Đảo chính Niger: Pháp bắt đầu rút quân; Mỹ lên tiếng

Pháp bắt đầu rút quân khỏi Niger từ ngày 10-10; Mỹ chính thức gọi việc tiếp quản quyền lực ở Niger vào tháng 7 là cuộc đảo chính quân sự.

Ngày 10-10, Pháp bắt đầu quá trình rút quân khỏi Niger và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Trong khi đó, Mỹ chính thức gọi việc tiếp quản quyền lực ở Niger vào tháng 7 là cuộc đảo chính quân sự.

Một đoàn xe của quân đội Pháp trên đường phố ở thủ đô Niamey (Niger) hôm 10-10. Ảnh: Mahamadou/REUTERS

Một đoàn xe của quân đội Pháp trên đường phố ở thủ đô Niamey (Niger) hôm 10-10. Ảnh: Mahamadou/REUTERS

Pháp bắt đầu rút quân khỏi Niger

Pháp bắt đầu rút quân khỏi Niger từ ngày 10-10, sau khi chính quyền quân sự Niger nhiều lần yêu cầu Paris chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện quân đội tại quốc gia châu Phi này, theo hãng tin Reuters.

Chính quyền quân sự Niger cho hay binh sĩ Pháp được quân đội Niger hộ tống rời khỏi nước này bằng đường bộ.

Một nguồn tin an ninh nói rằng binh sĩ Pháp dự kiến sẽ đi tới thủ đô N'Djamena (Chad) - nơi đóng quân của lực lượng Pháp thuộc Bộ chỉ huy Sahel.

Động thái này khởi đầu một quá trình phức tạp và căng thẳng mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước thông báo sẽ rút hết 1.400 binh sĩ đang đồn trú ở Niger vào cuối năm nay.

Việc rút quân của Pháp gặp trở ngại về hậu cần với rất ít tuyến đường an toàn ra khỏi khu vực mà không bị các nhóm phiến quân cản trở.

Biên giới đất liền của Niger với Benin và Nigeria đóng cửa kể từ cuộc đảo chính ngày 26-7. Trong khi đó, Niger cấm các chuyến bay của Pháp qua lãnh thổ nước này.

Vụ rút quân khỏi Niger ngày 10-10 là lần thứ ba trong vòng 18 tháng quân đội Pháp buộc phải rút quân khỏi một cựu thuộc địa châu Phi. Bước đi này được cho tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của Pháp trên lục địa đen và uy tín của Pháp trên trường quốc tế.

Trước đó, Mali và Burkina Faso, hai quốc gia cũng trải qua đảo chính trong 2 năm qua, đã quay lưng lại với Pháp, cáo buộc Paris có thái độ thực dân và chiến dịch chống lại phiến quân của Paris không hiệu quả.

Mỹ gọi việc tiếp quản quyền lực ở Niger là đảo chính quân sự

Ngày 10-10, các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đánh giá việc tiếp quản quyền lực ở Niger vào tháng 7 là cuộc đảo chính quân sự, sau khi có thông tin rõ ràng rằng chính quyền không muốn tuân theo các hướng dẫn hiến pháp để khôi phục chế độ dân sự và dân chủ, theo Reuters.

Ngoại trưởng Bakary seydou Sangarey của chính quyền quân sự Niger phát biểu hôm 1-10. Ảnh: Mahamadou/REUTERS

Ngoại trưởng Bakary seydou Sangarey của chính quyền quân sự Niger phát biểu hôm 1-10. Ảnh: Mahamadou/REUTERS

“Chúng tôi đưa ra đánh giá này vì trong 2 tháng qua chúng tôi đã sử dụng hết mọi cách có thể để duy trì trật tự hiến pháp ở Niger” - một quan chức Mỹ nói.

Quan chức này cho biết Washington kêu gọi chính quyền quân sự Niger tuân thủ hiến pháp mà theo quan điểm của Mỹ là "một chính phủ chuyển tiếp đang giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ phải khôi phục chế độ dân sự và dân chủ trong vòng 90-120 ngày”.

“Thời gian đã qua nhưng rõ ràng là các quan chức CNSP mà chúng tôi đang làm việc không muốn tuân theo những hướng dẫn hiến pháp này” - quan chức Mỹ nói.

CNSP là viết tắt của Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc - tên chính thức của chính quyền quân sự Niger.

Theo Reuters, việc chỉ định chính thức là một cuộc đảo chính sẽ hạn chế những hỗ trợ mà Washington có thể cung cấp cho Niger.

Mặc dù vậy, một quan chức Mỹ khác cho biết Washington không có kế hoạch thay đổi lực lượng quân sự của nước này ở Niger.

Trong thập niên qua, quân đội Mỹ đã huấn luyện lực lượng Niger về hoạt động chống khủng bố và Mỹ cũng đặt 2 căn cứ quân sự ở quốc gia châu Phi này.

Tháng trước, Lầu Năm Góc bố trí lại một số lực lượng và thiết bị ở Niger, đồng thời rút một số lượng nhỏ nhân viên không thiết yếu.

Hiện tại Mỹ duy trì khoảng 1.000 binh sĩ tại Niger, theo quan chức Mỹ.

Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Mali, lần thứ ba trong 2 tháng

Ngày 10-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với Tổng thống lâm thời của Mali - ông Assimi Goita, theo hãng thông tấn TASS.

Theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm do phía Mali đề xuất.

Trong cuộc điện đàm, hai lãnh đạo thảo luận về "cam kết chung nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và kinh tế, hợp tác an ninh và cuộc chiến chống khủng bố".

Hai bên cũng thảo luận về tình hình ở khu vực Sahara-Sahel và việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi hồi tháng 7.

Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc điện đàm lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai tháng giữa ông Putin và ông Goita.

Ông Goita, một chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mali, là một trong số các đại tá lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự vào năm 2020. Sau đó, ông giữ chức tổng thống lâm thời vào năm 2021.

Niger: Đụng độ ”hơn 100 tên khủng bố”, 29 binh sĩ thiệt mạng

Chính quyền quân sự Niger tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ các binh sĩ thiệt mạng trong vụ đụng độ với các nhóm khủng bố có thuốc nổ và xe bom liều chết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Đảo chính ở Niger Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN