Đảo chính ở Gabon có đe dọa lợi ích của Trung Quốc?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Gabon đang bị đe dọa vì cuộc đảo chính quân sự xảy ra ở quốc gia Trung Phi giàu tài nguyên và dầu mỏ. Nhưng điều này cũng tạo ra cơ hội về lâu dài.

Ông Ali Bongo gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào ngày 19/4/2023.

Ông Ali Bongo gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào ngày 19/4/2023.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn ở khu vực khi ảnh hưởng của Pháp ngày càng suy giảm, theo tờ SCMP.

Hôm 29/8, một nhóm các sĩ quan quân đội đã thông báo phế truất Tổng thống Ali Bongo Ondimba, ngay sau khi ông Ali Bongo được ủy ban bầu cử xác nhận tái đắc cử nhiệm kỳ 3.

Các sĩ quan đảo chính sau đó chọn tướng Brice Oligui Nguema, tư lệnh lực lượng cận vệ, làm Tổng thống lâm thời. Cuộc đảo chính chấm dứt giai đoạn nắm quyền của gia đình Bongo sau hơn 50 năm. Năm 2009, ông Ali Bongo trở thành Tổng thống thay thế người cha Omar Bongo Ondimba. Ông Omar đã nắm quyền ở Gabon từ năm 1967 và có mối quan hệ gần gũi với Pháp.

Sau cuộc đảo chính, Trung Quốc kêu gọi các bên đàm phán và đảm bảo an toàn cho tổng thống bị lật đổ.

Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu mỏ và sản xuất gỗ ở Gabon. Tháng 4/2023, ông Ali Bongo đã có chuyến thăm Bắc Kinh, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ở thời điểm đó, quan hệ Trung Quốc - Gabon được nâng lên một mức độ mới. Ông Tập cũng hứa giúp Gabon đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Sau cuộc đảo chính, đại sứ quán Trung Quốc tại Gabon cho biết, cơ quan đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và kêu gọi người dân Trung Quốc ở yên trong nhà.

“Tất cả công dân Trung Quốc ở Gabon được khuyến nghị ở yên trong nhà, không ra ngoài. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy liên hệ với đại sứ quán”, tuyên bố cho biết.

Phản ứng của Trung Quốc được đánh giá là khác biệt so với cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021 ở Guinea, một quốc gia châu Phi khác. Tháng 9/2021, Trung Quốc ra tuyên bố phản đối cuộc đảo chính ở Guinea, kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Guinea khi đó là Alpha Conde.

Benjamin Barton, phó giáo sư công tác tại chi nhánh của Đại học Nottingham ở Malaysia, cho rằng lợi ích của Trung Quốc về lâu dài sẽ không bị ảnh hưởng.

“Sau cuộc đảo chính, Gabon sẽ không trải qua sự thay đổi đáng kể vì sự vững mạnh của nền kinh tế Gabon phần lớn phụ thuộc vào các đối tác quốc tế, bao gồm Trung Quốc”, ông Barton nói.

Yun Sun, chuyên gia am hiểu về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ), nói cuộc đảo chính ở Gabon không được coi là có lợi cho Trung Quốc vì sự bất ổn chắc chắn sẽ làm suy yếu triển vọng hợp tác kinh tế.

Tiến sĩ John Calabrese, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ), nói Trung Quốc từ lâu là đối tác thương mại hàng đầu của Gabon.

“Trong phần lớn khoảng thời gian gia đình Bongo nắm quyền, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Gabon. Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn quặng mangan từ Gabon”, ông Calabrese nói.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Gabon càng được thúc đẩy dưới thời ông Ali Bongo. “Bắc Kinh có thể sẽ phải xây dựng lại quan hệ với các lãnh đạo quân sự ở Gabon. Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội, vì Pháp đang ngày càng đánh mất vị thế ở khu vực”, ông Calabrese nhận định.

Aly-Khan Satchu,nhà phân tích địa kinh tế ở khu vực châu Phi cận Sahara, nói rằng cuộc đảo chính rốt cuộc có thể đem lại lợi ích cho Trung Quốc.

“Ảnh hưởng của Pháp đang suy giảm sẽ tạo điều kiện cho ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng ở Gabon”, ông Satchu nói. “Mô hình hợp tác kinh tế của Trung Quốc đối với châu Phi rõ ràng là hấp dẫn hơn so với mô hình của Pháp”.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Gabon với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,55 tỷ USD vào năm 2022. tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gabon là quốc gia chỉ có hơn 2 triệu người, riêng nguồn thu từ dầu thô và quặng mangan đóng góp 83% doanh thu của đất nước.

Gabon thuộc một nhóm nhỏ các quốc gia hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn lượng thải ra, còn được gọi là “bể chứa carbon”. Chìa khóa của ngành lâm nghiệp Gabon là hàng chục công ty Trung Quốc sở hữu đất nhượng quyền để trồng rừng và hơn 30 công ty khác tham gia vào hoạt động chế biến gỗ.

Cuộc khủng hoảng ở Gabon không phải đảo chính mà là “vấn đề nội bộ gia đình”?

Albert Ondo Ossa, ứng viên đối lập tham gia tổng tuyển cử ở Gabon – quốc gia Trung Phi – cho rằng ông mới là người chiến thắng và ông cũng bác bỏ cuộc đảo chính do các sĩ quan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN