Đảo quốc Ấn Độ Dương sa thải ngoại trưởng bỏ phiếu phản đối Nga
Ngoại trưởng nước này bị sa thải chỉ 6 ngày sau khi bỏ phiếu phản đối việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Madagascar - ông Richard Randriamandrato (ảnh: Reuters)
Hôm 19/10, Reuters đưa tin, Tổng thống Madagascar Andriy Rajoelina đã ký sắc lệnh sa thải Ngoại trưởng Richard Randriamandrato. Vị trí của ông Randriamandrato tạm thời sẽ do Bộ trưởng Quốc phòng Madagascar phụ trách. Sắc lệnh được đưa ra hôm 18/10.
Sắc lệnh không nêu cụ thể lý do Ngoại trưởng Randriamandrato bị sa thải, nhưng TVM (đài truyền hình quốc gia Madagascar) đưa tin, ông Randriamandrato đã tự ý bỏ phiếu phản đối Nga tại Liên hợp quốc mà không hỏi ý kiến các lãnh đạo đất nước.
2 quan chức cấp cao (giấu tên) thuộc Văn phòng Tổng thống Madagascar tiết lộ với Reuters rằng, ông Randriamandrato bị sa thải vì bỏ phiếu phản đối việc Nga sáp nhập 4 khu vực ở Nga bao gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.
Hôm 12/10, Madagascar cùng 142 quốc gia khác bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết phản đối Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. 5 nước bỏ phiếu phản đối nghị quyết trên là Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Nicaragua. 35 quốc gia khác bỏ phiếu trắng.
Trước đó, Madagascar đã liên tục bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề xung đột Nga – Ukraine. Madagascar duy trì quan điểm trung lập và không ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột, theo Reuters.
Madagascar thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga từ năm 1972. Hồi tháng 3, nước này đạt thỏa thuận tăng cường quan hệ quốc phòng với Nga. Thỏa thuận này bao gồm các việc mua vũ khí, huấn luyện quân sự, bảo dưỡng thiết bị quân sự và hợp tác quốc phòng.
Ngoài đảo quốc Ấn Độ Dương Madagascar, Nam Phi cũng là quốc gia giữ thái độ trung lập trong xung đột Nga – Ukraine và phản đối việc phương Tây gây sức ép, buộc các nước khác phải “chọn phe”.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi Washington không dọa trừng phạt, buộc các nước châu Phi phải cắt đứt quan hệ với Nga. Ông Cyril Ramaphosa cho rằng, xung đột ở Ukraine có thể tránh được nếu NATO để tâm đến những cảnh báo về việc mở rộng khối về phía đông.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố thiết quân luật ở 4 khu vực Ukraine bao gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Sắc lệnh được đưa ra trong bối cảnh quân đội Ukraine được cho là...
Nguồn: [Link nguồn]