Đặt lên bàn cân Leopard 2 và M1 Abrams: 2 dòng xe tăng hạng nặng Đức và Mỹ sắp gửi Ukraine
Sau nhiều bất đồng, cuối cùng Đức và Mỹ đã đồng ý viện trợ xe tăng Leopard 2 và M1 Abrams cho Ukraine, cùng so sánh các thông số kỹ thuật của 2 dòng xe tăng này để thấy sức mạnh của chúng.
Sau khi Đức đồng ý chuyển giao xe tăng hạng nặng Leopard 2 do nước này sản xuất cho Ukraine, Mỹ cũng cho biết sẽ viện trợ xe tăng chủ lực M1 Abrams cho Kiev. Động thái được xem như tin vui lớn cho chính quyền Kiev sau nhiều tuần bất đồng trong nội bộ phương Tây liên quan việc chuyển giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine.
Trước đó, chính phủ Đức không muốn gửi Leopard 2 vì lo ngại sẽ làm leo thang căng thẳng với Nga. Berlin muốn Washington chuyển giao M1 Abrams trước.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho rằng sử dụng xe tăng M1 Abrams của Mỹ sẽ đặt ra những thách thức hậu cần đáng kể cho Ukraine, vì xe tăng này chạy bằng nhiên liệu máy bay phản lực chứ không phải dầu diesel như Leopard 2.
Hiện Đức đã đồng ý đưa 14 chiếc Leopard 2 và Mỹ đồng ý chuyển giao 31 chiếc M1 Abrams đến Ukraine.
Các chỉ huy lực lượng Ukraine tin rằng khoảng 300 xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây sẽ đủ để giúp quân đội nước này đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ trong những tháng tới.
Dưới đây là những so sánh về các thông số kỹ thuật quan trọng của hai loại xe tăng Leopard 2 và M1 Abrams, theo tờ Newsweek.
Xe tăng Leopard 2 của Đức và M1 Abrams của Mỹ. Ảnh: AL-JAZEERA
Lịch sử
Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 của Đức, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1979, trước M1 Abrams 1 năm. Từ đó đến nay, Đức đã phát triển khoảng 3.600 chiếc. Xe tăng này từng phục vụ trong chiến tranh Afghanistan và nội chiến Syria.
Leopard 2 do nhà sản xuất Krauss-Maffei thiết kế. Pháo do công ty Rheinmetall và động cơ do công ty MTU Friedrichshafen chế tạo.
Hiện có 3 quốc gia được cấp giấy phép sản xuất Leopard 2 và 21 quốc gia vận hành loại xe tăng này dưới nhiều hình thức khác nhau. Biến thể phổ biến nhất là Leopard 2A4, với phiên bản gần đây nhất là Leopard 2A7+.
M1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ 3. Tính đến nay, có khoảng 10.700 chiếc M1 Abrams và các biến thể đã được chế tạo. Dòng xe tăng này từng tham gia chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq, nội chiến Yemen cùng nhiều cuộc chiến khác.
Hiện có 9 quốc gia đang sử dụng xe tăng M1 Abrams. Phiên bản tiên tiến nhất của nó là M1A2 Abrams SEP.
Dòng xe tăng này do Chrysler Defense chế tạo đầu tiên (hiện là tập đoàn General Dynamics Land Systems).
Tính cơ động
Một chiếc Leopard 2A4. Ảnh: KMW
Leopard 2A4 - biến thể tối tân nhất được gửi tới Ukraine - có tốc độ tối đa khoảng 68 km/giờ khi tiến về phía trước và 31 km/giờ khi đi lùi. Biến thể này nặng khoảng 52 tấn, khi trang bị vũ khí nó nặng 55 tấn.
Leopard 2A4 sở hữu động cơ diesel tăng áp kép, 12 xi-lanh, công suất 1.500 mã lực với dung tích 1.160 lít giúp nó có thể di chuyển trung bình hơn 278 km trước khi cần tiếp nhiên liệu.
Trong khi đó, xe tăng M1A2 Abrams SEP có tốc độ tối đa về phía trước là 67,5 km/giờ và tốc độ lùi là 40 km/ giờ. Trọng lượng từ 69,5 tấn đến 73,6 tấn tùy thuộc vào các biến thể khác nhau.
M1A2 SEP sử dụng động cơ turbine khí đa nhiên liệu 1.500 mã lực, có thể di chuyển tối đa khoảng 425 km trước khi cần tiếp nhiên liệu.
Cả Leopard 2A4 và M1A2 SEP đều có kíp lái 4 người: chỉ huy, xạ thủ, người nạp đạn và lái xe.
Vỏ bảo vệ
Vỏ giáp của Leopard 2A4 là hỗn hợp thép và vonfram. Các biến thể hiện đại hơn có thêm lớp giáp bảo vệ bằng titan và vonfram được bổ sung vào khu vực tháp pháo và lớp bảo vệ bổ sung ở bụng.
M1A2 SEP của Mỹ được trang bị các miếng chèn uranium, giáp Chobham và giáp ở thân và tháp pháo. Dòng xe sở hữu giáp thanh, giáp phản ứng nổ và các hệ thống bảo vệ tích cực khác (nếu cần).
Cả hai loại xe tăng đều thể hiện sự bền bỉ trên chiến trường. Leopard 2 đã gây ấn tượng với khả năng “sống sót” sau các cuộc tấn công chống tăng và thiết bị nổ tự chế ở Afghanistan.
Không có chiếc Abrams nào do Mỹ vận hành từng bị tiêu diệt trước hỏa lực của kẻ thù, mặc dù một số đã bị hủy do hỏa lực đồng minh hoặc bị lực lượng đồng minh tiêu diệt để tránh bị địch thu giữ. Các phiên bản xuất khẩu của Abrams kém tinh vi hơn từng bị phá hủy khi quân đội Iraq và Saudi Arabia vận hành.
Hỏa lực
Một chiếc M1A2 Abrams tại trường quân sự Fort Benning, bang Georgia (Mỹ) ngày 29-4-2022. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ
Chiếc Leopard 2A4 được trang bị pháo nòng trơn 120mm và 2 súng máy MG3A1 7,62 mm - một súng lắp ở cửa sập của bộ nạp đạn và súng còn lại lắp bên trái vũ khí chính. Vũ khí trên Leopard 2A4 có tầm bắn gần 5 km, với các hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại và đạn dược chuyên dụng tầm bắn có thể nâng lên gấp đôi.
Xe tăng hạng nặng của Đức thể mang tối đa 42 quả pháo 120mm và 4.750 viên đạn 7,62mm.
Trong khi đó, dòng xe M1A2 SEP của Mỹ được trang bị 1 khẩu pháo nòng trơn M256A1 120mm có tầm bắn 4 km và 3 súng máy, gồm: một súng máy hạng nặng 12,7mm chứa tới 900 viên đạn và 2 súng máy 7,62mm chứa 10.400 viên đạn. Xe tăng này có thể mang theo 40 quả pháo loại 120mm.
Nhìn chung, Leopard 2 và M1 Abrams không có nhiều khác biệt, khác biệt lớn nhất của chúng nằm ở động cơ. 2 xe tăng này cùng với chiếc K2 Black Panther của quân đội Hàn Quốc được trang Business Insider chọn là 3 chiếc xe tăng tốt nhất thế giới.
Với việc Ukraine sắp có 2 dòng xe tăng này, quân đội Nga chắc chắn phải dè chừng.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc thiếu một thành phần quan trọng có thể khiến các xe tăng Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine dễ bị tổn thương hơn khi trúng hỏa lực của Nga.