Đập Tam Hiệp: Trường thành chắn lũ hay "máy" tạo sóng thần?
Theo thông tin mới nhất, ngày 8.7, lưu lượng nước dồn về đập Tam Hiệp đã lên tới 55.000 m3/giây, trong bối cảnh nước sông Dương Tử tiếp tục dâng cao do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua ở Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp – công trình được xem là niềm tự hào của người Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Tình trạng ngập lụt diện rộng ở các tỉnh thành hạ lưu sông Dương Tử là nghiêm trọng. Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) – chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc – cho rằng, sức nước xả ra từ đập Tam Hiệp mạnh gấp 25 lần lũ tự nhiên.
Chức năng quan trọng nhất khi được xây dựng của đập Tam Hiệp là điều tiết dòng lũ hằng năm của sông Dương Tử - con sông dài thứ 3 thế giới.
Năm 1998, trong khi đập Tam Hiệp đang được xây dựng, một trận “đại hồng thủy” kinh hoàng trên sông Dương Tử đã cướp đi sinh mạng của khoảng 4.000 người.
Sau khi chính thức hoàn thiện năm 2009, đập Tam Hiệp đã chứng tỏ tác dụng khi đối mặt với lượng nước dồn về lên tới 70.000 m3/giây trong đợt lũ năm 2010.
Dự theo thiết kế xây dựng, con đập có thể chịu nổi mực nước “ngàn năm có một” là 175 mét và lượng nước dồn về tối đa là 70.000 m3/giây.
Siêu đập Tam Hiệp lớn nhất hành tinh được xem là biểu tượng cho ngành xây dựng Trung Quốc. Con đập được ví như “Vạn Lý Trường Thành thứ hai”, bảo vệ 400 – 600 triệu người dân dưới hạ nguồn.
Có rất nhiều đồn đoán về tính toàn vẹn của con đập trong mùa mưa lũ lịch sử năm nay ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của đập Tam Hiệp trong việc kiểm soát lũ từ khi đi vào hoạt động, theo Tân Hoa Xã.
Sức nước đập Tam Hiệp xả ra mạnh gấp 25 lần lũ tự nhiên, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)
Đập Tam Hiệp cao 181 mét và được xây dựng bằng 28 triệu tấn bê tông, 463.000 tấn thép. Với hình dạng mặt cắt là hình thang, bề dày thân đập ở phần đáy vượt trội hẳn so với đỉnh, đập Tam Hiệp được ví như một ngọn núi vững vàng chắn nước sông Dương Tử.
Theo thiết kế, đập Tam Hiệp có thể chịu nổi sức tấn công của tên lửa đạn đạo và vụ nổ hạt nhân quy mô nhỏ.
Điều đáng lo ngại cho sự toàn vẹn của đập Tam Hiệp không phải là chiến tranh mà là tình trạng xả rác và sạt lở đất ở sông Dương Tử.
Năm 2010, sau khi chống chịu thành công sức ép lớn, người ta thấy hàng chục tấn rác bị cuốn xuống sông Dương Tử. Lượng rác khổng lồ phủ kín 50.000 m2 mặt sông và trôi đến đập Tam Hiệp.
Ở một số khu vực, rác dày đến nỗi tạo thành “đảo”, có thể giẫm chân lên được. Lượng rác thải dày đặc trong mùa lũ đe dọa làm tắc nghẽn hệ thống lọc nước và ống xả của đập Tam Hiệp.
Từ năm 2010, mỗi năm, tập đoàn Tam Hiệp phải chi khoảng 1,5 triệu USD để dọn rác trôi về phía đập Tam Hiệp, theo China News.
Theo Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc, có tới 776 vụ động đất xảy ra ở khu vực xung quanh đập Tam Hiệp vào năm 2017. Năm 2007, một số vụ lở đất dọc sông Dương Tử đã gây ra "sóng thần" cao tới 50 mét.
Hôm 8.7, một trận lở đất đã xảy ra ở Hoàng Cương, Hồ Bắc khiến 3 ngôi nhà bị phá hủy, 9 người bị chôn vùi.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, tốc độ dòng chảy đổ xuống sẽ cực kỳ nhanh, có thể đạt mức 180 km/giờ. Đập Cát Châu Bá nằm dưới đập Tam Hiệp sẽ bị đánh vỡ trong vòng 20 phút, theo hiệu ứng domino.
Theo Epoch Times, các chuyên gia thiết kế Trung Quốc đã tiến hành nhiều thử nghiệm mô phỏng để xem liệu hậu quả sẽ ra sao nếu đập Tam Hiệp bị vỡ.
Thử nghiệm cho thấy, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, 39,3 tỷ mét khối nước tràn xuống ngay lập tức sẽ biến Nghi Xương, Hồ Bắc thành bình địa với khoảng 700.000 người thiệt mạng.
Hôm 29.6, Trung Quốc đã cho phép đập Tam Hiệp mở 2 cổng xả lũ. Ngày 4.7, đập Tam Hiệp tiếp tục mở 3 cổng xả lũ khi lượng nước dồn về ở mức 53.000 m3/giây.
Đập Tam Hiệp có thể tạo sóng thần, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)
Ngày 7.7, giới chức thành phố Vũ hán ra cảnh báo cao nhất về những trận mưa xối xả trong khi nước lũ dâng cao. 8 giờ sáng hôm 7.7, Vũ Hán chính thức phát báo động đỏ – cấp cao nhất – về tình hình mưa lũ.
Không cùng quan điểm với nhận định của tờ Tân Hoa Xã, hãng tin NTD TV dẫn lời chuyên gia Vương Duy Lạc cho rằng, đập Tam Hiệp thực tế không có nhiều tác dụng trong việc kiểm soát lũ.
Ông Vương Duy Lạc đồng tình với kết luận trong một bài phân tích của các chuyên gia Cheng Haiyun, Chen Li và Xu Yinshan từ Ủy ban Bảo tồn Nước sông Dương Tử, cho rằng, sức nước xả ra từ đập Tam Hiệp còn mạnh gấp 25 lần lũ tự nhiên ở sông Dương Tử.
“Đập Tam Hiệp làm thay đổi bản chất di chuyển của nước sông Dương Tử. Nước xả ra từ đập tạo thành những làn sóng đứng, nói đúng hơn là sóng thần. Tốc độ và động năng làm tăng sức mạnh của những con sóng này, khiến chúng có sức tàn phá gấp 25 lần lũ tự nhiên. Thời gian sóng lũ di chuyển từ Nghi Xương, Hồ Bắc đến khu vực hạ lưu cũng được rút ngắn lại 5 lần so với bình thường”, ông Vương nhận xét.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại Phục Hưng, siêu đập thủy điện Ethiopia, sẽ là đập thủy điện lớn nhất châu Phi khi hoàn thiện. Nhưng hiện tại,...