Đảo chính quân sự ở Myanmar: Thế giới phản ứng ra sao?

Hôm 1.2, quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo dân cử của Myanmar – và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kiểm soát đất nước trong ít nhất một năm.

Bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo Myanmar – vừa bị quân đội bắt giữ (ảnh: Reuters)

Bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo Myanmar – vừa bị quân đội bắt giữ (ảnh: Reuters)

Mỹ cho biết, Tổng thống Biden đã nhận được báo cáo vắn tắt về vụ việc bà Aung San Suu Kyi – người từng đoạt giải Nobel hòa bình – bị quân đội Myanmar bắt giữ trong cuộc đảo chính.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi.

“Mỹ luôn sát cánh cùng người dân Myanmar trong khát vọng tìm kiếm tự do, dân chủ và hoà bình. Quân đội Myanmar phải đảo ngược hành động của họ ngay lập tức”, ông Blinken phát biểu.

“Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử, ngăn trở tiến trình dân chủ ở Myanmar. Chúng tôi sẽ hành động nhằm chống lại những người chịu trách nhiệm cho những bất ổn ở Myanmar nếu tình hình không thay đổi”, Jen Psaki – phát ngôn viên Nhà Trắng – nói.

John Sifton – Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) – cho rằng, phản ứng ban đầu của Mỹ là “yếu ớt một cách đáng thất vọng”.

“Mỹ cần làm việc với các đồng minh và ra tối hậu thư, yêu cầu quân đội Myanmar phải thả bà Aung San Suu Kyi. Nếu không, họ sẽ phải lãnh hậu quả”, ông John Sifton nói.

Quân đội Myanmar, lãnh đạo bởi tướng Min Aung Hlaing, cho biết, việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi nhằm làm sáng tỏ “gian lận bầu cử”. Trước đó, ông Hlaing từng “bóng gió” về một cuộc đảo chính khi hiến pháp Myanmar “không được tuân thủ”.

Bà Suu Kyi và Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (ảnh: Reuters)

Bà Suu Kyi và Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (ảnh: Reuters)

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án việc quân đội Myanmar giam giữ bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác.

“Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng ý chí của người dân”, Liên Hợp Quốc tuyên bố.

Chính phủ Úc cho biết họ “quan ngại sâu sắc trước vụ việc quân đội tìm cách giành lại quyền kiểm soát Myanmar một lần nữa”.

“Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp luật, giải quyết những mâu thuẫn bằng cơ chế hợp pháp. Họ nên thả ngay các nhà lãnh đạo dân sự đang bị giam một cách trái pháp luật”, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói.

Cùng với Úc, Singapore cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ việc.

Ming Yu Hah – Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế – cho rằng, vụ việc bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức Myanmar khác bị bắt giữ là “cực kỳ đáng báo động”.

Indonesia và Malaysia kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar tuân thủ “nguyên tắc dân chủ”.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, tất cả những bất đồng liên quan đến bầu cử nên được giải quyết theo cơ chế hợp lý sẵn có”, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố.

Ấn Độ kêu gọi Myanmar duy trì “pháp quyền và dân chủ”.

“Chúng tôi tiếp nhận các thông tin mới nhất ở Myanmar với sự quan ngại sâu sắc. Ấn Độ kiên định và ủng hộ tiến trình chuyển đổi quyền lực một cách dân chủ của Myanmar. Chúng tôi cho rằng pháp quyền và dân chủ phải được duy trì”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay.

Nhật Bản cho biết nước này đã theo dõi chặt chẽ tình hình ở Myanmar và chưa có kế hoạch hồi hương công dân. Hơn 3.500 người Nhật đang ở Myanmar.

Đại sứ quán Nhật Bản ở Myanmar kêu gọi công dân không rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết.

Thái Lan, Campuchia và Philippines cho rằng, vụ đảo chính ở Myanmar là “vấn đề nội bộ”.

“Đó là công việc nội bộ của Myanmar”, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan nói.

“Campuchia không bình luận và tham gia vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói.

“Đó là vấn đề nội bộ của Myanmar và chúng tôi sẽ không tham gia. Điều chúng tôi quan tâm là sự an toàn của công dân Philippines”, Harry Roque – phát ngôn viên Tổng thống Philippines – nói.

Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, không là Tổng thống nhưng được coi là nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar. Chức danh chính thức của bà Suu Kyi là cố vấn nhà nước. Tổng thống Myanmar Win Myint là đồng minh thân cận của bà.

Quân đội Myanmar hiện nắm quyền kiểm soát đất nước (ảnh: Reuters)

Quân đội Myanmar hiện nắm quyền kiểm soát đất nước (ảnh: Reuters)

Hiến pháp Myanmar quy định, người có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài như bà Suu Kyi không được giữ chức Tổng thống. Tuy nhiên, bà Suu Kyi vẫn vô cùng nổi tiếng ở Myanmar.

Tướng Aung San – anh hùng giải phóng dân tộc của Myanmar – là cha của bà Suu Kyi.

Năm 1948, Myanmar giành được độc lập từ Anh. Tuy nhiên, trước đó không lâu, ông Aung San chết trong một vụ ám sát.

Năm 1960, bà Suu Kyi sang Anh du học và lấy chồng, sinh hai người con.

Năm 1988, bà Suu Kyi quay lại Myanmar để chăm sóc cho người mẹ bệnh nặng. Lúc này, Myanmar đang rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Bà Suu Kyi tham gia lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại việc quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước. Những cuộc biểu tình do bà Suu Kyi lãnh đạo bị đàn áp. Năm 1989, bà bị quản thúc tại gia cho đến tháng 7.1995.

Sau nhiều lần bị giam giữ, quản thúc tại gia, mãi đến năm 2010, bà Suu Kyi mới được tự do hoàn toàn.

Tháng 11.2015, bà Suu Kyi lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar sau 25 năm.

Nhân vật quyền lực đứng sau đảo chính quân sự, bắt giữ lãnh đạo Myanmar

Tướng Min Aung Hlaing (64 tuổi), Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, còn được gọi là “tư lệnh tối cao” vì nắm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Reuters ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN