Đáp trả ám sát: Iran sẽ không ‘mắc bẫy vội vàng’

Sự kiện: Tin tức Iran

Iran lúc này được cho là đang thận trọng tính toán cách thức, thời điểm ra đòn trả đũa và khả năng chỉ ra tay sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, chuyển giao quyền lực lại cho ông Biden.

Hai ngày sau khi nhà khoa học hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát thì tới một tư lệnh cấp cao của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng vì không kích. Hãng tin AP dẫn nhiều nguồn tin quan chức Iraq cho biết vụ việc xảy ra tối 30-11 gần biên giới nước này với Syria. Viên tư lệnh cấp cao và ba người tùy tùng thiệt mạng khi xe chở họ đi từ biên giới Iraq vào lãnh thổ Syria bị một máy bay không người lái không kích.

Iran chưa lên tiếng về vụ việc mới này. Tuy nhiên, với vụ ông Fakhrizadeh thì chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Israel là thủ phạm. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi năm 2018 từng đề cập tên ông Fakhrizadeh tại một cuộc họp báo với cụm từ “nhớ lấy cái tên này”.

Iran sẽ đáp trả nhưng không “mắc bẫy vội vàng”

Kênh Press TV ngày 30-11 thông tin “các vũ khí thu được tại hiện trường khủng bố có logo và các đặc điểm nhận dạng của ngành công nghiệp quân sự Israel”. Ông Ali Shamkhani - Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran nói “đây là vụ ám sát rất phức tạp được thực hiện với các thiết bị điện tử điều khiển từ xa”. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin quan chức Iran cấp cao đề nghị không nêu tên cho biết có một nhóm đối lập ở Iran bị nghi thông đồng với Israel trong vụ ám sát ông Fakhrizadeh.

Tiêu điểm

Ngày 30-11, lễ tang ông Fakhrizadeh diễn ra tại Bộ Quốc phòng Iran với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami, Tư lệnh IRGC Hossein Salami, lãnh đạo Lực lượng Quds - tướng Esmail Ghaani, lãnh đạo chương trình hạt nhân dân sự Ali Akbar Sahei, Bộ trưởng Tình báo Mamoud Alavi. Ông Fakhrizadeh được chôn cất tại đền Emamzade Saleh ở bắc Iran.

Theo cựu chuyên viên tình báo Scott Ritter của quân chủng thủy quân lục chiến Mỹ, Israel rất sốt ruột khi chiến dịch “tối đa hóa áp lực” thông qua trừng phạt của Tổng thống Donald Trump không ngăn được đà phát triển hạt nhân của Iran, chưa kể ông Joe Biden còn định đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân sau khi nhậm chức. Ông Ritter cũng nhận định Israel là thủ phạm và đây là “món quà nặng ký” nước này tặng ông Biden, để ông không còn đường theo đuổi ngoại giao mà chỉ có thể mạnh tay quân sự với Iran.

Trang tin EurAsian Times dẫn dự đoán chuyên gia rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều diễn biến mang tính khiêu khích nữa xảy ra ở Trung Đông. Theo chuyên gia này thì Israel đang rất mong Iran ra đòn trả đũa, dù nhằm vào Israel hay nhằm vào Mỹ đi nữa, vì bộ đôi Trump-Netanyahu đang chờ cớ để chính thức ra tay với Iran, qua đó triệt tiêu chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, có vẻ Israel sẽ khó toại nguyện. Phát biểu tại lễ tang ông Fakhrizadeh ngày 30-11, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami khẳng định nước này sẽ không bỏ qua vụ việc. Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani nói rõ Iran “chắc chắn sẽ trả thù” nhưng sẽ thực hiện “vào đúng thời điểm”, không “mắc bẫy ra quyết định vội vàng”.

EurAsian Times nhận định khả năng lớn Iran sẽ chỉ ra đòn trả đũa một khi ông Trump rời Nhà Trắng, chuyển giao vị trí lãnh đạo nước Mỹ lại cho ông Joe Biden - người được đánh giá ít thân thiện với Israel hơn. Ngay sau khi ông Fakhrizadeh bị ám sát, không chỉ Israel mà nhiều thành viên đảng Cộng hòa (Mỹ) tỏ ý vui mừng. Trong khi đó nhiều đồng minh ông Biden lại có phản ứng ngược lại. Chẳng hạn cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John O. Brennan lên án rằng đây là “hành động thiếu thận trọng”.

Reuters cũng cho rằng bên cạnh các khó khăn về quân sự và chính trị trong tấn công Israel, nhà cầm quyền Iran nhận thức rõ bước đi vội vàng sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện quan hệ với chính phủ sắp tới của ông Biden.

Lễ tang nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh được tổ chức tại Tehran (Iran) ngày 30-11. Ảnh: IRAN PRESS

Lễ tang nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh được tổ chức tại Tehran (Iran) ngày 30-11. Ảnh: IRAN PRESS

Iran có rất nhiều phương án

Iran lúc này được cho là đang tính toán cách thức, thời điểm ra đòn trả đũa và báo Haaretz ngày 30-11 nhận định Iran có rất nhiều phương án.

