Đập thủy điện lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc lập kỷ lục thế giới
Đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc đã tạo ra 103,1 tỉ kWh điện năng trong năm 2020, xô đổ kỷ lục thế giới về sản lượng điện hàng năm.
Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, sản lượng 103,1 tỉ kWh điện năng được ghi nhận vào sáng ngày 15.11 và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Kỷ lục trước đây thuộc về đập Itaipu ở Nam Mỹ, với 103,098 tỉ kWh vào năm 2016.
Lượng điện nói trên đã giúp tiết kiệm 31,71 triệu tấn than tiêu chuẩn, giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 86,71 triệu tấn, khí sulfur xuống 20.600 tấn và nitơ oxit giảm xuống 19.600 tấn.
Tập đoàn Tam Hiệp, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp, khẳng định với việc sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, dự án giúp kiểm soát và ngăn chặn nước lũ dọc theo lưu vực sông Trường Giang. Dự án giúp giảm lượng phát thải carbon, góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái của Trung Quốc.
Năm 2020, miền trung và nam Trung Quốc trải qua mùa mưa lịch sử. Đập Tam Hiệp có đóng góp quan trọng trong nỗ lực kiểm soát lũ, hứng chịu đợt lũ kỷ lục lên tới 75.000 m3/giây vào cuối tháng 8.
Thông qua việc tích nước ở hồ chứa, đỉnh lũ đã giảm khoảng 40%, làm giảm đáng kể áp lực kiểm soát lũ ở khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Đập Tam Hiệp hiện là công trình thủy điện lớn nhất hành tinh cả về quy mô xây dựng và quy mô tổ máy phát điện. Công trình có 32 tổ máy chính và hai nhà máy phát điện, với tổng công suất 22.500MW.
Thông thường, đập Tam Hiệp tạo ra sản lượng điện khoảng 88,2 tỉ kWh mỗi năm.
Truyền thông phương Tây thường chỉ trích đập Tam Hiệp là công trình có ảnh hưởng to lớn đến môi trường và xã hội, không có tác dụng chống lũ như kế hoạch và luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa nếu vỡ đập.
Phát hiện gần đây của các nhà khảo cổ cho thấy, khu vực đập Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc có những hóa thạch...
Nguồn: [Link nguồn]