĩnh vực xung đột và vũ khí chiến tranh tiềm năng mới đang tạo ra những cách thức mới hướng nhân loại đến sự tự hủy diệt” - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận xét về tình hình thế giới trong một bài phát biểu hồi tháng 7.

Trước tình hình này, việc các quốc gia tăng chi tiêu quân sự là điều dễ hiểu. Một báo cáo công bố hồi tháng 4 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.240 tỉ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023.

Trong năm 2024, giới quan sát cho rằng các nước vẫn sẽ tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2024, theo đó sẽ tăng 3,3% chi tiêu quốc phòng năm 2024 so với năm 2023, NATO cũng thông báo tăng ngân sách quốc phòng cho năm tới thêm 12%, nổi bật nhất là Nga với mức tăng dự kiến là 68% trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức cảnh báo xung đột Nga - châu Âu sẽ leo thang

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và châu Âu sẽ leo thang vào cuối thập niên này, đài Euronews đưa tin ngày 18-12. “Những lời đe dọa từ Tổng thống Nga Vladimir Putin cần được xem xét nghiêm túc. Chúng ta có thể phải đối mặt với những nguy hiểm vào cuối thập niên này” - ông Pistorius nói.

Vị bộ trưởng kêu gọi các nước châu Âu củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và thích ứng với những thay đổi địa chính trị, đặc biệt là trước khả năng Mỹ sẽ giảm tham gia quân sự ở châu Âu. “Bây giờ chúng ta có khoảng 5-8 năm để bắt kịp cả về lực lượng vũ trang, ngành công nghiệp quốc phòng và xã hội” - ông Pistorius nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Ba Lan trên đà trở thành cường quốc quân sự

Ba Lan đang trên đà trở thành cường quốc quân sự phi hạt nhân lớn và hiện đại nhất của châu Âu. Tháng 7-2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak tuyên bố, Ba Lan sẽ có “lực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN