Đảo chính xong, quân đội Myanmar gặp thách thức lớn
Các tướng lĩnh quân đội Myanmar đã lật đổ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, nắm quyền kiểm soát đất nước, nhưng thách thức lớn nhất ở phía trước là làm cách nào đánh bại được bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử chính thức.
Bà Suu Kyi nhận được sự ủng hộ sâu rộng ở Myanmar.
Thống tướng Min Aung Hlaing, chỉ huy lực lượng đảo chính tuyên bố sẽ cải tổ ủy ban bầu cử và tổ chức bầu cử “tự do, công bằng” sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia kết thúc.
Tướng Aung Haling nhấn mạnh quân đội cần phải hành động vì có gian lận quy mô lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020. Đảng NLD của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử này.
Các tướng lĩnh quân đội cáo buộc có gian lận bầu cử mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn ở một quốc gia mà quân đội có quãng thời gian dài nắm quyền như Myanmar.
Thách thức lớn nhất với quân đội Myanmar là làm cách nào đối phó với bà Suu Kyi. Là con gái của chiến sĩ cách mạng Aung San – người có công lớn nhất đưa Myanmar tiến tới nền độc lập, bà Suu Kyi có ảnh hưởng rộng khắp đất nước.
Năm 1990, bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử công khai nhưng quân đội bác bỏ kết quả này. Phe đối lập do quân đội hậu thuẫn chỉ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2010 vì khi đó bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia.
Người dân Myanmar vẫn treo cờ đảng NLD trong ngày đảo chính diễn ra.
Trong hai cuộc bầu cử năm 2015 và 2020, bà Suu Kyi và đảng cầm quyền NLD đều giành chiến thắng áp đảo.
“Dù nắm nhiều lợi thế, được hưởng đặc quyền theo Hiến pháp, phe quân đội vẫn không thể đánh bại được bà Suu Kyi trong một cuộc bầu cử”, Lee Morgenbesser, chuyên gia tại Đại học Griffith ở Úc, nói. “Tướng Aung Hlaing tuyên bố sẽ tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng có nghĩa là quân đội có thể giải thể hoặc cấm đảng NLD của bà Suu Kyi tranh cử”, ông Morgenbesser nói thêm.
Ở Thái Lan, sau cuộc đảo chính năm 2014, Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Prayuth Chan-ocha đã trở thành Thủ tướng, trực tiếp nắm quyền điều hành chính phủ. Tướng Aung Hlaing cũng có thể tìm cách để chuyển sang nắm quyền trong chính phủ một cách hợp pháp.
Nhưng ở Myanmar, tầm ảnh hưởng của bà Suu Kyi là rất lớn. Lãnh đạo quân đội Myanmar và bà Suu Kyi đã nhiều lần mâu thuẫn kịch liệt. “Quân đội lo ngại tầm ảnh hưởng quá lớn của bà Suu Kyi khiến chính quyền dân sự có thể sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ các đặc quyền của phe quân đội”, Andrew Heyn, cựu đại sứ Anh tại Myanmar, nói.
Binh sĩ quân đội Myanmar.
Theo các chuyên gia, quân đội Myanmar có thể sẽ tính tới việc thay đổi luật bầu cử và cấm các cá nhân có ảnh hưởng như bà Suu Kyi ra tranh cử.
Nhưng để làm được điều này là không đơn giản. Chính sức ép rất lớn từ người biểu tình là nguyên nhân quân đội Myanmar phải trả tự do cho bà Suu Kyi vào năm 2010 và cho phép bà tiếp tục tranh cử.
“Cuộc đảo chính diễn ra suôn sẻ mà không gặp phải bất kì sự kháng cự nào. Nhưng hiện chưa rõ quân đội Myanmar sẽ làm gì tiếp theo”, Peter Mumford, cố vấn rủi ro của tổ chức Á-Âu, nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Với việc quân đội Myanmar thay thế hàng loạt quan chức cấp cao trong chính phủ, giới đầu tư Trung Quốc có lý do để lo...