Đào được kim cương sâu dưới lòng đất, phát hiện điều chưa từng thấy
Các nhà khoa học rất bất ngờ khi một khoáng chất chưa từng thấy từ trước đến nay, tồn tại trong một viên kim cương được khai thác ở sâu bên dưới mặt đất.
Các nhà nghiên cứu bất ngờ khi khoáng chất chỉ tồn tại ở điều kiện áp suất cao, còn nguyên vẹn bên trong viên kim cương.
Theo Daily Star, khoáng chất được gọi là davemaoite, chỉ có thể hình thành dưới áp suất và nhiệt độ cao trong lớp phủ Trái đất – là lớp rắn nằm giữa phần lõi bên ngoài và lớp vỏ Trái đất.
Các nhà khoa học trước đây chỉ biết về khoáng chất này, chưa từng quan sát thực tế bằng mắt thường. Tên khoáng chất được đặt theo nhà địa vật lý nổi tiếng Ho-kwang (Dave) Mao.
Khoáng chất này là một dạng CaSiO3, chỉ tồn tại trong môi trường áp suất cao. Một khi được đưa lên mặt đất, khoáng chất này sẽ tan rã vì chênh lệch điều kiện áp suất.
Một viên kim cương gần đây được tìm thấy dưới lòng đất ở Botswana. Kết quả phân tích cho thấy viên kim cương hình thành ở lớp phủ cách bề mặt Trái đất khoảng 660km, chứa khoáng chất davemaoite. Hiệp hội khoáng vật học quốc tế hiện đã xác nhận davemaoite là một khoáng chất mới, dựa trên bằng chứng về viên kim cương.
“Phát hiện về davemaoite đến một cách bất ngờ”, tác giả nghiên cứu, nhà khoa vật học Oliver Tschauner, đến từ Đại học Nevada, Mỹ, nói trên Live Science.
Các nhà khoa học tin rằng, davemaoite đóng một vai trò địa hóa quan trọng trong lớp phủ của Trái đất. Theo đó, khoáng chất này cũng có thể chứa các nguyên tố vi lượng khác, bao gồm uranium và thorium, có thể giải phóng nhiệt thông qua phân rã phóng xạ. Davemaoite có thể giúp tạo ra một lượng nhiệt đáng kể trong lớp phủ, Tschauner cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Nghiên cứu mới từ Úc phát hiện ra 2 loại kim cương quý nhất thế giới thực ra hình thành từ... xác những sinh vật sống...