Dấu hiệu đáng lo của kinh tế Trung Quốc
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 ở Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4-2023, theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia (NBS)
Bloomberg gọi tình trạng này là "dấu hiệu nguy hiểm" đối với nền kinh tế, cho thấy những khó khăn trong việc tiếp nhận lao động mới ngay cả khi lực lượng lao động nói chung giảm.
Tỉ lệ 20,4% của tháng 4 tăng từ mức 19,6% của tháng 3-2023, vượt qua kỷ lục 19,9% của mùa hè năm ngoái dù tỉ lệ thất nghiệp nói chung ở đô thị là 5,2% trong tháng 4, giảm nhẹ so với mức 5,3% của tháng 3. Áp lực sẽ còn nặng hơn nữa vào mùa hè này khi khoảng 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học.
Tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tiếp tục tăng bất chấp lực lượng lao động của Trung Quốc đã giảm hơn 41 triệu người trong 3 năm qua - từ 774,7 triệu người được tuyển dụng trong năm 2019 còn 733,5 triệu người trong năm 2022 - hậu quả của thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 và sự già hóa dân số. Theo Ngân hàng Thế giới, con số này gần bằng toàn bộ lực lượng của Đức - khoảng 44 triệu người vào năm 2021.
Trong những tuần qua, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn đà "lây lan" của tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Các công ty nhà nước được yêu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ít nhất là bằng năm ngoái, công ty tuyển dụng nhiều có thể được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn thận trọng chờ xem tình hình kinh tế trước.
Dây chuyền sản xuất xe điện của Leapmotor tại một nhà máy ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc hôm 26-4 Ảnh: REUTERS
Dữ liệu thất nghiệp nêu trên nằm trong "những con số thấp hơn kỳ vọng" được công bố ngày 16-5, cho thấy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc vẫn chưa ổn định.
"Các hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến trong tháng 4. Tốc độ tăng trưởng tổng thể cao nhưng đó là do so với mức quá thấp hồi năm ngoái. Cộng với tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ đã tăng trên 20%, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại" - ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý đầu tư Pinpoint (Trung Quốc), nói với tờ South China Morning Post.
Trước đó, các nhà kinh tế của Reuters dự kiến trong tháng 4-2023, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ tăng lần lượt 10,9% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, công bố ngày 16-5 từ NBS cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 4 chỉ tăng 5,6% và doanh số bán lẻ tăng cũng chỉ tăng 18,4% (và giảm tận 7,8% so với tháng 3). Đầu tư tài sản cố định tăng 4,7% so với năm ngoái, thấp hơn mức kỳ vọng 5,5%. Đầu tư vào bất động sản cũng giảm 6,2% trong 4 tháng đầu năm nay.
"Nhìn chung, trong tháng 4, nền kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi, các yếu tố tích cực được tích lũy và gia tăng. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy môi trường quốc tế còn phức tạp và gay gắt, nhu cầu trong nước chưa đủ, động lực nội sinh để phục hồi kinh tế chưa mạnh" - NBS nhận định.
Theo ông Zhang Zhiwei, một số nhà nghiên cứu thị trường đã kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp chính sách hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước nhưng chính phủ có vẻ miễn cưỡng. "Mục tiêu tăng trưởng cho năm nay được đặt ở mức thấp, điều này tạo cơ hội cho chính phủ chờ và theo dõi" - ông nhận xét.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Hui Shan của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) nói với kênh CNBC rằng tâm lý thị trường ở Trung Quốc vẫn còn rất yếu. Vì vậy, bà mong đợi nhiều biện pháp cải thiện niềm tin từ chính phủ hơn.
Theo NBS, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung khôi phục và đẩy mạnh nhu cầu, qua đó nâng cao hiệu quả chất lượng và tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế.
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo quan hệ với Trung Quốc sẽ tệ hơn nếu nước này có hành vi thiên vị Nga; EU sẽ thay đổi lập trường tiếp cận với Trung Quốc để giảm sự phụ...
Nguồn: [Link nguồn]