Đau đầu nâng cấp vaccine chống biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm
Các vaccine hiện tại ít hiệu quả trong việc ngừa biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Thời gian qua, việc xuất hiện nhiều biến thể mới và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 gây phức tạp thêm nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Các biến thể B1351 xuất hiện ở Nam Phi, B1117 ở Anh và P1 ở Brazil có tốc độ lây lan nhanh hơn hẳn chủng gốc trong khi độc tố vẫn giữ nguyên hoặc tăng cao hơn.
Người dân Nam Phi đi ngang qua một bảng tuyên truyền về vaccine COVID-19 ở thủ đô Cape Town hồi tháng 1-2021. Ảnh: AP
Lo ngại biến thể mới kháng vaccine
Đáng lo ngại hơn, B1351 và P1 đều mang đột biến E484K giúp bảo vệ các biến thể này khỏi một số kháng thể trong vaccine ngừa COVID-19 được bào chế và sử dụng hiện nay. Trước đó, tạp chí khoa học Nature đã dẫn các nghiên cứu công bố liên tiếp gần đây ghi nhận biến thể B1351 và P1 còn có khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch tạo ra do vaccine và lần nhiễm bệnh COVID-19 trước (gây ra do chủng virus cũ).
Hãng tin Reuters ngày 30-1 dẫn báo cáo từ hai hãng dược Novavax và Johnson & Johnson (Mỹ) cảnh báo con đường tìm kiếm và sản xuất được loại vaccine COVID-19 hiệu quả nhất còn rất dài ở phía trước. Cụ thể, báo cáo Novavax cho biết vaccine của hãng này khi đem thử cho chủng SARS-CoV-2 gốc thì hiệu quả bảo vệ đạt 90% nhưng khi thử với biến thể B1351 thì hiệu quả giảm gần một nửa, xuống còn 49%. Báo cáo của Johnson & Johnson cũng cho kết quả tương tự, thử với chủng gốc thì đạt hiệu quả 72% nhưng khi đem qua B1351 thì giảm xuống còn 57%.
Ngày 31-1, các quan chức y tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) có buổi thảo luận trực tuyến với đại diện các hãng dược lớn trên thế giới về việc nhanh chóng phát triển, sản xuất và phê duyệt vaccine ngừa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại EU, theo hãng tin AP.
“Bộ mặt của đại dịch toàn cầu đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta bước vào một cuộc chiến mới trong năm 2021 mà nếu không tìm ra giải pháp xử lý vấn đề vaccine không có tác dụng với biến thể mới thì lượng người thiệt mạng vì dịch bệnh sẽ còn kinh khủng hơn năm 2020” - BS Dan Barouch, một thành viên thuộc đội ngũ nghiên cứu vaccine của Johnson & Johnson, cảnh báo.
Trong khi đó, các hãng dược đã có vaccine được nhiều quốc gia đặt mua và đưa vào sử dụng là Moderna (Mỹ), Pfizer/BioNTech (Mỹ và Đức) vẫn chưa công bố số liệu cụ thể về độ hiệu quả của vaccine khi đem tiêm cho bệnh nhân nhiễm biến thể mới. Tuy nhiên, Reuters cho biết các nhà khoa học Mỹ cũng có chung lo ngại rằng các vaccine này có thể không đủ khả năng kháng lại biến thể mới và đang cấp tốc tìm kiếm giải pháp nâng cấp, thay thế.
Một trong những giải pháp đối phó lo ngại này, theo Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ - TS Anthony Fauci ngày 30-1, Mỹ và các quốc gia khác phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine hàng loạt để tạo miễn dịch cộng đồng. Ông giải thích rõ: “Nếu virus không lây nhiễm thêm được thì nó không thể đột biến thêm chủng mới, giảm sự phụ thuộc vào việc tìm ra vaccine mới”.
Theo Reuters, Mỹ hiện đang tiêm vaccine cho trung bình 1,2 triệu người/ngày. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng tốc độ này vẫn còn quá chậm bởi không biết các loại biến thể vượt trội nào sẽ xuất hiện vào thời điểm chiến dịch tiêm vaccine ở giai đoạn quan trọng.
Thế giới lại bước vào phong tỏa vì biến thể mới
Trong lúc chờ đợi giới y khoa tìm ra chìa khóa cho bài toán nâng cấp vaccine chống lại biến thể SARS-CoV-2 mới, một số quốc gia tiếp tục tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội tại khu vực đang có dịch, đóng cửa biên giới với các quốc gia có dịch để ngăn biến thể mới lây lan mất kiểm soát.
Đơn cử, ngày 31-1, nhà chức trách Úc tuyên bố phong tỏa Perth, TP đông dân thứ tư tại nước này sau khi một nhân viên an ninh bảo vệ một khách sạn được dùng làm nơi cách ly kiểm dịch xét nghiệm dương tính với biến thể B117. Như vậy, Úc chấm dứt thành tích 10 tháng liên tiếp không ghi nhận thêm ca bệnh nào, theo tờ The Guardian.
Ở Bồ Đào Nha, tình hình dịch ở nước này đang diễn biến rất nghiêm trọng khi biến thể B117 lây nhiễm cả vào hàng ngũ nhân viên y tế trong khi số giường bệnh trên toàn quốc đang rất ít. Hiện chính phủ Bồ Đào Nha kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 14-2 cũng như siết chặt kiểm soát dòng người ra vào ở các bến cảng, sân bay, theo đài BBC.
Ở Hàn Quốc, ngày 31-1, Thủ tướng Chung Sye-kyun thông báo gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa cho đến hết kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Kể từ ngày 8-12 năm ngoái, Hàn Quốc đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2,5 - mức cao thứ hai trong thang bậc năm cấp - ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các lệnh cấm tụ tập từ năm người trở lên đã được áp dụng hầu như trên toàn quốc. Theo đài CNN, Hàn Quốc đến nay đã ghi nhận ít nhất 15 ca nhiễm biến thể B1351 và B1351 mới, dù tình hình vẫn chưa đến mức mất kiểm soát.
Vẫn còn hy vọng đẩy lùi biến thể mới Nhà virus học Paul Bieniasz thuộc ĐH Rockefeller (Mỹ) cho biết việc biến đổi khiến virus học được cách kháng lại vaccine. Theo thời gian, nó có thể làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng không phải ngay lập tức. Ông Bieniasz đánh giá SARS-CoV-2 là loại virus tương đối ổn định nhưng cũng đã cho thấy khả năng thích nghi của nó. Mỗi lần truyền từ người này sang người khác, virus lại có cơ hội đột biến. Điều quan trọng với chúng ta hiện nay là không đánh giá thấp virus. Dù tình hình hiện tại chưa tìm ra vaccine kháng lại hoàn toàn các biến thể mới nguy hiểm, tờ The Washington Post cho rằng không nên từ bỏ hy vọng bởi nhiều chuyên gia chỉ ra virus vẫn đang biến đổi khá chậm chạp. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học đang phối hợp nghiên cứu để tìm ra cách ngăn chặn sự lây lan từ các biến thể mới của Covid-19 được...