Dấu hiệu lạ từ video quân đội Ukraine phóng loạt đạn tên lửa HIMARS
Quân đội Ukraine gần đây công bố video mới về đợt khai hỏa của hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS, trong đó hé lộ tính năng đặt biệt của loại vũ khí uy lực do Mỹ hỗ trợ này.
Video dài khoảng một phút, quay cảnh hai xe phóng HIMARS đã bắn tổng cộng khoảng 8-9 đạn tên lửa. Mở đầu video, một binh sĩ Ukraine đứng trong khung hình, ra dấu hiệu rằng hệ thống HIMARS sắp khai hỏa.
Khác với các video pháo phản lực Nga khai hỏa, trong đó tất cả đạn rocket đều bay về một hướng, đạn tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS ngay lập tức thay đổi hành trình và mỗi tên lửa có đường bay khác nhau. Có tên lửa còn uốn lượn trên bầu trời chứ không bay theo hướng cố định.
Tờ EurAsian Times của Ấn Độ dẫn nguồn từ một chuyên gia quân sự Nga giấu tên cho biết, đây là cách để hệ thống HIMARS gây khó dễ cho các hệ thống radar phản pháo.
Mỗi quả đạn tên lửa HIMARS có tầm bắn khoảng 80km và có giá 60.000 USD.
Đạn tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS là rocket/tên lửa dẫn đường sử dụng hệ thống định vị bằng GPS. Tên lửa thay đổi hành trình ngay lập tức khiến các hệ thống radar phản pháo trong phạm vi hoạt động gặp khó khăn khi tính toán quỹ đạo bay của các vật thể để xác định nguồn phóng. Các radar phản pháo của Nga hiện nay có thể phát hiện tên lửa phóng từ các hệ thống pháo phản lực ở khoảng từ 32-45km.
Theo chuyên gia Nga, không phải tất cả hệ thống HIMARS của Mỹ đều phóng đạn tên lửa theo cách này khi chiến đấu. Đây là phương pháp được quân đội Ukraine áp dụng để bảo vệ các xe phóng HIMARS trước nguy cơ pháo binh Nga phát hiện vị trí và giáng đòn đáp trả.
Trả lời trên tờ EurAsian Times, thiếu tướng Ấn Độ về hưu, Harsha Kakar nói rằng, về cơ bản, tất cả các hệ thống pháo phản lực sử dụng đạn rocket/tên lửa dẫn đường đều có tính năng thay đổi hành trình ngay sau khi phóng.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 16 xe phóng HIMARS.
Một lợi thế khác của hệ thống HIMARS là trọng lượng nhẹ hơn đáng kể so với các pháo phản lực khác, di chuyển cơ động giúp giảm khả năng bị đối phương phát hiện sau khi khai hỏa, ông Kakar nói.
Thiếu tướng Ấn Độ về hưu Kakar cũng lưu ý rằng, cho đến nay Ukraine chủ yếu sử dụng hệ thống HIMARS để tấn công mục tiêu cố định như cầu đường, đường sắt, kho đạn, kho nhiên liệu và trung tâm chỉ huy Nga ở tiền tuyến. "HIMARS có khả năng tấn công các mục tiêu di động. Nhưng năng lực này chưa được kiểm chứng ở Ukraine", ông Kakar nói.
Theo New York Times, pháo phản lực HIMARS giúp quân đội Ukraine sở hữu bệ phóng tên lửa dẫn đường chính xác ở khoảng cách 80km mà không cần đến sức mạnh của các máy bay chiến đấu.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự xuất hiện của hệ thống HIMARS trong xung đột ở Ukraine đã xóa nhòa ranh giới giữa rocket và tên lửa tầm xa.