Viễn cảnh thứ nhất là “tiền lệ Lebanon”. Tháng 8-2019, một loạt cơ sở của Iran ở Syria, Iraq, Lebanon bị tấn công mà Israel bị cho là thủ phạm, trong đó có một nhà máy ở Lebanon mà nhóm vũ trang Hezbollah sử dụng để phát triển tên lửa. Một tuần sau, Hezbollah phóng một tên lửa chống tăng sang bắc Israel, cách biên giới Lebanon chưa tới 1 km. Một quan chức Israel cho rằng Iran có thể lần nữa cân nhắc nhắm vào mặt trận phía bắc Israel. Theo Haaretz, hiện Lực lượng Phòng vệ Israel đã sẵn sàng cho khả năng Iran yêu cầu Hezbollah hành động thay mình, sau cái chết của ông Fakhrizadeh.

Viễn cảnh thứ hai là cao nguyên Golan. Từ quan điểm của cả Iran và Hezbollah, Syria là nơi thuận tiện hơn để đối phó Israel. Theo Haaretz, Israel lâu nay coi Syria đã trở thành “sân sau” của Iran, là nơi Iran làm bàn đạp thách thức Israel. Sau diễn biến một loạt cơ sở của Iran ở Syria, Iraq, Lebanon bị tấn công năm 2019, phía Israel phát hiện Iran có kế hoạch dùng máy bay không người lái tấn công Israel ở mặt trận cao nguyên Golan. Một nguồn tin quốc phòng Israel cho biết nước này đang để ý tới khả năng Iran nhắm tới tấn công Israel ở cao nguyên Golan.

Viễn cảnh thứ ba, ngăn cản Israel về ngoại giao. Gần đây, trong các cuộc họp kín, các quan chức tình báo và quốc phòng Israel nêu quan điểm rằng việc nước này kiên trì hành động với Iran không chỉ để phá các cơ sở Iran mà quan trọng hơn là để các nước trong khu vực nhìn nhận một Israel không sợ “đối đầu với một láng giềng bắt nạt”. Từ đó các nước sẽ xem Israel là một đối tác trong trận chiến chống lại Iran - trận chiến mà nếu không đi kèm các nỗ lực ngoại giao thì khó có hy vọng chiến thắng. Việc Israel vừa ký hiệp ước hòa bình với một số nước Ả Rập vùng Vịnh cũng nằm trong ngoại giao của Israel.

Tuy nhiên, Iran có nhiều “công cụ” để ngăn các nước ngoại giao tốt đẹp với Israel. Thực tế cho thấy Iran đã thể hiện mình có khả năng này, bằng cách tấn công các mục tiêu chiến lược. Cách đây không lâu, Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của mình từng phong tỏa các tuyến đường hàng hải ở Trung Đông, bị nghi đứng sau nhiều vụ tàu hàng bị tấn công, thậm chí đe dọa áp phong tỏa hàng hải lên các địa điểm chiến lược như eo biển Hormuz. Nhớ lại tháng 9-2019, nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia bị tấn công bằng tên lửa hành trình, được cho là do nhóm phiến quân Houthi do Iran bảo trợ ra tay.

Viễn cảnh thứ tư: Mặt trận hàng hải, nhắm vào dầu khí. Israel tin rằng Iran có khả năng bắn tên lửa đất đối biển tới từng mục tiêu trên lãnh hải Israel, kể cả các giàn khoan dầu khí ngoài khơi. Hezbollah cũng có vũ khí này, có thể bắn tới dải Gaza, đe dọa tự do lưu thông hàng hải và các cơ sở hạ tầng chiến lược của Israel.•

Israel chỉ thị mọi đương kim và cựu quan chức chính phủ cũng như quốc phòng bỏ mọi kế hoạch công tác sang các nước vùng Vịnh, nơi Israel vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Các quan chức đã lỡ đi công du trước khi có chỉ thị thì không được thông báo công khai lịch trình di chuyển hay đưa hình ảnh chuyến đi lên mạng xã hội. Bộ Quốc phòng tăng cường thu thập thông tin tình báo liên quan đến mặt trận phía bắc của Israel, cảnh giác trước khả năng Iran trả đũa. Trước đó Israel cũng đã báo động toàn bộ đại sứ quán của mình khắp thế giới thận trọng trước nguy cơ Iran hành động. Haaretz dẫn lời nhiều quan chức tình báo Israel cho rằng các bước chuẩn bị trên cho thấy nước này có thể đã dự liệu trước các viễn cảnh trả đũa của Iran.

Tiết lộ bất ngờ cách nhóm sát thủ ám sát nhà khoa học Iran

Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát bằng một súng máy được điểu khiển từ xa ở khoảng cách 150 m, bắn trúng người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Tin tức Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN